Sáng ngày 20/11/2014, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Ban Quản lý Dự án GDPRTE đã có buổi tiếp và làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ninh về những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ thực hiện dự án “Xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển xanh” (Dự án GDPRTE).
Theo chỉ đạo từ phía UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở KH&ĐT sẽ là đơn vị đầu mối làm việc với Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
Tham dự buổi làm việc, về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh có TS. Hoàng Danh Sơn - Phó Giám đốc Sở. Đại diện ĐHQGHN có TS. Nguyễn Thị Anh Thu - Trưởng ban Hợp tác Phát triển. Về phía Trường ĐHKT có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng kiêm Giám đốc dự án GDPRTE, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Giám đốc dự án cùng với sự có mặt của thành viên Ban Quản lý dự án.
Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Anh Thu đã giới thiệu sơ lược những thông tin chung nhất của dự án, gồm có mục tiệu chung, mục tiêu cụ thể, các kết quả mong đợi và hoạt động cụ thể của dự án. Nội dung hợp tác với tỉnh Quảng Ninh thuộc hợp phần 3 của Dự án. Theo dự kiến, Trường ĐHKT sẽ phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh để xây dựng đề xuất “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” hay còn gọi tắt là NAMA. Theo đó, hợp phần 3 của dự án sẽ gồm 3 hành động chính là:
- Xác định một ngành/ngành phụ ở tỉnh Quảng Ninh để nghiên cứu và đánh giá tiềm năng hành động NAMA, tổ chức làm việc và cộng tác với các cơ quan chính quyền tỉnh và thành phố.
- Xây dựng đề xuất hành động NAMA chi tiết có các mục tiêu phát thải cụ thể.
- Tổ chức đối thoại chính sách để thu hút khu vực tư nhân và các nhà ra quyết định cấp tỉnh về quy trình xây dựng hành động NAMA và các kiến nghị chính sách.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng nhấn mạnh, sự hợp tác giữa hai bên không chỉ gói gọn trong hợp phần 3 của dự án mà còn mở rộng ra hai hợp phần khác là nghiên cứu và đào tạo. Ngoài ra, những hoạt động này nên là một phần của các chương trình hợp tác lớn hơn giữa UBND tỉnh Quảng Ninh, ĐHQGHN và Trường ĐHKT cũng như các tổ chức quốc tế khác.
Nhận định về ý nghĩa của dự án GDPRTE đối với tỉnh Quảng Ninh, TS. Hoàng Danh Sơn cho rằng việc triển khai dự án này rất kịp thời và phù hợp vì tỉnh Quảng Ninh đang có quyết tâm lớn để chuyển mình, thay đổi cấu trúc kinh tế, từ nền kinh tế nâu sang một nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường, đồng thời đảm bảo những lợi ích xã hội. Cùng với những gợi ý về việc chọn ngành để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ phát thải ngành, TS. Hoàng Danh Sơn cũng cho rằng việc lựa chọn ngành sản xuất xi măng hoặc khai thác than để tính toán mức phát thải và lên kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính có thể mang lại tác động lớn. Ngành công nghiệp này chủ yếu tập trung xung quanh vịnh Hạ Long nên có thể mang lại nhiều hệ lụy lớn do các công nghệ đang sử dụng chưa đảm bảo xử lý hết được các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, TS. Hoàng Danh Sơn cũng cho rằng việc lựa chọn ngành ưu tiên trong khuôn khổ thực hiện dự án này phải tính đến tính khả thi cũng như sự gắn kết với các dự án có liên quan khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thị Anh Thu gợi ý rằng, chương trình hợp tác trong phạm vi dự án GDPRTE sẽ là khởi đầu cho chương trình hợp tác lâu dài và thường xuyên giữa ĐHQGHN, trong đó có Trường Đ và UBND tỉnh Quảng Ninh. Hơn nữa, dự án này có thể kết hợp nguồn lực từ nhiều phía khác nhau để mang lợi lợi ích lớn nhất cho tỉnh. Dự kiến chương trình hợp tác này sẽ nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa các trường đại học lớn ở khu vực Đông Á.
Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Đoàn công tác Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã chúc mừng Nhà trường
Kết thúc chương trình, TS. Hoàng Danh Sơn đã dành những lời chúc tốt đẹp nhất đến các giảng viên của Trường ĐHKT - ĐHQGHN và bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của dự án và những lợi ích tiềm năng đối với tỉnh Quảng Ninh.