Con người là nền tảng trên hành trình phát triển của Trường Đại học Kinh tế

Với giáo dục đại học nói chung và với Trường Đại học Kinh tế nói riêng thì yếu tố con người là nền tảng xuyên suốt của sự phát triển. Đây là tài sản vô cùng quý báu mà Nhà trường đã kế thừa, gìn giữ và tiếp nối cho đến tận ngày nay. Chúng ta còn kế thừa một môi trường đầy tính học thuật dựa trên nền tảng phát triển chung của Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng quốc tế hóa và thực hiện sứ mệnh quốc gia. Đây là những yếu tố cộng hưởng, để từ đó hình thành nên chân dung của Trường Đại học Kinh tế.



 PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế

Hành trình 50 năm – Con người là nền tảng của phát triển

Thưa thầy, 50 năm – hành trình nửa thế kỷ kể từ thời điểm khai sinh ra Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giờ đây là Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tập thể cán bộ và giảng viên của Nhà trường đã kế thừa những nét truyền thống nào để có thể xây dựng nên một cơ sở giáo dục đào tạo vững vàng, phát triển như ngày hôm nay?

Tôi cho rằng truyền thống quý báu nhất mà Trường Đại học Kinh tế được kế thừa chính là yếu tố con người, nền tảng xuyên suốt của sự phát triển. Đây là tài sản, giá trị vô cùng quý báu mà Nhà trường gìn giữ và tiếp nối cho đến tận ngày nay. Nhiều thế hệ giảng viên đi trước luôn tâm huyết và trăn trở với học trò, với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, với chất lượng giảng dạy và nghiên cứu về kinh tế. Mỗi lần có dịp trao đổi với các thầy cô cựu giáo chức, tôi vẫn bắt gặp những tâm huyết và trăn trở ấy. Thế hệ giảng viên đi trước đã tạo ra nền tảng rất tốt về con người, đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên cốt cán là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà chính trị, nhà kinh tế, doanh nhân… 

Chúng tôi còn được kế thừa một môi trường đầy tính học thuật dựa trên nền tảng phát triển chung của Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng quốc tế hoá và thực hiện sứ mệnh quốc gia. Để hội nhập với các đại học trên thế giới, chúng tôi thúc đẩy công bố quốc tế gắn với chất lượng giảng viên. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường có sự cân đối hài hòa giữa giảng dạy và nghiên cứu. Với chúng tôi, sáng tạo và đóng góp tri thức thông qua nghiên cứu đã trở thành nét văn hóa mà chúng tôi vẫn gọi vui là “văn hóa công bố”. Đây là điểm đặc sắc của Trường Đại học Kinh tế trong cộng đồng các trường đại học thuộc lĩnh vực kinh tế – kinh doanh.

Chặng đường dài không khỏi có những thách thức và khó khăn. Theo thầy, đó là những thách thức nào và cách mà Nhà trường cùng tập thể cán bộ, giảng viên cùng nhau vượt qua là gì?

Thách thức lớn nhất chính là phải vượt lên chính mình, là phải thay đổi để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Đến nay, Trường Đại học Kinh tế đã phát triển với một số thành quả nhất định về kiểm định và xếp hạng giáo dục quốc tế. Tuy vậy, để duy trì thành quả và tiếp tục phát triển hơn nữa, chúng tôi cần phải liên tục thay đổi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ giữa các trường trong nước và nước ngoài.

Để làm được điều này, chắc chắn sẽ không dễ dàng. Mỗi cá nhân phải thay đổi về tư duy đồng thuận, chủ động nâng cao hiệu quả làm việc và tích cực làm chủ công nghệ. Đơn cử, để đưa công nghệ vào làm việc, giảng dạy..., mỗi cán bộ, giảng viên đều cần thay đổi về tư duy, cách làm. Đại dịch COVID-19 là dấu mốc đáng nhớ khi chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức về quản lý, hoạt động trên nền tảng số. Tôi luôn chia sẻ với các thầy cô rằng, đại dịch mà chúng ta vượt qua được thì chắc chắn bây giờ chúng ta sẽ làm được. Chúng tôi thực hiện thay đổi về tư tưởng, tư duy từ lãnh đạo cấp cao, rồi lãnh đạo cấp trung và từ đó dần đạt được sự đồng thuận từ giảng viên, cán bộ nhân viên Nhà trường.

Cùng với đó, Nhà trường áp dụng nguyên tắc không cào bằng mà ghi nhận xứng đáng cho cán bộ, giảng viên thực hiện tốt công việc. Mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là xây dựng văn hóa làm việc để các thầy cô luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc đối với công việc đang làm bằng cách tạo động lực cả vật chất và tinh thần.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, đâu là những dấu ấn nào đáng tự hào và nổi bật mà thầy và tập thể Nhà trường đã đạt được?

Với việc phát huy truyền thống và nỗ lực thay đổi không ngừng, Trường Đại học Kinh tế đã đạt nhiều dấu ấn đáng tự hào. Thứ nhất, Nhà trường có nhiều thành tựu được Đảng, Nhà nước ghi nhận thông qua các Huân chương lao động, Cờ thi đua Chính phủ, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động và đóng góp nổi bật của Nhà trường. Thứ hai, Nhà trường vinh dự là đơn vị đóng góp chủ lực vào nhiều lĩnh vực mà Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng trong các bảng xếp hạng thế giới. Thứ ba, Nhà trường vừa phát triển quy mô vừa nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng mục tiêu quốc tế hóa giáo dục.

Nỗ lực để tạo nên khác biệt

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển không ngừng, công nghệ cũng theo đó mà có những bước tiến vượt trội, thầy và tập thể lãnh đạo đã có những chiến lược đổi mới nào trong giảng dạy để bắt kịp xu thế?

Nhà trường đã xúc tiến kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn ACBSP của Hoa Kỳ. Đây là chiến lược lớn, góp phần thay đổi triết lý giáo dục và chương trình đào tạo, giúp Nhà trường hội nhập với chuẩn giáo dục thế giới. Qua đó, giảng viên và sinh viên được có cơ hội trao đổi, học tập và nghiên cứu với rất nhiều đại học danh tiếng trên thế giới. 

Chúng tôi sớm đưa những môn học ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, từ ngân hàng đến tài chính, quản trị kinh doanh, phân tích kinh tế… để giảng viên và sinh viên bắt kịp xu thế, tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp và đạt được thành công. 

Thêm nữa, Nhà trường áp dụng giáo dục thực chiến trong giảng dạy, bằng cách mời các lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp tham gia thuyết trình đối với tất cả các học phần chuyên ngành. Điều này giúp nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Theo thầy, đâu là những điểm khác biệt để Trường Đại học Kinh tế tạo ra thế mạnh riêng trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao hiện nay?

Người thầy xuất sắc sẽ đào tạo ra sinh viên xuất sắc. Chúng tôi tự hào khi có chất lượng giảng viên cao với trên 70% trình độ tiến sĩ, hầu hết đã từng tu nghiệp ở nước ngoài và có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Tỷ lệ công bố quốc tế trên giảng viên của Nhà trường thuộc nhóm các trường cao nhất của lĩnh vực kinh tế và kinh doanh hiện nay ở Việt Nam. Đó chính là những nét nổi bật về nguồn nhân lực.

Nhà trường còn huy động được mạng lưới rộng khắp và chất lượng là các doanh nhân, cựu sinh viên và đối tác cùng tham gia các hoạt động đào tạo, đảm bảo học đi đôi với hành. Đặc biệt, nhiều cựu sinh viên của Nhà trường tích cực tham gia hoạt động định hướng, mở rộng tầm nhìn và chia sẻ kinh nghiệm thực chiến trong kinh doanh cho các em sinh viên.

Nhà trường đã có những chính sách gì để thu hút đội ngũ nhân tài, tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy điểm mạnh và nội lực của mình, từ đó truyền đến cho sinh viên nguồn cảm hứng cũng như hiệu quả tối đa trong công tác đào tạo?

Nền tảng thuận lợi và quan trọng nhất mà Nhà trường đang có chính là môi trường tự do học thuật, môi trường nghiên cứu. Giống như cây non được ươm mầm ở vùng đất trù phú thì ắt sẽ phát triển và vươn cao. Thu nhập là yếu tố quan trọng, nhưng tôi tin không phải là tất cả, nhiều giảng viên đã chuyển từ nơi có thu nhập cao hơn để gia nhập Trường Đại học Kinh tế. Nhà trường hiểu và luôn nỗ lực xây dựng, triển khai nhiều chính sách để khuyến khích tăng thu nhập như thưởng bài báo quốc tế, cấp đề tài nghiên cứu, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế. Kiến tạo môi trường quốc tế hóa sẽ giúp giảng viên có cơ hội nâng cao giá trị bản thân, tham gia dự án quốc tế – một cánh cửa để kết nối với các đại học trên thế giới. Đây là giá trị lớn mà tôi tin tưởng là nhiều giảng viên cần để phát triển sự nghiệp của mình.

Văn hóa của Trường Đại học Kinh tế là tiến lên phía trước, nỗ lực không ngừng. Theo thầy, lý do gì khiến tập thể luôn duy trì và phát huy được điều này?

Có một yếu tố then chốt trong văn hóa của Trường Đại học Kinh tế mà theo tôi, đó chính là đam mê sáng tạo và cống hiến. Đam mê giúp cán bộ, giảng viên của Nhà trường quên đi sự toan tính, thay vào đó họ tìm thấy những giá trị của bản thân và tận tâm cống hiến. Nếu để kiếm tiền, có lẽ thầy cô sẽ không chọn làm giảng viên. Nếu không cống hiến, thầy cô dễ chán nản, muốn bỏ cuộc… Phải có đam mê và tinh thần cống hiến thì chúng tôi mới vượt qua được và đồng hành bền bỉ cùng nhau.

Hướng tới tương lai

Thầy có thể chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược mà Trường Đại học Kinh tế hướng đến trong tương lai, sau dấu mốc đáng nhớ 50 năm này?

Thứ nhất, Nhà trường tiếp tục triển khai nâng tầm chiến lược về quốc tế hóa, hội nhập và cạnh tranh quốc tế chứ không chỉ trong nước. Thứ hai, Nhà trường tiếp tục mở rộng quy mô, gắn với nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội. Thứ ba, Nhà trường sẽ trở thành một trung tâm tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố “khoa học vị nhân sinh” – nghiên cứu gắn với sự phát triển của đất nước, với các chiến lược chính sách và mang lại giá trị cho cộng đồng, đất nước. Chúng tôi chủ động giao cho giảng viên các đề tài nghiên cứu về tư vấn chính sách, tập trung vào các vấn đề nóng của đất nước và tiếp tục phát triển các kênh tư vấn chiến lược đang vận hành. 

Nếu mô tả về chân dung của những sinh viên Trường Đại học Kinh tế, theo thầy đó là những đặc điểm gì?

Trước hết, đó là tài năng. Các em sinh viên có thành tích học tập vô cùng xuất sắc. Nhiều em khởi nghiệp thành chủ doanh nghiệp từ lúc đi học, đọat các giải thưởng quốc gia và quốc tế, có tài năng xuất chúng về thể thao – nghệ thuật… Tài năng nối tiếp tài năng ở các khóa. Thứ hai, các em rất năng động, tích cực. Câu lạc bộ không khác gì một mô hình vườn ươm doanh nghiệp. Thầy cô luôn mang đến cho các em lòng tự hào về trường, tình yêu với trường. Cùng với nội lực của các em, tôi tin thế hệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế hôm nay sẽ phát huy được những giá trị truyền thống từ thế hệ sinh viên đi trước, đồng thời thể hiện bản lĩnh của sinh viên thế hệ mới – những công dân toàn cầu sẽ đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Xem chi tiết nội dung cuốn Kỷ yếu 50 năm của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại đây


PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế; Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 50 năm truyền thống Trường Đại học Kinh tế