Thách thức và cơ hội trong phát triển kinh tế bạc – Góc nhìn từ chuyên gia nước ngoài

Trong bối cảnh dân số toàn cầu đang già hóa nhanh chóng, việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ hướng tới đối tượng người cao tuổi (kinh tế bạc) đang trở thành một xu hướng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Sự chuyển đổi về cơ cấu dân số theo hướng già hóa đang mang đến cả thách thức và cơ hội cho nền kinh tế. Trong bài viết này, hai chuyên gia đến từ Đại học Nam Đan Mạch, PGS.TS. Martin Senderovitz và PGS.TS. Simon Jebsen, sẽ chia sẻ góc nhìn về cách tận dụng cơ hội và đối mặt với thách thức trong việc phát triển nền kinh tế bạc.



Theo nhận định của hai chuyên gia, già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với xã hội và nền kinh tế. Một trong những vấn đề chính là sự gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế khi tuổi thọ trung bình tăng lên. Người cao tuổi thường đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và suy giảm sức khỏe, dẫn đến chi phí y tế tăng cao. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế phải mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước và các quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc duy trì hệ thống lương hưu trong bối cảnh dân số già hóa cũng là một thách thức lớn. Khi số lượng người nghỉ hưu tăng lên và thời gian hưởng lương hưu kéo dài, quỹ hưu trí đối mặt với nguy cơ mất cân đối thu - chi. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp cải cách chính sách hưu trí, như tăng tuổi nghỉ hưu hoặc điều chỉnh mức đóng góp, để đảm bảo tính bền vững của quỹ. Ngoài ra, già hóa dân số còn ảnh hưởng đến thị trường lao động. Sự suy giảm tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có thể dẫn đến thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến năng suất và tăng trưởng kinh tế.

PGS.TS. Martin Senderovitz (Trường Đại học Nam Đan Mạch) trả lời phỏng vấn

Tuy già hóa dân số là một thực tế đáng lo ngại, xu hướng này cũng đem đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nếu được tận dụng hiệu quả. Từ góc độ kinh doanh, nhóm người cao tuổi tạo ra một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng. Họ thường có thu nhập ổn định và sẵn lòng chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch, ẩm thực, giải trí và mua sắm. Các doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và sở thích của nhóm khách hàng này, từ đó mở rộng thị phần và tăng doanh thu.​ 

Theo PGS.TS. Martin Senderovitz, già hóa dân số mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường trong các lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, thực phẩm chức năng và bảo hiểm lương hưu.​ Khi tỷ lệ người cao tuổi gia tăng nhanh chóng, nhu cầu đối với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao đáng kể. Điều này thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế, bao gồm xây dựng và nâng cấp bệnh viện, phòng khám chuyên khoa dành cho người cao tuổi, cũng như đầu tư vào các giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà thông qua công nghệ thông minh và dịch vụ hỗ trợ từ xa. Bên cạnh đó, ngành dược phẩm cũng có nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm thuốc men và các loại thực phẩm chức năng dành riêng cho nhóm đối tượng lớn tuổi nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe bền vững. Đồng thời, xu hướng già hóa cũng tạo điều kiện cho sự bùng nổ của thị trường thực phẩm chức năng, các sản phẩm bổ dưỡng, chăm sóc sức khỏe chủ động, giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao tuổi thọ. Đặc biệt, thị trường bảo hiểm lương hưu cũng sẽ phát triển mạnh mẽ khi người dân có ý thức ngày càng rõ rệt về sự cần thiết phải chuẩn bị tài chính cho tuổi già, góp phần thúc đẩy các công ty bảo hiểm mở rộng các sản phẩm bảo hiểm hưu trí linh hoạt, đa dạng hơn.

PGS.TS. Simon Jebsen (Trường Đại học Nam Đan Mạch) trả lời phỏng vấn

Theo PGS.TS Simon Jebsen, già hóa dân số cũng mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành giáo dục và du lịch. Đối với ngành giáo dục, sự gia tăng nhanh chóng của người cao tuổi đã thúc đẩy nhu cầu học tập suốt đời, học tập để nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội. Điều này tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo, các trường đại học và trung tâm giáo dục cộng đồng phát triển mạnh các chương trình đào tạo ngắn hạn, các khóa học kỹ năng, văn hóa – nghệ thuật dành riêng cho người cao tuổi. Những chương trình này không chỉ giúp người cao tuổi nâng cao nhận thức mà còn tạo điều kiện để họ duy trì sự kết nối với cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng xã hội do già hóa dân số. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng được hưởng lợi lớn từ sự thay đổi nhân khẩu học này. Người cao tuổi ngày nay có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc tận hưởng cuộc sống, dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa và thiên nhiên. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch thiết kế và cung cấp những tour du lịch đặc thù, phù hợp với thể trạng và nhu cầu đặc biệt của nhóm khách hàng lớn tuổi như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sức khỏe, du lịch tâm linh hay các tour trải nghiệm văn hóa.

Trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, việc phát triển nền kinh tế bạc dành riêng cho người cao tuổi đang trở thành một nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi những chính sách chiến lược mang tính đột phá và đồng bộ. Theo ý kiến các chuyên gia, các quốc gia cần xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn dành cho những doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đặc thù phục vụ người cao tuổi. Chính sách này có thể bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu hoặc thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng và các mặt hàng hỗ trợ đời sống người cao tuổi. Điều này không chỉ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân, mà còn khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng gia tăng của nhóm dân số đặc biệt này. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người cao tuổi, các quốc gia cần khuyến khích và phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Mô hình hợp tác này có thể tập trung vào các lĩnh vực then chốt như y tế, công nghệ chăm sóc sức khỏe tại nhà, thiết bị hỗ trợ di chuyển hoặc nhà ở thông minh.  Ngoài ra, nhà nước cũng cần chủ động xây dựng các quỹ đầu tư chuyên biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào thị trường người cao tuổi. Các quỹ đầu tư này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn ban đầu, tư vấn chiến lược, và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới dành riêng cho nhóm đối tượng người cao tuổi. Thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính này, các doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các giải pháp đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, từ đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển một thị trường đầy tiềm năng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng người cao tuổi, đồng thời khai thác hiệu quả lợi thế từ quá trình già hóa dân số.

Theo ghi nhận, cuộc phỏng vấn với các chuyên gia nước ngoài được tiến hành trong khuôn khổ đề tài tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với chủ đề "Phát triển nền kinh tế bạc: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam" (mã số KT.24.06), với sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu gồm PGS.TS. Nguyễn Thu Hà, TS. Hoàng Trọng Trường và TS. Hoàng Đàm Lương Thúy từ Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế. Nghiên cứu đã cung cấp những góc nhìn đa chiều và sâu sắc về tiềm năng phát triển kinh tế bạc và là cơ sở quan trọng để xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược phát triển nền kinh tế bạc tại Việt Nam trong tương lai gần.

 


Tiến sĩ Hoàng Trọng Trường, Viện Quản trị Kinh doanh Tọa đàm


Các tin khác