Chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra

Chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói riêng đang là xu hướng mà không một quốc gia hay một nền giáo dục nào đứng ngoài xu hướng. Chuyển đổi số giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã mang lại nhiều thay đổi tích cực và cả những thách thức trong hoạt động quản lý giáo dục, học tập và giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Trước bối cảnh đó, sáng ngày 19 tháng 9 năm 2024, nhóm nghiên cứu về chuyển đổi số giáo dục đại học, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra”. Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên.



Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị cho rằng: Chuyển đổi số là tất yếu của tất cả các ngành, các nghề, đặc biệt là giáo dục đại học. Trong những năm qua, chuyển đổi số giáo dục đại học đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải bàn luận và hình thành các định hướng. Do vậy, việc tổ chức hội thảo là vô cùng cần thiết. Hội thảo tập trung vào các nội dung quan trọng, đó là nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, thực trạng chuyển đổi số giáo dục đại học ở Việt Nam và thảo luận các vấn đề xoay quanh chuyển đổi số giáo dục đại học.

Trình bày tham luận “Digital transformation in higher education: Trends, framework and lessons for Vietnam”, TS. Phạm Anh Tuấn, Viện Quản trị và Công nghệ FSB khẳng định: Xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đại học là tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong những năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều ứng dụng phục vụ cho học tập và giảng dạy như Open AI, ChatGPT, Gemini… và đang được sử dụng một cách phổ biến trong cộng đồng sinh viên và giảng viên. Giáo dục đại học trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi như: Vai trò của giảng viên từ chuyên gia trở thành người hỗ trợ cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên trong học tập và nghiên cứu; Sinh viên không chỉ có nhiều cơ hội mà còn cần phải chủ động trong việc tìm kiếm, chiếm lĩnh tri thức… Bài toán đặt ra là cần phải dự báo được sự thay đổi của giáo dục đại học trong những năm tiếp theo, trong ngắn hạn và dài hạn để có những chiến lược phù hợp thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. 

TS. Phạm Anh Tuấn, Viện Quản trị và Công nghệ FSB trình bày tham luận.

Cùng quan điểm về tính tất yếu của chuyển đổi số giáo dục đại học, TS. Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hoá, Ngôn ngữ và Giáo dục trong tham luận “Chuyển đổi số và tương lai của giáo dục đại học” khẳng định: Chuyển đổi số làm thay đổi những quan niệm của con người về không gian, thời gian, thực tại, về tính duy nhất, về tính bền vững. Chuyển đổi số mang lại nhiều tác động tích cực như tăng tốc độ và mức độ kết nối giữa các cá nhân, tổ chức, nhà quản lý, gia tăng sự chia sẻ trong tất cả các lĩnh vực, giúp con người tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn các nguồn lực. Tuy nhiên, chuyển đổi số gây ra những tác động tiêu cực đó là vấn đề rác thông tin, sự kiểm soát về thông tin và biến con người thành “tù nhân số”, gây ra những vấn đề về an ninh quốc gia, các vấn đề về phi xã hội hoá và phi nhân hoá con người, vấn đề về trí tuệ hậu nhân tạo. Đối với giáo dục đại học, chuyển đổi số có tác động hai mặt. Một mặt giúp quá trình chia sẻ thông tin, các nguồn lực vật chất, nguồn lực giảng viên, tự động hoá công tác quản lý và tăng khả năng lựa chọn cho người học. Mặc khác, chuyển đổi số khiến cho những giá trị truyền thống mai một, những giá trị về nhân văn, giá trị xã hội có thể suy giảm trong bối cảnh quá nhiều các tác động tiêu cực của xã hội. Điều đó đặt ra những bài toán cho chính các trường đại học, cho nhà quản lý, cho các giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số để đảm bảo thực hiện được sứ mệnh của giáo dục đại học.

TS. Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hoá, Ngôn ngữ và Giáo dục tham luận tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, TS. Nguyễn Quỳnh Trang, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN chỉ ra những kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong thay đổi cách thức tiếp cận của cả giảng viên và sinh viên đối với quá trình học tập, thay đổi cách thức quản lý của nhà quản lý giáo dục, tuy vậy, các quốc gia trên thế giới kể cả các quốc gia phát triển có mức độ chuyển đổi số cao vẫn còn nhiều lúng túng để giải quyết những mặt trái của chuyển đổi số. Tại Hội thảo, ThS. Trần Phương Chi, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng có những chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các hình thức học trực tuyến của Singapore trong tương quan so sánh với hình thức học trực tuyến ở Việt Nam và chỉ ra rằng: Việt Nam cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa để xây dựng được một nền tảng học trực tuyến trên cơ sở gia tăng tương tác giữa người dạy và người học, sử dụng các công nghệ thực tế ảo trong giảng dạy để gia tăng sự trải nghiệm của người học nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn của hình thức học trực tuyến.

Hội thảo không chỉ thu hút được đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo mà còn thu hút đông đảo sự tham gia của sinh viên ngành Kinh tế, Khoa Kinh tế Chính trị. Các em sinh viên tham gia trao đổi thảo luận và đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả tạo ra không khí trao đổi học thuật sôi nổi.

Dưới đây là một số hình ảnh khác tại Hội thảo:


TS. Phạm Thị Linh, Khoa Kinh tế Chính trị