Trường Đại Học Kinh Tế - ĐHQGHN tổ chức thành công hội thảo khoa học: Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam

Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam” thu hút sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp, và cơ sở đào tạo.



 Hội thảo khoa học “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam” thu hút sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp, và cơ sở đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải thông qua các kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thị trường tín chỉ carbon vẫn còn nhiều thách thức. Trên cơ sở đó, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam” được tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế xây dựng, vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các mô hình sinh thái bền vững. 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN chia sẻ về tầm quan trọng của hoàn thiện cơ chế và chính sách để kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động gây phát thải, thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon và hỗ trợ phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, thị trường chứng chỉ carbon đang ở giai đoạn đầu phát triển. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành vào đầu năm 2022, Việt Nam đã thiết lập lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và sẽ tập trung vào việc xây dựng cơ chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và kết nối với thị trường quốc tế vào năm 2028. Vì vậy, việc phát triển và vận hành thị trường tín chỉ carbon không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải mà còn mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu cũng chia sẻ mục tiêu của hội thảo này không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon hoạt động hiệu quả, mà còn mở ra các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp và thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế. Các giải pháp này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, đồng thời triển khai các mô hình sinh thái sáng tạo và bền vững.

Hội thảo được chia làm 2 phần với 6 tham luận chính:

  • Phần 1: Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon

- Báo cáo 1 “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” - TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà

- Báo cáo 2 “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon” - ThS. Lưu Hạnh Nguyên 

- Báo cáo 3 “Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ chính sách chi trả DVMTR ngập mặn tại Việt Nam” - TS. Nguyễn Đình Tiến 

  • Phần 2: Chính sách phát triển bền vững và các mô hình sinh thái

- Báo cáo 1 "Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ASEAN, và hàm ý cho Việt Nam” - TS. Trần Thị Mai Thành

- Báo cáo 2 “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển đô thị thông minh và hàm ý cho Việt Nam” - TS. Nguyễn Bích Diệp

- Báo cáo 3 “Chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” - ThS. Lê Minh Tuấn

 

TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ về báo cáo “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, cho biết tại Việt Nam, các hoạt động phát triển thị trường carbon còn khá mới mẻ. Tuy nhiên Chính phủ đã có những chính sách và kế hoạch cụ thể nhằm phát triển thị trường này. Diễn giả chia sẻ việc phát triển thị trường carbon sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, đồng thời tăng khả năng thích ứng với các cơ chế định giá carbon quốc tế, mở ra cơ hội liên kết với thị trường carbon toàn cầu và khu vực, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế

 

ThS. Lưu Hạnh Nguyên, giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ về “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon”

Chia sẻ về tình hình thị trường carbon tại Việt Nam, ThS. Lưu Hạnh Nguyên, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế cho biết, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra những thách thức trong việc phát triển thị trường carbon, bao gồm hành vi tẩy xanh (greenwashing) và kế toán carbon không chính xác trong quá trình sử dụng tín chỉ carbon; vấn đề về chất lượng không đồng nhất của các dự án carbon, và thiếu thông tin về thị trường carbon trong quá trình triển khai thị trường. Qua đó, ThS. Lưu Hạnh Nguyên cũng đề xuất một số giải pháp, định hướng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, bao gồm nâng cao nhận thức và hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ; tiêu chuẩn hóa hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định; thúc đẩy hợp tác quốc tế và tham gia cơ chế carbon toàn cầu; tăng cường tính minh bạch và chống lại hiện tượng tẩy xanh của các doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Tiến, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ về “Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ chính sách chi trả DVMTR ngập mặn tại Việt Nam”

Tiếp nối hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tiến, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn tại Việt Nam. Diễn giả cho biết hiện nay, do diện tích rừng ngập mặn đang suy giảm nhanh chóng, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, rút ​​ra những bài học quý giá từ các chính sách thành công được thực hiện ở các quốc gia như Indonesia, Mexico và Australia. 

TS. Trần Thị Mai Thành, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ về bài nghiên cứu "Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ASEAN, và hàm ý cho Việt Nam”

Mở đầu phần chia sẻ thứ 2 về Chính sách phát triển bền vững và các mô hình sinh tháiTS. Trần Thị Mai Thành, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế chia sẻ về bài nghiên cứu "Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ASEAN, và hàm ý cho Việt Nam”. Diễn giả chia sẻ hiện nay Việt Nam có hơn 335 khu công nghiệp (KCN) đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, diễn giả chỉ ra rằng sự phát triển khu công nghiệp đang đặt ra các thách thức về ô nhiễm môi trường (nước thải và chất thải rắn từ KCN) và các tác động tiêu cực đến nông nghiệp, thủy sản và môi trường sống của người dân. Diễn giả cho rằng học hỏi từ Hàn Quốc và ASEAN, việc triển khai các công cụ tài chính bền vững như trái phiếu xanh và Sukuk sẽ giúp huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và giảm phát thải, Việt Nam cần xây dựng các chính sách tài chính xanh, tập trung vào phát hành trái phiếu xanh và hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các dự án KCNST.

TS. Nguyễn Bích Diệp, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ về “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển đô thị thông minh và hàm ý cho Việt Nam”

Tiếp theo, TS. Nguyễn Bích Diệp, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế chia sẻ về “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển đô thị thông minh và hàm ý cho Việt Nam”. Từ việc phân tích các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Mỹ và Singapore, TS. Nguyễn Bích Diệp đã đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc phát triển đô thị thông minh thông qua việc phát triển kinh tế thông minh, công dân thông minh, quản trị thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh,  cuộc sống thông minh. 

ThS. Lê Minh Tuấn, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ về “Chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”

Trong bài chia sẻ về “Chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, ThS. Lê Minh Tuấn, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế đã chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch gắn với ngành dược liệu ở Việt Nam, với lợi thế là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái với hơn 3.200km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam. Dựa vào kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu tại Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, ThS. Lê Minh Tuấn đề xuất một số giải pháp chính sách để thực hiện việc mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu tại Việt Nam như: tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới tập trung vào việc kinh doanh dựa trên giá trị văn hóa địa phương; xây dựng một hệ thống chuẩn hóa các tiêu chuẩn về sản phẩm dược liệu và dịch vụ du lịch.

Tại phần trao đổi thảo luận của hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để có thể xây dựng thành công thị trường carbon, Việt Nam cần phải tập trung giải quyết ngay yêu cầu kiểm kê khí nhà kính với doanh nghiệp. Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyến nghị cần phải có những quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng tẩy xanh tín chỉ carbon. Bởi nếu để thực trạng này phổ biến, việc giảm phát thải của các doanh nghiệp sẽ không thực chất.
 


Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, do đó cần phải điều chỉnh để phù hợp với xu thế toàn cầu. Việc phát triển và vận hành thị trường tín chỉ carbon không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải mà còn mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chính vì vậy, Hội thảo không chỉ tập trung vào việc thảo luận các giải pháp thúc đẩy quá trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon, mà còn mở ra các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp và thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế.

---

Báo chí đưa tin về hội thảo: 

Đài Truyền hình Quốc hội Việt Nam: https://quochoitv.vn/xay-dung-thi-truong-carbon-viet-nam...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam: https://vneconomy.vn/chinh-sach-phat-trien-thi-truong-tin...

Báo Đầu tư: https://baodautu.vn/viet-nam-tap-trung-xay-dung-co-che...

 

 


Khoa Tài chính Ngân hàng