Trang Nghiên cứu
 
Trường Đại học Kinh tế khảo sát và phỏng vấn sâu về hợp tác kinh tế biên giới tại Quảng Trị

Từ ngày 4/4 đến 8/4/2018, nhóm nghiên cứu đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Quảng Trị.


Đây là hoạt động trong khuôn khổ đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội” (KX.01/16-20). Đề tài do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm.

Tham gia đoàn công tác có TS. Hoàng Xuân Hoà - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung Ương (Ban KTTW là đơn vị đặt hàng đề tài), ông Bùi Bá Nghiêm - Cục Quản lý Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương và ông Hán Văn Đại - Công ty cổ phần Vinatake và TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, ĐHKT cùng với các thành viên của nhóm nghiên cứu. Đặc biệt, đồng hành trong chuyến công tác của Trường Đại học Kinh tế lần này có đoàn công tác bên phía nước bạn Lào do ông Phonsamay Chansina - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Savannaket - Trưởng đoàn; bà Buasone Vilayvong - Phó Giám đốc khu Kinh tế cửa khẩu Densavan - Phó trưởng đoàn cùng các cán bộ sở, ban ngành có liên quan của Lào.

Trong chuyến công tác, tại Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, nhóm nghiên cứu đã có buổi làm việc với Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Quảng Trị, các sở ban ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị và Sở Công thương tỉnh Savannaket, Ban Quản lý Khu Kinh tế Densavan, Lào… Tại buổi làm việc, nhóm nghiên cứu đã được nghe báo cáo giới thiệu thực trạng và định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị. Sau đó là các chia sẻ thảo luận về chủ trương, chính sách, thực trạng hợp tác kinh tế biên giới Việt – Lào đặc biệt là về mô hình Khu hợp tác kinh tế biên giới (CBEZ) mà nhóm đề tài đề xuất.

Đặc biệt, trong đợt làm việc lần này, phía nước bạn Lào cũng có một số ý kiến, trao đổi thẳng thắn về mô hình hợp tác kinh tế biên giới. Theo Sở Công thương tỉnh Savannaket thì mô hình CBEZ là mô hình rất mới, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn từ phía nước bạn Lào. Cuối cùng là các nhận định đánh giá của các đơn vị quản lý nhà nước, bộ đội biên phòng, cục hải quan và các doanh nghiệp... của tỉnh Quảng Trị về các điều kiện hình thành CBEZ tại Lao Bảo, Quảng Trị.

 
Đoàn công tác của trường làm việc với các sở ban ngành của Quảng Trị và Lào tại Sở Công thương tỉnh Quảng Trị

Để có những đánh giá khách quan và thực tế hơn, đoàn công tác đã đến làm việc tại Khu Cửa khẩu Lao Bảo. Tại đây, thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, Ông Nguyễn Văn Bình – Phó trưởng ban đã trình bày Báo cáo về thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và khu cửa khẩu quốc tế La Lay, hướng tới việc hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới Việt - Lào. Báo cáo này, kết hợp với mô hình CBEZ do đề tài đề xuất, là nội dung được thảo luận chính tại buổi làm việc ở Lao Bảo. Theo Giám đốc Khu Kinh tế cửa khẩu Densavan – Lào, Khu Kinh tế cửa khẩu Densavan chưa được công nhận là khu kinh tế đặc biệt, có diện tích nhỏ hơn so với Lao Bảo, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng bài bản như phía Việt Nam, Ban quản lý cửa khẩu và Ban Quản lý khu thương mại là hai bộ phận tách rời nhau. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm giữa hai bên để xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới.

 

 

Đoàn công tác làm việc tại Cửa khẩu Lao Bảo

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã sang khảo sát thực địa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào. Có hai doanh nghiệp được lựa chọn là Doanh nghiệp sản xuất mủ cao su và doanh nghiệp trồng chuối ở Lào. Hai doanh nghiệp này đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều cư dân biên giới và góp phần phát triển kinh tế tại khu vực này.


 

Đoàn công tác khảo sát tại Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản xuất mủ cao su tại Lào

Ngày cuối cùng, đoàn công tác đã làm việc tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Lao Bảo. Tại đây, đoàn đã thảo luận chi tiết về các vấn đề liên quan đến xây dựng CBEZ tại Quảng Trị. Hai cửa khẩu được thảo luận, so sánh chi tiết là cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế La Lay. Đây chính là những ý kiến đóng góp quý báu cho đề tài.

Kết thúc chuyến đi, đoàn công tác đã thu thập được rất nhiều tư liệu, ý kiến quý báu từ các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp tại Quảng Trị. Đây là điều kiện quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt đề tài "Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các Khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam”; từ đó đưa ra những tham vấn có tính khoa học, khách quan và có tính thực tiễn cao cho chính phủ trong việc lựa chọn thí điểm xây dựng và phát triển khu kinh tế qua biên giới tại Việt Nam.


Nguyễn Thị Vũ Hà (Khoa KT&KDQT)