Sứ mệnh - Tầm nhìn

Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (FIBE) chính thức được thành lập từ tháng 3 năm 2007 với tên gọi là Khoa Kinh tế Quốc tế, tiền thân là bộ môn Kinh tế thế giới (năm 1974) của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 2010, Khoa Kinh tế Quốc tế được đổi tên thành khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế để hoạt động đào tạo và nghiên cứu phù hợp tốt hơn với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 



1. Sứ mệnh:
Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc phát triển các chuyên gia và lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hiệu quả của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiến hành nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế. Thúc đẩy môi trường học tập thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo và tài năng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển toàn diện của sinh viên trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế.
2. Tầm nhìn:
Trở thành một khoa dẫn đầu trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế, được các trường đại học và hiệp hội nghề nghiệp quốc tế biết đến, được các tổ chức chuyên đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế uy tín công nhận.
3. Giá trị cốt lõi:
- Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê
- Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác
- Coi trọng chất lượng, hiệu quả
- Đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững
4. Chiến lược phát triển:
(1) Tăng quy mô tuyển sinh gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Khoa đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt mức tăng trưởng về số lượng người học là 16% mỗi năm.
(2) Phát triển và đa dạng hóa các chương trình đào tạo trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế. Tập trung vào việc xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến kết hợp với các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với thế giới hiện nay. Đồng thời, phát triển hơn nữa các khóa học liên ngành nhằm cung cấp một chương trình giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành và thị trường thế giới. 
(3) Chương trình đào tạo Cử nhân Kinh tế Quốc tế được ACBSP chứng nhận vào năm 2025.
(4) Tiếp tục phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực Hội nhập Kinh tế Quốc tế. Thúc đẩy hợp tác liên ngành và cung ứng các nguồn lực và đào tạo cần thiết để nâng cao năng lực nghiên cứu. 
(5) Nâng cao mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu bằng cách gia tăng số lượng ấn phẩm quốc tế 30% hàng năm và tăng số lượng sản phẩm khoa học được chuyển giao trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế. 
(6) Tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết với các trường đại học, doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi học thuật. 
(7) Tăng tỷ lệ giảng viên cơ hữu thêm 12% mỗi năm.
(8) Tích hợp công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN