Trang Nghiên cứu
 
Nhóm nghiên cứu ĐHKT khảo sát tại Quảng Ninh

Đoàn nghiên cứu ĐHKT làm việc với UBND TP. Móng Cái
Từ ngày 18/9 đến ngày 22/9/2017, Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cùng với đại diện Ban Kinh tế Trung ương đã có chuyến công tác tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái để thu thập dữ liệu cho việc thực hiện đề tài cấp Nhà nước.


Hoạt động này nằm trong khuôn khổ đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội” (KX.01/16-20). Đề tài do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm.

Tham dự chương trình làm việc về phía Ban Kinh tế Trung ương có TS. Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp. Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển cùng với các thành viên nhóm nghiên cứu.

 
 

Buổi làm việc giữa nhóm nghiên cứu và các cơ quan ban, ngành tỉnh Quảng Ninh

Trong chuyến công tác, Đoàn ĐHKT đã có buổi làm việc với Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh và các Sở, Ban, Ngành như Sở Công thương, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Sở Kế hoạch đầu tư, Chi cục Hải Quan, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh…

 
 

TS. Nguyễn Anh Thu phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh

 

Đoàn khảo sát Trường ĐHKT đã có buổi trao đổi và phỏng vấn sâu với đại diện các cơ quan quản lý tỉnh Quảng Ninh về tình hình hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái, tìm hiểu về quan điểm, nhu cầu, kế hoạch cũng như tình hình triển khai của Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) trong việc xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, từ đó có thể đánh giá được điều kiện hình thành và tính khả thi trong việc xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới ở đây. Tiếp đó, đoàn khảo sát đã có thời gian phỏng vấn sâu hơn về các vấn đề khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất của các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh nói chung và KKTCK Móng Cái nói riêng trong hoạt động thúc đẩy sự hình thành và phát triển các khu hợp tác kinh tế quan biên giới.

Cũng trong chương trình làm việc, đoàn khảo sát có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND và các đơn vị của thành phố Móng Cái. Trao đổi, phỏng vấn đại diện lãnh đạo các đơn vị tại thành phố Móng Cái, đoàn khảo sát có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về các lộ trình chi tiết hơn phù hợp với địa phương, về tình hình thực tiễn trong hoạt động thúc đẩy phát triển KKTCK và khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Với lợi thế nhất định về giao thông cả đường bộ và đường biển, Móng Cái đã và đang chủ động tích cực triển khai các mục tiêu phát triển khu hợp tác. Đồng thời, UBND thành phố Móng Cái cũng đề xuất Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn vốn có mục tiêu đầu tư, tạo cơ chế tốt về tài chính… để địa phương phát huy hơn nữa trong triển khai các nội dung liên quan để đầu tư xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái.

 
 

Ông Nguyến Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Móng Cái (giữa) phát biểu tại buổi làm việc

 

Trong các ngày làm việc tiếp theo, Đoàn tiếp tục làm việc với Chi cục Hải quan thành phố Móng Cái và một số doanh nghiệp lớn đang đầu tư kinh doanh tại khu vực này để có cái nhìn đa chiều hơn cả về khoa học, lý luận và thực tiễn từ phía cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp. Đoàn làm việc chia thành các nhóm khác nhau để phỏng vấn đại diện Chi cục Hải quan, tìm hiểu về thực trạng quản lý về thương mại, xuất nhập khẩu,.. các vấn đề về Hải quan; chủ trương quy hoạch xây dựng khu kinh tế qua biên giới… phỏng vấn sâu các doanh nghiệp để hiểu về nhu cầu, kỳ vọng của doanh nghiệp về mặt cơ chế chính sách cũng như những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Kết thúc chuyến khảo sát, đoàn cảm ơn các đơn vị, đại diện lãnh đạo đã hỗ trợ, sắp xếp đoàn cung cấp thông tin; từ đó có cái nhìn từ nhiều chiều, các thông tin chi tiết và thực tiễn, phục vụ cho nghiên cứu của nhà trường.


Bích Hà - Thanh Mai