Bảo vệ, phục hồi và tái sinh rừng ngập mặn: Tiến sĩ Nguyễn Đình Tiến nói gì trên sóng Truyền hình Quốc hội Việt Nam?

Chống biến đổi khí hậu bằng trồng rừng ngập mặn hiện đã và đang là cụm từ được đề cập nhiều nhất trong thời gian qua. Dù diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% tổng diện tích rừng của nước ta nhưng lại nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng như bảo vệ sinh kế cộng đồng bản địa. Để hiểu rõ hơn về mối lo ngại toàn cầu này, vừa qua, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Tiến - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề bảo vệ, phục hồi và tái sinh rừng ngập mặn.



So với diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam 1943 là hơn 400.000 hecta nhưng đến nay chỉ còn hơn 270.000 hecta tính cả diện tích chưa thành rừng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tiến nhận định rằng: “Đó là con số đáng báo động đối với sự suy giảm rừng và diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam. Theo như báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp mới nhất hiện nay, diện tích có rừng ngập mặn của Việt Nam chỉ vào khoảng 150.000 hecta, đặc biệt vốn là một quốc gia có đường bờ biển kéo dài trên 3000km và phải chịu nhiều tổn thương đến từ biến đổi khí hậu nên việc suy giảm diện tích rừng ngập mặn sẽ dẫn đến ảnh hưởng rất lớn tới đời sống cũng như là sinh kế của người dân”. 

Ông cho biết có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rừng ngập mặn có trữ lượng lưu trữ carbon cao gấp 4 đến 10 lần so với lại những loại rừng thông thường khác, như vậy, để đảm bảo được mục tiêu cam kết quốc gia là Net Zero vào năm 2050, chúng ta phải có chiến lược bảo tồn diện tích rừng ngập mặn đồng thời cần phát triển và bổ sung, trồng thêm phần diện tích rừng ngập mặn mới nhằm góp phần đảm bảo sự lưu trữ và hấp thụ carbon. Trước tình hình suy giảm diện tích rừng hiện nay, việc tính đến cung cấp dịch vụ môi trường rừng là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt đối với rừng ngập mặn. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh rằng nếu chúng ta có một cơ chế chính sách để khuyến khích những đối tượng tham gia được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng thì chúng ta sẽ có một nguồn tài chính nhất định để phục vụ cho vấn đề về bảo tồn và bảo vệ phát triển rừng. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm trên thế giới có nhiều quốc gia đã áp dụng dịch vụ chi trả rừng như Indonesia hay các nước ở Nam Mỹ và rừng ngập mặn hiện nay ở nước ta cũng đang trong quá trình được xây dựng một cơ chế chi trả.


Vốn là một quốc gia có bề dày truyền thống về nông, lâm nghiệp, là một đất nước tuy đất không rộng, người không đông song rừng ngập mặn ở Việt Nam được đánh giá cao và được cho rằng có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt qua nhiều báo cáo nghiên cứu, rừng ngập mặn có khả năng lưu trữ lượng carbon vượt trội hơn so với các loại rừng thông thường khác gấp 4 đến 10 lần. Đây là những yếu tố góp phần khẳng định tiềm năng và mở ra cơ hội mới cho Việt Nam ta khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon có giá trị cao. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tiến, các khu rừng có độ chỉ số đa dạng cao hay những khu rừng nâng cao được đời sống của người dân đồng thời tạo ra được nhiều lợi ích cho xã hội thì thị trường carbon ở khu rừng đó được đánh giá là thị trường carbon giá trị cao; giá của thị trường các bon giá trị cao dao động từ $67 đến $167/tấn carbon cao hơn nhiều nếu so với carbon rừng thông thường chỉ đạt từ 5 cho đến $11/ tấn carbon. Như vậy, Việt Nam ta hội tụ nhiều lợi thế để xây dựng một thị trường carbon giá trị cao tuy nhiên đòi hỏi ta cần phải có những chiến lược cụ thể trong thời đại mới để tạo ra sự cạnh tranh đặc biệt đối với các quốc gia khác khi tham gia vào thị trường carbon giá trị cao.


Khoa Kinh tế Phát triển