Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Chất lượng quản trị công cấp tỉnh và phúc lợi hộ gia đình ở Việt Nam: Phân tích kinh tế lượng vi mô với dữ liệu mảng



Thông tin chung đề tài:

  • Mã đề tài: 502.99-2015.10
  • Thời gian thực hiện: 4/2017-3/2019
  • Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Quang Tuyến
  • Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đơn vị chủ quản: Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Thành viên chính tham gia: TS. Vũ Văn Hưởng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, TS. Trần Đức Hiệp

Tương tự như nhiều nghiên cứu trong nước, nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến và cộng sự cho thấy tăng trưởng và bất bình đẳng đều có tác động tới giảm nghèo ở Việt Nam. Trên cơ sở sử dụng nhiều bộ dữ liệu khác nhau, có tính đại diện quốc gia và vùng miền của các tổ chức uy tín như Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế, kết hợp sử dụng các mô hình kinh tế lượng vi mô với dữ liệu chéo, gộp và mảng, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cung cấp thêm những bằng chứng về thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam trong các năm gần đây. Nghiên cứu tiếp tục khẳng định thành quả của tăng trưởng rất vững chắc bởi mức tăng trưởng cao làm giảm cả tỷ lệ nghèo và mức độ nghèo. Mặt khác, nghiên cứu cho thấy bất bình đẳng gia tăng sẽ làm giảm tiến bộ trong giảm nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, phát hiện nghiên cứu cho thấy các hộ giàu có hơn thường tận dụng tốt hơn sự thuận lợi về môi trường thể chế đem lại để nâng cao mức sống. Phát hiện nghiên cứu định tính trong nghiên cứu cũng mang lại những nhìn nhận sâu hơn về vai trò của quản trị công với đời sống người dân và đặc biệt là các gợi ý nhằm cải thiện chất lượng quản trị công từ phía người dân.

Nghiên cứu đã mang lại một số kết quả nghiên cứu nổi bật sau:

Thứ nhất, thông qua tổng quan nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, nghiên cứu đã xây dựng cơ chế tác động của quản trị công tới giảm nghèo và mức sống. Theo đó, tác động tích cực tới giảm nghèo và cải thiện thu nhập của quản trị công có thể được giải thích bằng cách vận dụng cơ chế giải thích ở “mô hình kinh tế” hoặc “mô hình quản trị của nhà nước”. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) bao gồm nhiều chỉ số thành phần phản ánh đầy đủ các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội và điều đó hàm ý rằng tác động tích cực có thể được diễn giải bằng cả hai mô hình. Một mặt, quản trị công tốt hơn giúp gia tăng đầu tư, giảm thiểu chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và do vậy góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Mặt khác, quản trị công tốt hơn có thể phản ánh thực tế là chính quyền địa phương đã cung cấp tốt hơn các dịch vụ công thiết yếu và có năng lực tốt hơn để trợ giúp các nhóm yếu thế trong xã hội, qua đó giúp giảm nghèo và bất bình đẳng.

Thứ hai, về thống kê mô tả, kết quả tính toán từ dữ liệu điều tra mức sống dân cư giai đoạn 2014-2016 cho thấy mức tăng trưởng chi tiêu bình quân của toàn bộ các hộ đạt mức 5,11%, và tại trung vị là 7,56%. Tốc độ tăng trưởng cho các nhóm 10%, 15%, 20% và 25% dân số nghèo nhất lần lượt là 6,18%, 7,16%, 7,31% và 7,40%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ các hộ. Ngược lại, nhóm hộ giàu nhất (tại các phân vị cao hơn thứ 80) lại có mức tăng trưởng thấp hơn mức trung bình của toàn bộ hộ và nhóm nghèo. Cần lưu ý rằng mặc dù tăng trưởng phần trăm thấp hơn nhưng nhóm giàu vẫn có mức tăng tuyệt đối lớn hơn nhiều các nhóm khác.

Thứ ba, đóng góp nổi bật của nghiên cứu này là cung cấp bằng chứng kinh tế lượng đầu tiên và tin cậy về vai trò của quản trị công cấp tỉnh tới mức sống hô gia đình, được đo bằng thu nhập của hộ, đói nghèo, việc làm, tiền công và bất bình đẳng.

- Chất lượng quản trị công cấp tỉnh có tác động tích cực tới gia tăng thu nhập của hộ gia đình và khả năng thoát nghèo của hộ. Tác động này đươc kiểm soát các biến đặc điểm hộ gia đình như giáo dục, nhân khẩu, đất đai, tài sản và các đặc điểm bối cảnh kinh tế, xã hôi tự nhiên của yếu tố vùng miền nơi hộ gia đình sinh sống. Cụ thể, giữ nguyên các nhân tố khác 0, nếu chỉ số PCI 2016 của một tỉnh tăng thêm 1% thì thu nhập bình quân của hộ trong tỉnh đó sẽ có mức tăng tương ứng là 0,816%. Đồng thời, hệ số tỷ suất tương đối (OR) của biến PCI ở mô hình Logit có giá trị là 0,014 cho thấy nếu chỉ số PCI 2016 ở một tỉnh tăng thêm 10% thì khả năng rơi vào nghèo của một hộ gia đình ở tỉnh đó sẽ giảm khoảng 40%. Kết quả cũng cho chất lượng quản trị công (PCI 2015) cũng có tác động trễ (1 năm) tới thu nhập và giảm nghèo với xu hướng tương tự như tác động tức thời (PCI 2016) nhưng tác động nhỏ hơn. Cả hai kết quả này hàm ý rằng việc cải thiện chất lượng quản trị công đều giúp cho hộ gia đình nâng cao thu nhập và giúp tăng khả năng thoát nghèo cho hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu này đồng thuận với một số nghiên cứu đã được thảo luận trong phần tổng quan nghiên cứu.

- Ở cấp độ quản trị công cấp huyện, nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng kinh tế lương với dữ liệu mảng về tác động của quản trị công cấp huyện tới giảm tỷ lệ nghèo cũng như độ sâu của nghèo. Điều đó cho thấy, ở cấp độ vùng, chất lượng quản trị tốt hơn sẽ giúp giảm nghèo cho địa phương.

- Chất lượng quản trị công, cụ thể là chất lượng đào tạo lao động của chính quyền tỉnh cũng có tác động tới việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên Việt Nam. Quản trị công cấp tỉnh tốt hơn sẽ đem lại cơ hội cho thanh niên lựa chọn các công việc thu nhập cao hơn cũng như việc làm hài lòng hơn. Tác động này có kiểm soát các yếu tố đặc điểm cá nhân và gia đình của lao động, và đặc biệt có kiểm soát biến số về mật độ doanh nghiệp, mức sống ở tỉnh và các đặc điêm thành thị-nông thôn và các vung cả nước. Cụ thể, kết quả ước lượng cho thấy: với tất cả mọi biến số đều như nhau, nếu điểm số của đào tạo lao động tăng thêm một điểm, xác suất một cá nhân chọn một công việc lao động gián tiếp kỹ năng thấp hoặc một công việc trực tiếp có tay nghề cao tăng lần lượt 129% và 82%. Phát hiện cho thấy, nhìn chung, các dịch vụ đào tạo lao động được cung cấp bởi chính quyền tỉnh là hữu ích và có thể giúp những người trẻ tuổi tiếp cận với công việc tốt hơn. Như vậy, quản trị công tốt sẽ giúp cho lao động trẻ có công việc tốt hơn cả về khía cạnh thu nhập và tinh thần.

- Chất lượng quản trị công cấp tỉnh có tác động tích cực tới gia tăng thu nhập từ làm công ăn lương cho các nhóm lao động, và ước lượng này có độ tin cậy cao thông qua sử dụng dữ liệu mảng với các kỹ thuật phân tích nhằm giảm thiểu tính nội sinh của biến quản trị công. Điều đó cho thấy, nâng cao chất lượng quản trị công cấp tỉnh sẽ giúp cho người lao động có thêm thu nhập và điều đó cũng hàm ý rằng chất lượng thể chế tốt giúp gia tăng lợi tức thị trường lao động ở địa phương.

Kết quả hồi quy từ các công cụ ước tính OLS (phương pháp bình phương nhỏ nhất) và QR (hồi quy phân vị) cho thấy rằng PCI có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa thống kê cao với thu nhập tiền lương. Mỗi điểm phần trăm tăng trong chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh dẫn đến tăng khoảng 1,28% trong mức lương của công nhân, giữ các yếu tố khác không đổi. Kết hợp với nhau, những phát hiện này cho thấy việc cải thiện chất lượng quản trị cấp tỉnh có thể giúp tăng thu nhập tiền lương cho lao động địa phương. Lý do là một tỉnh có quản trị công tốt sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp và đầu tư của họ, dẫn đến nhu cầu lao động lớn hơn, từ đó đẩy tiền lương địa phương lên mức cao hơn. Phát hiện này phù hợp với các tài liệu nghiên cứu về cạnh tranh và lợi tức từ giáo dục.

Phát hiện đặc biệt có giá trị khoa học và thực tiễn ở nghiên cứu này là: sử dụng mô hình hồi quy phân vị, nghiên cứu cho thấy chất lượng quản trị công cấp tỉnh có tác động dương nhưng khác nhau với các nhóm lao động ở các mức lương khác nhau (phân vị tiền lương khác nhau). Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy cứ mỗi điểm số gia tăng ở chỉ số PCI thì ảnh hưởng của nó lớn hơn cho nhóm lương thấp so với nhóm lương cao. Kết quả cho thấy tác động lớn nhất đối với nhóm phân vị thấp nhất (1,73%) và hiệu ứng nhỏ hơn đối với những nhóm có mức lương ở trung vị và các phân vị cao hơn (thứ 50: 0,63%; 75: 0,61% và 90: 0,72%). Nghiên này cung cấp bằng chứng đầu tiên và có giá trị hữu ích rằng chất lượng quản trị công cấp tỉnh mang lại lợi ích lớn hơn cho những nhóm lương thấp hơn nhóm lương cao. Phát hiện này cũng cho thấy một phương pháp hồi quy trung bình đã không cho thấy vai trò của quản trị địa phương trong việc cải thiện thu nhập tiền lương ở các mức lương khác nhau. Phát hiện nghiên cứu hàm ý rằng chất lượng quản trị công giúp tăng lương cho mọi nhóm lao động, nhưng có tác động lớn hơn với nhóm lương thấp và do vậy chất lượng quản trị công tốt làm giảm chênh lệch tiền lương, hay nói cách khác sẽ giúp cho tiền lương phân phối bình đẳng hơn. Điều đó cho thấy, việc cải thiện chất lượng quản trị địa phương không chỉ giúp tăng tiền lương cho lao động địa phương, mà còn làm giảm bất bình đẳng tiền lương ở Việt Nam.

Phát hiện nghiên cứu định tính trong nghiên cứu cũng giúp đề tài có được những nhìn nhận sâu hơn về vai trò của quản trị công với đời sống người dân và đặc biệt là các gợi ý nhằm cải thiện chất lượng quản trị công từ phía người dân. Liên quan tới tầm quan trọng của chất lượng quản trị công cấp thành phố cũng như quận huyện tới hoạt động kinh tế của gia đình, đa phần các hộ gia đình (7/9) đều cho rằng nó có vai trò rất quan trọng với sinh kế của họ. Với các hộ tự kinh doanh thì chất lượng quản trị công cấp tỉnh được thể hiện từ cấp nhỏ hơn là cấp huyện/quận và do vậy cấp tỉnh muốn tốt thì các quận/huyện phải tốt. Về kênh tác động của chất lượng quản trị công tới sinh kế hộ gia đình, các hộ tự kinh doanh cho rằng quản trị công tốt giúp cho họ tiếp cận các dịch vụ công nhanh chóng, giảm bớt chi phí tiền bạc và thời gian khi thực thi các hoạt động cần thiết trong kinh tế. Chất lượng dịch vụ công tốt do vậy giúp học giảm bớt chi phí kinh doanh và giảm sự phiền toái, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ gia đình chuyển đổi sinh kế hoặc mở rộng hoạt động kinh tế của mình trong tương lai. Với các hộ làm công ăn lương thì họ cho rằng chất lượng quản trị công tốt tác động tích cực tới mức sống (thu nhập, tiền lương) của họ thông qua tác động tích cực của quản trị công tới hoạt động kinh tế của các tổ chức mà họ làm việc. Đó là vì khi chất lượng quản trị công tốt sẽ giúp cho các doanh nghiệp/tổ chức kinh tế vận hành hiệu quả hơn và do vậy tiền lương hay thu nhập của họ sẽ được cải thiện hơn.

Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu đề xuất các hàm ý chính sách sau:

Thứ nhất, đối với Chính phủ, bộ, ban, ngành:

Các chính sách điều tiết thu nhập và trợ cấp cho nhóm nghèo một cách hợp lý là cần thiết cho công cuộc giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Ở tầm Chính phủ, các chính sách điều tiết thu nhập cần hướng tới việc gia tăng hơn nữa hiệu quả các nguồn thu thuế và trợ cấp đúng đối tượng nhằm đảm bảo cho nguồn tài trợ đến được với người nghèo và nhóm yếu thế ở Việt Nam.

Phát hiện trong nghiên cứu tiếp tục cung cấp những hàm ý chính sách về vai trò giáo dục trong nâng cao mức sống cho người dân. Thống kê cho thấy các hộ nghèo có mức độ giáo dục thấp hơn nhóm không nghèo, và điều đó hàm ý rằng người nghèo có sự tiếp cận giáo dục hạn chế hơn trong quá khứ. Nếu các chính sách hiện tại không gia tăng sự tiếp cận của người nghèo với giáo dục thì sẽ dẫn tới tình trạng nghèo liên thế hệ do giáo dục thấp hơn ở các hộ nghèo trong hiện tại và con cháu họ trong tương lai. Các chính sách hộ trợ người nghèo tiếp cận tới giáo dục không chỉ ở miễn giảm học phí mà còn các hình thức học tập và đào tạo khác phù hợp hơn với hoàn cảnh sinh kế của họ.

Nền tảng gia đình, thể hiện qua công việc và giáo dục của bố mẹ có tác động quyết định tới sự lựa chọn công việc của thế hệ trẻ. Điều này phản ánh sự bất bình đẳng cơ hội việc làm. Tuy nhiên, các phát hiện về chất lượng đào tạo và mật độ tập trung doanh nghiệp cho thấy vai trò tích cực của hai yếu tố này trong nâng cao cơ hội lựa chọn công việc tốt hơn cho lao động trẻ. Do vậy, về phía chính sách nhà nước cần thiết kế các chương trình đào tạo tốt, phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, gia tăng số lượng các doanh nghiệp là chìa khóa mở ra cơ hội việc làm cho lao động trẻ ở các địa phương. Điều đó cũng giảm bớt áp lực di cư tới các thành phố lớn và đảm bảo việc làm tốt hơn cho lao động trẻ. Các cải cách về thể chế và chính sách với khu vực doanh nghiệp và đào tạo có vai trò quan trọng ở tầm vĩ mô với việc nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, phát hiện thực nghiêm cho thấy tầm quan trọng của hoạt động kinh tế phi nông nghiệp với hộ gia đình. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục thực thi các chính sách hỗ trợ hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình chuyển đổi sinh kế sang các hoạt động phi nông nghiệp. Sau cùng, trong điều kiện đất đai canh tác ngày càng suy giảm do dân số tăng nhanh và đô thị hóa thì chính sách của nhà nước về khoa học công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu suất canh tác là giải pháp quan trọng nâng cao mức sống cho nhiều hộ nông dân sinh kế gắn liền với đất đai.

Thứ hai, đối với địa phương:

Các phát hiện từ nghiên cứu cho thấy việc tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành và quản trị nhà nước cấp tỉnh có tác động tích cực tới việc nâng cao mức sống dân cư. Sau đây là một số gợi ý giải pháp hoàn thiện chất lượng quản trị công thông qua việc phân tích định tính, định lượng và các tài liệu liên quan:

+ Cần nâng cao nhận thức cho các cán bộ ở địa phương về vai trò rất quan trọng của chất lượng quản trị công với người dân trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an ninh trật tự, xây dựng, văn hóa và xã hội... Khi mỗi ban ngành thực thi nghiêm túc và có trách nhiệm chức năng của của mình sẽ giúp cho hoạt động quản lý nhà nước ở mọi lĩnh vực được tốt hơn. Chất lượng các hoạt động từ giáo dục và đào tạo các cấp, cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng,… tác động trực tiếp tới đời sống của hộ gia đình. Gắn trách nhiệm với công việc cụ thể của mỗi cán bộ trong từng khâu của công việc để qua đó phục vụ người dân tốt hơn trong lĩnh vực của mình.

+ Để cải thiện chỉ số chất lượng quản trị công cấp tỉnh hay chỉ số PCI, các tỉnh cần cải thiện hàng loạt chỉ số thành phần của PCI và do vậy mỗi chính quyền tỉnh cần tham khảo bộ chỉ số thành phần để xem xét lĩnh vực nào yếu kém hơn để tập trung ưu tiên cải thiện, qua đó sẽ nâng cao được chất lượng quản trị công cấp tỉnh.

+ Liên quan đến những khía cạnh nào cần ưu tiên cải cách để nâng cao chất lương quản trị công ở tỉnh, cần có những hiểu biết xem khía cạnh nào của quản trị công còn chưa cải thiện và giải pháp gì để cải thiện chất lượng. Theo phân tích và đánh giá từ báo cáo PCI năm 2017 cho thấy chất lượng quản trị công cấp tỉnh đã được cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực Đào tạo lao động, Tính năng động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Việc phân tích thực trạng chất lượng quản trị công cấp tỉnh qua chỉ số PCI cho thấy nhìn chung có sự cải thiện chất lượng quản trị công của các tỉnh trong thời kỳ 2006-2017.

+ Tuy nhiên, sự phân tích cho thấy có những tỉnh thành cải thiện đáng kể chất lượng quản trị công theo thời gian, nhưng có một số tỉnh khác có sự cải thiện rất thấp. Hơn nữa, kết quả phân tích cho thấy các khía cạnh khác của quản trị công cấp tỉnh còn chậm cải thiện và thậm chí ngày càng kém hơn như: tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức (tham nhũng); chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; và thiết chế pháp lý; cạnh tranh bình đẳng. Điều đó cho thấy chính quyền các tỉnh cần có những nỗ lực và giải pháp cụ thể hơn để khắc phục các hạn chế ở những khía cạnh quản trị công nào còn yếu kém, để từ đó có giải pháp quyết liệt và ưu tiên cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng quản trị công của tỉnh trong thời gian tới.

+ Quản trị công cấp tỉnh có thể cải thiện bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính với mục đích giảm chi phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đảm bảo dễ dàng tiếp cận đất đai và cơ sở kinh doanh cũng như cung cấp thông tin liên quan đến kinh doanh minh bạch để doanh nghiệp có thể giảm chi phí không chính thức và thời gian cần thiết cho các thủ tục quan liêu và kiểm tra. Tất cả các biện pháp này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và tăng thu nhập tiền lương của họ.

+ Cần lựa chọn người đứng đầu có tài, tâm và tầm để điều hành và quản trị các hoạt động quản lý nhà nước cấp địa phương. Cần thực hiện các khâu đánh giá và lấy ý kiến quần chúng nhân dân rộng rãi về nhà quản lý trước khi được bổ nhiệm vị trí quan trọng trên. Hơn nữa, người đứng đầu nên có cam kết về kết quả hoạt động của nhiệm kỳ, thậm chí hàng năm để từ đó ràng buộc trách nhiệm với họ, giúp cho việc cải tiến chất lượng quản trị công được diễn ra thường xuyên hơn.

+ Cần công khai minh bạch toàn bộ thông tin liên quan tới các quy định, cơ chế và chế tài thực thi chính sách của tất cả các hoạt động cung ứng dich vụ công, cũng như các hoat động quản lý kinh tế - xã hội của địa phương. Công khai minh bạch sẽ giúp nâng cao chất lượng quản trị công địa phương ở mọi khâu và mọi lĩnh vực, giảm thiểu hiện tượng nhóm lợi ích và sự nhũng nhiễu của cán bộ trong các hoạt động phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, cần xử phạt nghiêm minh và kịp thời các cán bộ tiêu cực để giảm thiểu các hiện tương tham nhũng và tiêu cực trong khu vực công. Hơn nữa, việc tuyên truyền phổ biến cho người dân về trách nhiệm và quyền làm chủ, tham gia tích cực vào các hoạt động giám sát sẽ có tác dụng tích cực tới nâng cao chất lượng quản trị công.

+ Sau cùng, tác động của thể chế hay quản trị công cấp tỉnh có tính trễ và tính hiện tại (tức thời). Do vậy, ảnh hưởng hay tác động của một chính sách hiện tại sẽ có thể tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai. Điều đó cho thấy, các chính quyền tỉnh cần có tầm nhìn xa hơn khi thực hiện các chính sách kinh tế cũng như trong hoạt động điều hành quản trị công cấp tỉnh. Các cải cách chính sách cần đi trước để tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh cho hoạt động kinh tế, từ đó sẽ giúp các đơn vị kinh tế cũng như người dân sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực và gia tăng phúc lợi cho chính họ và cho xã hội.

Thứ ba, về phía cá nhân và hộ gia đình:

  • Với các hộ gia đình, hai nhân tố quan trọng giúp họ nâng cao mức sống như chi tiêu, thu nhập hay giảm nghèo, bao gồm trình độ giáo dục của chủ hộ và hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Kết quả trực tiếp từ nghiên cứu cho thấy lao động trẻ có giáo dục tốt sẽ có cơ hội lựa chọn các công việc có kỹ năng với thu nhập cao hơn nhiều so với nhóm lao động không kỹ năng. Do vậy, các hộ gia đình cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục của thế hệ tương lai. Với giáo dục tốt hơn, họ sẽ có công việc tốt hơn với năng suất lao động cao và thu nhập tương lai cao hơn.
  • Bên cạnh đó, các hộ ở nông thôn chủ động hơn trong việc chuyển đổi sinh kế sang các hoạt động phi nông nghiệp tự làm hoặc làm công ăn lương. Hoạt động này giúp học giảm bớt sự phụ thuộc vào đất nông nghiệp và đa dạng hóa thu nhập.

 


CÁC BÀI BÁO KHOA HỌC CỦA NHÓM NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Bài báo ISI (SSCI):

1. Trần Quang Tuyến, Đoàn Thanh Tịnh, Vũ Văn Hưởng, Nguyễn Thị Hiền (2019): Heterogeneous impacts of provincial governance on household welfare in Vietnam, International Journal of Social Welfare, Số 25, Tập 2, Trang 229-240. DOI: https://doi.org/10.1111/ijsw.12337, ISSN/ ISBN 13696866 Wiley, UK.

2. Trần Quang Tuyến, Trần Lan Anh, Phạm Minh Thái, Vũ Văn Hưởng (2018),  Local governance and occupational choice among young people: First evidence from Vietnam. Children and Youth Services Review, Số 86, Tập 1, Trang 21-31. DOI: 10.1016/j.childyouth.2018.01.019. ISSN/ ISBN: 01907409 Elsevier Ltd, UK

3. Đoàn Thanh Tịnh, Trần Quang Tuyến, Nguyễn Thị Hiền (2018), Provincial competitiveness and labor market return in Vietnam. Hitotsubashi Journal of Economic, Số 59, Tập 2, Trang 95-112. http://hermes-ir.lib.hit-u.ac.jp/rs/bitstream/10086/29714/1/HJeco0590200950.pdf. ISSN/ ISBN: 0018280X, Hitotsubashi University, Japan.

Bài báo trong nước đăng tạp chí quốc gia uy tín:

1. Trần Quang Tuyến, Lê Thiết Lĩnh (2018). Chất lượng quản trị công và giảm nghèo ở các huyện của Việt Nam. Kinh tế và Phát triển, Số 251, tập 5, Trang 51-59. ISSN/ ISBN: 1859-0020. Đại học Kinh tế Quốc dân.

2. Trần Quang Tuyến, Vũ Văn Hưởng (2018). Chất lượng quản trị công cấp tỉnh và mức sống hộ gia đình: Bằng chứng mới từ cuộc Điều tra Khảo sát Mức sống Dân cư 2016. Kinh tế và Phát triển, Số 249, tập 3, Trang 2-11. ISSN/ ISBN: 1859-0020. Đại học Kinh tế Quốc dân.