Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đồng tổ chức thành công Toạ đàm Kinh tế thế giới vượt qua bất ổn và hướng tới phát triển bền vững 2024

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB) phối hợp cùng Công ty VINEXAD tổ chức chuỗi tọa đàm với chủ đề: “Kinh tế thế giới vượt qua bất ổn và hướng tới phát triển bền vững”. Tại Tọa đàm các chuyên gia kinh tế, học giả, và doanh nhân đã chia sẻ quan điểm và tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.



Tọa đàm có sự tham gia của các đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, đại diện các trường đại học, các doanh nghiệp. Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của TS. Hoàng Khắc Lịch - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó trưởng khoa phụ trách, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cùng các giảng viên và sinh viên UEB.

Tọa đàm có sự tham gia của các đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu cũng như đại diện các doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc tọa đàm "Kinh tế thế giới vượt qua bất ổn và hướng tới phát triển bền vững", TS. Hoàng Khắc Lịch – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, việc hướng tới phát triển bền vững càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Tọa đàm hôm nay được coi là một diễn đàn mở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, thảo luận những hiểu biết cũng như những quan điểm về bức tranh kinh tế hiện nay và đề xuất giải pháp thích hợp.

Tôi tin tưởng rằng Toạ đàm sẽ là cơ hội để mở ra nhiều cuộc đối thoại đa chiều và hành động ý nghĩa trong tương lai gần. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan từ giới học thuật, Chính phủ, các ngành nghề kinh doanh và xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất để vượt qua thách thức và thúc đẩy một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.”

TS. Hoàng Khắc Lịch, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc

Tọa đàm đã diễn ra thành công với 4 phiên thảo luận, 6 bài tham luận xoay quanh các chủ đề nổi bật về kinh tế, logistics, hợp tác quốc tế, du lịch sinh thái và phát triển khu công nghiệp sinh thái. Các chuyên gia đã mang đến những góc nhìn sâu sắc và giải pháp thực tiễn, giúp mở ra nhiều cơ hội mới trong việc tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khuôn khổ BRICS, và xây dựng chính sách tài chính ưu đãi cho phát triển bền vững tại Việt Nam. Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị rất nhiều nội dung sát với thực tiễn trong đó đề xuất giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển bền vững. 

PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày bài tham luận đầu tiên

PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã trình bày tham luận "Kinh tế thế giới 2024: Vượt qua bất ổn?" với cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu năm 2024. Bài tham luận phân tích năm 2024, thế giới đối mặt với rủi ro địa chính trị cao do căng thẳng quân sự và cạnh tranh quyền lực, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn duy trì tăng trưởng 3,2% nhờ lạm phát giảm và sức mua cải thiện, với Mỹ và Ấn Độ dẫn đầu. Thương mại hàng hóa và dịch vụ cải thiện nhưng vẫn chịu áp lực từ chiến tranh và xung đột. Đầu tư quốc tế tăng, đặc biệt vào công nghệ cao, trong khi Mỹ và EU kiểm soát đầu tư chiến lược chặt chẽ hơn. Việt Nam có cơ hội từ thương mại và đầu tư dịch chuyển, nhưng cần cải cách cơ cấu, nâng cao kỹ năng lao động và đa dạng hóa thị trường để giảm rủi ro từ biến động toàn cầu.

Bà Phạm Thị Bích Huyền, Giám đốc Bách Việt Group, Văn phòng Hà Nội trình bày bài tham luận

Trong tham luận thứ hai “Xu hướng chi phí giá và kết nối giải pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tối ưu hoá chi phí logistics,” bà Phạm Thị Bích Huyền, Giám đốc Bách Việt Group, Văn phòng Hà Nội cho biết Việt Nam hiện xếp hạng 43 về chỉ số hiệu quả logistics toàn cầu và đứng trong top 5 khu vực Đông Nam Á. Ngành logistics chịu tác động lớn từ yếu tố pháp lý, cơ sở hạ tầng và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Dự báo giá cước vận tải biển và hàng không sẽ tăng trong quý IV/2024, nhất là dịp lễ cuối năm với nhu cầu cao về thực phẩm, mỹ phẩm và quần áo. Các doanh nghiệp được khuyến nghị tối ưu chi phí bằng cách chọn điều kiện giao hàng và phương án vận chuyển phù hợp, đồng thời học hỏi từ kinh nghiệm của ngành hàng tiêu dùng, nhựa-cao su và thiết bị y tế nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả.

TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày bài tham luận

TS. Nguyễn Tiến Dũng từ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với tham luận “Hợp tác trong khuôn khổ BRICS: Các lợi ích, thách thức và hàm ý chính sách cho Việt Nam,” đã phân tích sau hơn hai thập kỷ phát triển, BRICS đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tài chính và thiết lập nhiều cơ chế quan trọng như Ngân hàng phát triển mới (NDB), Quỹ dự trữ ngoại tệ chung (CRA), và Hệ thống thanh toán BRICS PAY. Những cơ chế này mở ra cơ hội cho Việt Nam với tiềm năng tài trợ hạ tầng và dự án phát triển từ NDB, góp phần giảm rủi ro ngoại tệ nhờ việc cho vay bằng đồng tiền quốc gia. Ngoài ra, sử dụng đồng tiền quốc gia giúp giảm chi phí giao dịch quốc tế, mặc dù vẫn cần khắc phục thách thức về sự không phổ biến và chi phí giao dịch cao của các ngoại tệ không phải đô-la. CRA có thể là một cơ chế bổ sung quan trọng bên cạnh các cơ chế hợp tác khác như Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (Chiang Mai Initiative Multilateralization - CMIM), tuy nhiên để CRA hoạt động hiệu quả cần xây dựng các thể chế và cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô và các quy trình giải ngân hiệu quả.

Phiên thảo luận bàn tròn được PGS. TS. Vũ Thanh Hương - Chủ tọa điều hành (thứ 3 từ trái sang)

Sự kiện tiếp diễn với phiên thảo luận bàn tròn cùng các chuyên gia: ông Đỗ Hoàng Anh, Quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán thương mại tại Đại sứ quán Việt Nam ở Vương Quốc Anh và Bỉ; PGS.TS. Phạm Thái Quốc, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Các vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới; ông Bùi Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; và bà Phạm Thị Bích Huyền, Giám đốc Bách Việt Group, Văn phòng Hà Nội. 

Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán thương mại ĐSQ Việt Nam tại Vương Quốc Anh, Nguyên tham tán công sứ ĐSQ Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ và Phái đoàn Việt Nam tại EU tham gia thảo luận
Ông Đỗ Hoàng Anh, Quyền Vụ trưởng, Vụ Chính sách an toàn ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tham gia thảo luận
Bà Phạm Thị Bích Huyền, Giám đốc Bách Việt Group, Văn phòng Hà Nội tham gia thảo luận
PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Các vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tham gia phiên thảo luận
Ông Bùi Ngọc Sơn, Nguyên Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia thảo luận

Các chuyên gia kết luận năm 2024 tiếp tục là một năm đầy biến động với các xung đột địa chính trị như Nga-Ukraine, Israel-Hamas và sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Mặc dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định nhờ kiểm soát lạm phát và sự phục hồi tại các khu vực như Mỹ, Canada và một số thị trường mới nổi, nhưng các rủi ro từ xung đột thương mại và phân mảnh chuỗi cung ứng vẫn là thách thức lớn. Dự báo kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7%, cùng với những cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư vào năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể tận dụng để phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần đối mặt với các thách thức về căng thẳng địa chính trị, bảo hộ thương mại và bất ổn tài chính, đòi hỏi chính phủ và doanh nghiệp có các chiến lược thích ứng hiệu quả.

Tiếp nối Tọa đàm, PGS.TS.NGƯT Trần Văn Ơn Giảng viên cao cấp trường Đại học Dược Hà Nội - Cố vấn quốc gia chương trình OCOP  trình bày bài tham luận về “Kinh nghiệm trong phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu”. PGS.TS.NGƯT Trần Văn Ơn phân tích du lịch sinh thái kết hợp dược liệu đang trở thành xu hướng tại Việt Nam, giúp du khách trải nghiệm văn hóa và y học bản địa. Tuy đã có một số mô hình nhỏ như MEDI Thiên Sơn ở Ba Vì và vườn Nông – Dược Hà Nhì ở Lào Cai, ngành này vẫn chưa phát triển đồng bộ. Để thúc đẩy du lịch dược liệu, cần chiến lược xây dựng chuỗi dịch vụ, quảng bá và chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan và Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh du lịch dược liệu cũng cần hướng tới bảo tồn văn hóa, tăng thu nhập cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.

PGS.TS.NGƯT Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Dược Hà Nội - Cố vấn quốc gia chương trình OCOP và TS. Trần Thị Mai Thành, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN 
trình bày bài tham luận

TS. Trần Thị Mai Thành, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày bài tham luận về “Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái: bài học kinh nghiệm quốc tế”. TS. Trần Thị Mai Thành trình bày vai trò của chính sách ưu đãi tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái (KCNST) và rút ra bài học từ Hàn Quốc và ASEAN cho Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã thử nghiệm KCNST từ năm 2015 và có kết quả tích cực, nhưng vẫn gặp khó khăn về vốn. Hàn Quốc và các nước ASEAN như Singapore, Thái Lan đã thành công với các chính sách tài chính xanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Việt Nam cần phát triển chính sách tài chính xanh và tăng cường hợp tác công - tư để thúc đẩy KCNST và hướng tới phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đức Long, Học viện Tài chính trình bày tham luận

Tham luận “Khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại khu công nghiệp Thăng Long - II" được trình bày bởi ông Nguyễn Đức Long, Học viện Tài chính. Bài trình bày phân tích khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại KCN Thăng Long II, Hưng Yên, nhằm tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Dù đã thu hút các doanh nghiệp FDI lớn và thực hiện một số biện pháp bảo vệ môi trường, khu công nghiệp vẫn đối mặt với thách thức trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp do thiếu hỗ trợ và chính sách tài chính. Các khuyến nghị bao gồm phát triển chính sách tài chính xanh, hợp tác công - tư và khung quản lý đặc thù cho KCNST.

Tọa đàm “Kinh tế thế giới vượt qua bất ổn và hướng tới phát triển bền vững” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đồng tổ chức cùng VINEXAD đã mang lại những góc nhìn sâu sắc và giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam. Các bài trình bày và phiên thảo luận bàn tròn không chỉ cung cấp thông tin về diễn biến kinh tế thế giới mà còn gợi mở hướng đi giúp doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thích ứng với sự thay đổi, phát triển bền vững, đồng thời đưa ra các hàm ý chính sách về xuất nhập khẩu, logistics, khu công nghiệp và du lịch sinh thái. Sự kiện đã tạo ra diễn đàn kết nối hiệu quả giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai.

Một số hình ảnh tại Toạ đàm:

 


Ngọc Anh - UEB Media