Hội thảo khoa học: "Thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ: Mô hình và giải pháp"

Ngày 28/12/2024, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐHKT - ĐHQGHN) đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề Thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ: Mô hình và giải pháp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài QG.22.80 do PGS.TS. Lưu Quốc Đạt chủ trì.



Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, trường đại học và viện nghiên cứu.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lưu Quốc Đạt cho biết: Đề tài QG.22.80 do nhóm nghiên cứu thực hiện nhằm hướng đến xác lập bộ tiêu chí và mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ. Hội thảo được tổ chức không chỉ để thông tin rộng rãi kết quả nghiên cứu của đề tài, mà còn nhằm tạo ra diễn đàn để chia sẻ những mô hình và giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành dịch vụ tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, có bao gồm việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ, góp phần tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. 

PGS.TS. Lưu Quốc Đạt phát biểu khai mạc và trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày 5 báo cáo tham luận. Cụ thể: 

1. TS. Nguyễn Ngọc Tú (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) trình bày về tổng quan chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tạo giá trị bền vững, nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và các nền tảng kỹ thuật số trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

TS. Nguyễn Ngọc Tú trình bày tham luận

 

2. TS. Hoàng Xuân Vinh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) chia sẻ về những công nghệ số ứng dụng trong ngành bán lẻ, bao gồm AI, blockchain, và IoT, cùng các ví dụ thực tế từ các tập đoàn bán lẻ lớn.

TS. Hoàng Xuân Vinh trình bày tham luận

 

3. PGS.TS. Lưu Quốc Đạt (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) giới thiệu mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp bán lẻ, đề xuất cách tiếp cận đa tiêu chí và bộ công cụ đánh giá chi tiết.

4. ThS. Phạm Ngọc Vinh (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề cập đến nhu cầu nhân lực số ho các doanh nghiệp ngành bán lẻ, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ và quản lý dữ liệu để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ths. Phạm Ngọc Vinh trình bày tham luận

 

5. TS. Bùi Phương Chi (Trường ĐHKT – ĐHQGHN) trình bày về Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ, qua đó đề xuất lộ trình và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số rõ ràng; Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại, tập trung sâu vào trải nghiệm khách hàng; Phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao; Triển khai mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.

 

Học viên ngành Quản trị kinh doanh đặt câu hỏi cho các diễn giả

Phần thảo luận đã diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều câu hỏi từ các học viên và nghiên cứu sinh, xoay quanh các vấn đề như: Làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể triển khai chuyển đổi số hiệu quả với nguồn lực hạn chế; Những rào cản về mặt chính sách và công nghệ mà các doanh nghiệp ngành bán lẻ thường gặp phải, v.v.

TS. Nguyễn Ngọc Tú trả lời thắc mắc của học viên

 

Ảnh bế mạc Hội thảo

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Lưu Quốc Đạt nhận định: Quá trình chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế số quốc gia. Các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác để giải quyết các khó khăn về công nghệ, nhân lực và tài chính. Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và quản trị doanh nghiệp trong việc xây dựng các giải pháp phù hợp. Đây là bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa ngành bán lẻ tại Việt Nam.