Hội thảo khoa học “Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng”

Ngày 06/10/2023 vừa qua, Hội thảo khoa học với chủ đề “Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng” đã được tổ chức thành công tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp dệt may và chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan, tổ chức lớn trong nước.



Sáng ngày 06/10/2023 vừa qua, hội thảo khoa học với chủ đề “Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng” do trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của hơn140người tham dự đến từ nhiều cơ quan Bộ, Ngành trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong cả nước. 

Diễn giả chính của buổi hội thảo có PGS.TS. Hà Văn Hội - Trưởng nhóm nghiên cứu Xuất khẩu dệt may, trường ĐKT-ĐHQGHN; Ông Vũ Việt Thành - Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công thương; TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương – Bộ Công thương; TS. Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10; Bà Trịnh Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thời trang GenViet. 

Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi UEB Research and Sharing do Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức và do Khoa KT&KDQT chủ trì về chuyên môn. Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế chia sẻ mục đích của Hội thảo là cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận thực trạng xuất khẩu dệt may Việt Nam và đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay. 

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu -  Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế phát biểu khai mạc

Cụ thể, buổi hội thảo có 06 bài tham luận như sau:

PGS. TS. Hà Văn Hội - Trưởng nhóm nghiên cứu xuất khẩu dệt may, Trường ĐHKT – ĐHQGHN giới thiệu về những biến động của thế giới trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các lĩnh vực sản xuất trong đó có lĩnh vực dệt may. Giá năng lượng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, các vấn đề nguồn cung ứng gây khó khăn đến xuất khẩu dệt may. Thêm vào đó, lạm phát buộc người dân giảm mức tiêu dùng. Hàng may mặc không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều người tiêu dùng như trước đây, do đó tác động đến toàn bộ cuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. 

PGS. TS. Hà Văn Hội - Trưởng nhóm nghiên cứu xuất khẩu dệt may, Trường ĐHKT – ĐHQGHN chia sẻ tham luận mở đầu hội thảo

Ông Vũ Việt Thành - Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương trình bày về thực trạng xuất khẩu hàng dệt may sang khu vực Âu - Mỹ. Đối với thị trường Châu Mỹ, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất tuy nhiên thời gian gần đây đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong kim ngạch xuất khẩu. Đối với thị trường Châu Âu, các quốc gia như Pháp, Đức cũng chịu sự sụt giảm mạnh mẽ. Nguyên nhân của sự suy giảm này có thể kể đến như xung đột giữa Nga – Ukranie, sự giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, sức mua sản phẩm không thiết yếu suy giảm cũng như những khó khăn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt trên hai thị trường châu Âu và châu Mỹ. 

Ông Vũ Việt Thành (bên phải) - Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương

Tiếp đó, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương phân tích các chính sách Việt Nam đã thực hiện để thúc đẩy xuất khẩu dệt may như xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn, xanh hoá sản xuất. Các khó khăn trong việc thực hiện chính sách cũng đã được TS. Nguyễn Văn Hội thảo luận như sự chồng chéo trong các chương trình hỗ trợ và khả năng thực thi của doanh nghiệp. TS Nguyễn Văn Hội đã đưa ra một số định hướng hoàn thiện chính sách xuất khẩu dệt may Việt Nam. Cần đa dạng hoá hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu; xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam, nhận thức cho doanh nghiệp về lao động, môi trường,… trong các FTAs; hiểu biết về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại; xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường…để bảo vệ sản xuất trong nước. 

TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương

TS. Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam nhận định rằng ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như cạnh tranh ngày càng gay gắt với các cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới; Môi trường sản xuất kinh doanh biến động (dịch bệnh, xung đột chính trị…) làm tăng giá nguyên, nhiên liệu, tăng lạm phát, giảm tăng trưởng GDP, giảm nhu cầu và thay đổi xu hướng tiêu dùng; Áp lực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam; Yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho dệt, nhuộm, thiết kế, chuyển đổi số… Ông cũng đã có những phân tích sâu sắc về những lợi thế và điểm yếu trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh lớn là Bangladesh.

TS. Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam

Trong bài phát biểu, ông cũng đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững cho ngành dệt may của Việt Nam. Về đầu tư phát triển bền vững, đầu tư các khu công nghiệp thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao; đầu tư sản xuất nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, truyền thống, thân thiện môi trường; Đầu tư phát triển ngành thời trang. Về giải pháp thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu; Nâng cao năng lực marketing, năng lực thiết kế; Phát triển thương hiệu, sản phẩm mới… Về phát triển nguồn nhân lực, hợp tác với nước ngoài đào tạo nhân lực quản lý, kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất nguyên phụ liệu, cho công nghệ mới, chuyển đổi số; xây dựng chiến lược nhân sự; nâng cao năng lực quản lý sản xuất, chuỗi giá trị, năng lực cho cơ sở đào tạo. Về phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu, nguyên liệu mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ nước ngoài; Đầu tư đổi mới công nghệ hiện có; Nâng cao năng lực các cơ sở nghiên cứu, chất lượng các đề tài... Về huy động vốn, huy động vốn xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải tập trung; Triển khai các chương trình về tín dụng xanh cho xanh hóa và chuyển đổi số. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 đã phân tích những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Khó khăn từ bên ngoài đến từ kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao dẫn đến các quốc gia và người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu cho may mặc, tâm lý người tiêu dùng chuộng tiết kiệm và e ngại chi tiêu; Cẳng thẳng địa chính trị làm giá dầu và giá lương thực tăng dẫn đến chi phí sản xuất “leo thang”; Lượng hàng tồn kho lớn khi các nhà bán lẻ không có nhu cầu đặt đơn hàng, nếu có cũng chỉ là những đơn nhỏ thăm dò thị trường; Thị trường trở nên khắt khe hơn về các yêu cầu tiêu chuẩn tái chế, xanh hoá, bền vững, khiến doanh nghiệp không kịp thích ứng, tốn thêm nhiều chi phí đánh giá, vận hành. Khó khăn từ bên trong được Bà Nguyễn THị Phương Thảo phân tích gồm thiếu lợi thế cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ về các ưu đãi thuế nhập khẩu, tiền lương; Nguồn cung phụ thuộc từ Trung quốc khiến doanh nghiệp không áp dược các hiệu định FTA, thời gian chuẩn bị sản xuất kéo dài, khả năng phát triển nguyên phụ liệu hạn chế khiến doanh nghiệp chịu thiệt khi đàm phán về giá; Chính sách kinh tế vĩ mô trong nước khiên doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vay lãi cao, các chính sách hỗ trợ của nhà nước không đến được doanh nghiệp do yêu cầu thủ tục phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10

Trong bài phát biểu cuối cùng, Bà Trịnh Thanh Hải - Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần thời trang GenViet trong bài tham luận đã đề xuất một số biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Một là, ngân hàng cho vay bằng hợp đồng gia công với hình thức tín chấp để có nguồn tiền mua nguyên vật liệu, trả chi phí lương cho người lao động để duy trì nguồn đơn hàng. Thêm vào đó, cần có chính sách giảm lãi suất vay, giãn nợ theo đề xuất để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này. Hai là, Các Doanh nghiệp cần được sự trợ giúp tham gia cộng đồng xanh hóa ngành dệt may với các tiêu chí rõ ràng (có thể Nghiên cứu từ các Doanh nghiệp Bangladesh) kết nối từ Doanh nghiệp sản xuất sợi (tái chế, thân thiện môi trường), doanh nghiệp sản xuất vải để lấy chất liệu truyền thông cho tất cả các công ty sản xuất, làm rõ định nghĩa xanh hóa để các doanh nghiệp sản xuất mạnh dạn truyền thông. Ba là, nguồn tài trợ từ chính phủ để doanh nghiệp nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm vải thân thiện với môi trường, nhằm xanh hóa ngành công nghiệp may mặc, đảm bảo vì môi trường và có thêm lợi thế cạnh tranh quốc tế. 

Bà Trịnh Thanh Hải (bên phải) - Tổng giám đốc Công ty và Bà Nguyễn Thị Dung (bên trái) – Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần thời trang GenViet

Hội thảo cũng tập trung vào các câu hỏi và thảo luận từ phía khán giả. Các chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, Hiệp hội dệt may Việt nam, Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Công Thương, Công ty cổ phần thời trang GenViet, Công ty May 10 … đã đặt ra những câu hỏi về quá trình thực thi chính sách liên quan đến ngành dệt may của Chính phủ, các hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, thông tin truyền thông, và các vấn đề về chiến lược xanh hoá của nhà nước.

Giảng viên trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội tham gia đặt câu hỏi trong phiên thảo luận

Các diễn giả đã cùng trao đổi và giải đáp thắc mắc của người tham dự hội thảo và thể hiện những dự đoán cũng như kỳ vọng về chuyển đổi của Việt Nam trong thời gian tới.

Buổi Hội thảo diễn ra vô cùng thành công với sự đóng góp, thảo luận của các thầy cô, các bạn sinh viên đối với các diễn giả. 

Hội thảo đã tạo cơ hội quý báu để các chuyên gia và nhà nghiên cứu cùng thảo luận về xuất khẩu dệt may của Việt nam. Các ý kiến và kiến thức đã được chia sẻ tại hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chiến lược và định hướng chính sách của Việt Nam về chính sách thích ứng và chuyển đổi của ngành dệt may trong tương lai.

Xem thêm hình ảnh về chương trình.




Các tin khác