Trang Nghiên cứu
 
Xây dựng mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn mờ tích hợp mới: Ứng dụng trong đánh giá năng lực giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Trên cơ sở tổng quan về lý thuyết tập mờ, số mờ, mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn (MCDM) mờ, nghiên cứu của TS. Lưu Quốc Đạt và nhóm cộng sự đã xây dựng được các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn tích hợp mờ mới, cụ thể: Xây dựng mô hình quyết định đa tiêu chuẩn tích hợp mờ (kết hợp phương pháp điểm lý tưởng - TOPSIS và phương pháp phân tích thứ bậc - AHP) để đánh giá năng lực giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); Xây dựng phương pháp TOPSIS sử dụng tập “Neutrosophic” khoảng và phức, kết hợp biến ngôn ngữ để đánh giá năng lực giảng viên tại ĐHQGHN; Xây dựng mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn tích hợp mô hình triển khai chức năng chất lượng (QFD) và TOPSIS; đồng thời ứng dụng được một số mô hình MCDM để đánh giá năng lực giảng viên tại ĐHQGHN và các vấn đề khác trong kinh tế và quản trị.


Mã đề tài: 502.01-2015.16

Chủ nhiệm đề tài: TS. Lưu Quốc Đạt

Các trường đại học trong và ngoài ĐHQGHN có thể áp dụng các mô hình MCDM trong quá trình đánh giá năng lực giảng viên. Theo nhóm tác giả, các bước vận dụng mô hình MCDM được đề xuất như sau:

Bước 1: Các trường đại học tiến hành thành lập hội đồng đánh giá năng lực giảng viên. Các thành viên trong hội đồng gồm có: đại diện Ban giám hiệu, lãnh đạo Phòng Tổ chức Nhân sự, lãnh đạo khoa, bộ môn, lãnh đạo phòng nghiên cứu khoa học, Phòng Đảm bảo Chất lượng.

Bước 2: Hội đồng đánh giá tiến hành xác định bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực giảng viên. Tùy theo chiến lược, mục tiêu, lĩnh vực đào tạo mà các trường đại học xác định bộ tiêu chuẩn phù hợp với đơn vị. Các tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá năng lực giảng viên có thể chia thành 03 nhóm tiêu chuẩn:

a) Nhóm tiêu chuẩn đánh giá hoạt động giảng dạy:

  • Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
  • Năng lực giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ
  • Kinh nghiệm giảng dạy
  • Phương pháp giảng dạy hiệu quả để thúc đẩy sinh viên học tập
  • Nhận được các giải thưởng hoặc sự vinh danh về thành tích/năng lực giảng dạy
  • Kết quả đánh giá từ người học

b) Nhóm tiêu chuẩn đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học:

  • Có học vị tiến sĩ
  • Năng lực trao đổi và nghiên cứu chuyên môn bằng tiếng Anh
  • Số lượng đề tài đã được các Hội đồng trong nước nghiệm thu
  • Số lượng công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học trong nước
  • Số lượng các công trình khoa học được đăng hoặc công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế ISI/Scopus
  • Số lượng công trình khoa học được trình bày ở hội thảo quốc tế
  • Số lượng trích dẫn của các công trình khoa học
  • Giải thưởng nghiên cứu do các tổ chức hàn lâm hoặc chuyên nghiệp trao tặng
  • Số lượng sách được xuất bản trong nước (chủ biên)
  • Số lượng sách được xuất bản quốc tế (chủ biên)

c) Nhóm tiêu chuẩn đánh giá hoạt động phục vụ cộng đồng

  • Thành viên tham gia ban biên tập các tạp chí quốc tế
  • Thành viên tham gia ban biên tập các tạp chí trong nước
  • Tham gia các đơn vị kinh doanh trong trường để kết nối cộng đồng hoặc các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức/hiệp hội quốc tế
  • Tham gia bình duyệt các tạp chí khoa học quốc tế
  • Tham gia bình duyệt các tạp chí khoa học trong nước
  • Tham gia đảm nhận vị trí quản lý trong trường
  • Cố vấn hoặc hướng dẫn cho các hoạt động của sinh viên, học viên, và nghiên cứu sinh

Bước 3: Mỗi tiêu chuẩn đánh giá năng lực giảng viên có tầm quan trọng khác nhau, do đó trong bước này mỗi thành viên trong hội đồng sẽ cần đưa ra các mức trọng số cho các tiêu chuẩn. Có hai cách xác định trọng số của các tiêu chuẩn thường được sử dụng, đó là: (i) Từng thành viên hội đồng trực tiếp đưa ra các mức trọng số cho các tiêu chuẩn đơn (phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, nhưng sai số thường lớn hơn so với các phương pháp khác); (ii) Sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc (AHP) thông qua việc đánh giá mức độ quan trọng của các tiêu chuẩn dựa trên so sánh cặp đôi. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến để xác định trọng số của các tiêu chuẩn hiện nay. Cuối cùng, giá trị trung bình của các trọng số được xác định dựa trên phân tích tổng hợp ý kiến của các thành viên.

Bước 4: Xác định tỷ lệ đánh giá các giảng viên dựa trên mỗi tiêu chuẩn

Dựa trên bộ tiêu chuẩn đã có, Hội đồng chuyên gia sẽ đánh giá (cho điểm) các giảng viên. Để việc đánh giá được chính xác, Hội đồng chuyên gia cần có đầy đủ thông tin liên quan tới các giảng viên (số liệu thống kê về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng, điểm đánh giá từ sinh viên). Trong quá trình đánh giá, đối với các tiêu chuẩn định lượng, Hội đồng chuyên gia có thể sử dụng số thực hoặc số mờ để xác định tỷ lệ của các giảng viên; đối với các tiêu chuẩn định tính, việc sử dụng số mờ (hoặc các tập mở rộng) là cần thiết để tăng tính xác thực trong quá trình đánh giá. Sau đó, giá trị trung bình của các lựa chọn được xác định dựa trên phân tích tổng hợp ý kiến của các thành viên.

Bước 5: Đánh giá và xếp hạng giảng viên

Trên cơ sở giá trị thu được trong bước 3 và bước 4, hội đồng xác định được điểm đánh giá tổng hợp của các giảng viên. Trên cơ sở kết quả đánh giá tổng hợp, trường tiến hành xếp hạng giảng viên theo các nhóm tiêu chuẩn liên quan tới giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đóng góp cộng đồng.