Giảng dạy tại Ba Lan, 2 giảng viên ĐHKT góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác với ĐH Kinh tế Krakow

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan (CUE), từ ngày 8/4/2019 đến 15/4/2019, đoàn công tác của Trường ĐH Kinh tế gồm TS. Hoàng Khắc Lịch và TS. Nguyễn Thị Phương Dung đã đến làm việc tại Trường CUE.


Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan (CUE), từ ngày 8/4/2019 đến 15/4/2019, đoàn công tác của Trường ĐH Kinh tế gồm TS. Hoàng Khắc Lịch và TS. Nguyễn Thị Phương Dung đã đến làm việc tại Trường CUE.

Hai giảng viên đã nhận được học bổng tài trợ bởi Chương trình Eramus EU funds cho chuyến công tác. Đây là một chương trình hỗ trợ trao đổi giảng viên và các nhà nghiên cứu giữa các trường đại học trên thế giới.

Nội dung làm việc của Đoàn công tác bao gồm giảng dạy cho sinh viên đại học CUE, làm việc với các Khoa chuyên ngành, tham dự các sự kiện của Tuần lễ quốc tế - CUE. Sự kiện Tuần lễ quốc tế này được tổ chức mỗi năm một lần tại CUE, và thu hút rất nhiều trường đại học khác trên thế giới tham dự. Tuần lễ năm nay, CUE đón 23 giảng viên và nhà nghiên cứu đến từ Albania, Bulgaria, Croatia, Hồng Kông, Vietnam, South Korea, Russia, Kazakhstan, Uzbekistan, Serbia, Ukraine và Peru.

TS. Hoàng Khắc Lịch đã tham gia giảng tại lớp cao học và lớp cử nhân hệ CLC cho sinh viên CUE. Nội dung bài giảng về chính sách tài khóa và tác động tới nền kinh tế, lấy ví dụ của hai nước Việt Nam và Ba Lan, cung cấp cho sinh viên các minh chứng trực quan và dễ hiểu, thu hút sự chú ý của học viên và sinh viên tham dự. Trong các bài giảng, đã có nhiều câu hỏi đặt ra, thể hiện sự quan tâm tới phát triển kinh tế của Việt Nam và Ba Lan và tình hình kinh tế thế giới trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Đồng thời, Tiến sĩ đã tham gia các seminar chuyên đề với cán bộ giảng viên của Trường. Nội dung của seminar bàn về tình hình chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới, trong đó tập trung vào sự khác biệt của giai đoạn trước và sau năm 2008 - năm đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho chính phủ các quốc gia phải nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc chi tiêu công. Kết thúc seminar, các giảng viên đã chia sẻ những quan tâm trong định hướng nghiên cứu sắp tới và có dự định phối hợp thực hiện 1 đề tài nghiên cứu chung về quản lý công.

Giờ giảng của TS. Hoàng Khắc Lịch tại ĐH Kinh tế Krakow

TS. Nguyễn Thị Phương Dung tham gia giảng dạy cho các lớp cử nhân hệ CLC của sinh viên ngành Kế toán. Bài giảng tập trung vào phân tích báo cáo tài chính trong môn học Kế toán. TS Phương Dung đã làm rõ các vấn đề về tài chính doanh nghiệp, các chỉ tiêu tài chính quan trọng, lấy ví dụ về các chỉ tiêu tài chính mà các doanh nghiệp Việt Nam hay sử dụng và tính toán, so sánh với một số công ty trên thế giới và công ty của Ba Lan. Các kỹ thuật giảng dạy theo nhóm và lấy người học làm trung tâm mà TS áp dụng được sinh viên CUE hào hứng tham gia. Đồng thời, TS cũng thăm văn phòng làm việc của Bộ môn Kế toán - Khoa Quản trị Kinh doanh và tham dự buổi làm việc với Khoa Kế toán của CUE bàn về các hướng có thể kết hợp nghiên cứu với Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐHKT - ĐHQGHN trong tương lai như Kế toán xanh, Kế toán phát triển bền vững...

TS. Nguyễn Thị Phương Dung trong giờ giảng tại ĐH Kinh tế Krakow

Trong chương trình làm việc của mình, hai giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự các hoạt động của Tuần lễ quốc tế của Trường CUE. TS. Hoàng Khắc Lịch và TS. Nguyễn Thị Phương Dung đã có phần thuyết trình giới thiệu về Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hai giảng viên đã tham dự các workshops về phát triển kinh tế và văn hóa quốc tế trong môi trường kinh doanh. Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ quốc tế này, hai giảng viên ĐHKT đã có cơ hội giao lưu với rất nhiều đại diện các trường khác tham dự chương trình như: Trường Quốc tế Solbridge (Hàn Quốc), Bộ Giáo dục Cộng hòa Uzberkistan, Đại học Quốc gia về Thương mại và Kinh tế Kiev (Ukraine), Đại học San Ignacio de Loyola (Peru), Đại học Kinh tế Liên bang Saint-Petersburg, Đại học Lingnan (Hồng Kông)...

Đoàn công tác đã kết thúc chuyến đi với kết quả tốt đẹp, đã giúp làm sâu đậm thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Kinh tế Krakow, đồng thời đã giúp kết nối thành công với nhiều trường đại học khối kinh tế khác trên thế giới.