Trang Nghiên cứu
 
Lãi suất ngân hàng sẽ theo tín hiệu thị trường

Trong cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với thành viên ngân hàng một số tỉnh miền Nam bàn về việc có nên giữ lãi suất kỳ hạn ngắn ở mức cao và có nên


Từ cuối quý I/2008 đến nay, các NHTMCP liên tục đưa ra những chương trình, sản phẩm huy động mới, đa dạng và phù hợp với nhu cầu rất phong phú của người gửi tiền nhằm thu hút tối đa lượng tiền vào ngân hàng. Phải kể đến là các kỳ hạn huy động VND cực ngắn, lãi suất cao như “Tiền gửi tiết kiệm qua đêm”, “Tiền gửi “Call” 48 giờ” của NHTMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), “Tiền gửi Overnight” của NHTMCP Á Châu (ACB)… Ngay sau đó là hàng loạt các kỳ hạn ngắn xuất hiện: 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần với lãi suất rất cao. Đến nay, các kỳ hạn này vẫn được các ngân hàng duy trì. Nhưng theo Tổng thư ký VNBA Dương Thu Hương, vấn đề đặt ra ở đây là các ngân hàng có nên tiếp tục để các kỳ hạn được cho là “nóng” này nữa không, trong khi thị trường đang lành mạnh, tính thanh khoản của hầu hết các NHTM đã được cải thiện, lượng tiền tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dồi dào, tín phiếu bắt buộc được tham gia thị trường mở.
Cũng theo bà Hương, việc giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn nhằm giúp các NHTM cơ cấu bảng lãi suất theo đúng dạng “nguyên thủy” của nó, từ đó mới có điều kiện giảm lãi suất đầu ra, giúp doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của các NHTM trên địa bàn phía Nam đều đồng ý nên để thị trường quyết định về mức lãi suất (giá cả) cũng như kỳ hạn ngắn. Bởi vì, các NHTM vẫn hoạt động theo tín hiệu điều hành của NHNN và tín hiệu thị trường và dựa theo tình hình này mà đưa ra quyết định cho mình. Ngay như Eximbank cũng xác định, dự đoán lạm phát năm 2009 chỉ ở mức dưới hai con số, như vậy thì lãi suất năm 2009 sẽ giảm so với năm 2008. Không thể đưa ra một công thức chung cho tất cả các ngân hàng, vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Các ngân hàng tùy theo cung - cầu, tùy theo sự cân đối bảng tài sản, lợi nhuận của mình quy định lãi suất kỳ hạn 1, 2, 3 tháng cao hay thấp. Nếu ngân hàng huy động lãi suất cao trong 3 tháng, nếu 3 tháng sau lãi suất cơ bản giảm thì ngân hàng sẽ lỗ. Để tránh bị lỗ trong tương lai, ngân hàng phải cân nhắc lãi suất dài – ngắn. Còn nếu ngân hàng nào quyết tâm tăng lợi nhuận nhằm thu hút cổ đông thì tự họ sẽ tìm mọi cách để giảm lãi suất, giảm chi phí. Chẳng hạn, NHTMCP An Bình (ABBank) đã giảm lãi suất gần đây 4 – 5 lần. Một điều mà NHTMCP Phương Nam (Southernbank) rất lo là việc NHNN hạ lãi suất cơ bản đột ngột sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng bởi trong khi lãi suất đầu ra phải giảm tương ứng theo quy định (không quá 150% lãi suất cơ bản), nhưng lượng vốn huy động lãi suất cao còn tồn các ngân hàng khó có cơ cấu lãi suất đầu vào - đầu ra.
Về vấn đề có nên để các kỳ hạn “nóng” hay không, NHTMCP Nam Việt (Navibank) cho rằng, thiếu hụt thanh khoản sẽ xảy ra khi vẫn để kỳ hạn ngắn. Thế nhưng theo NHTMCP Sài Gòn (SCB) và Eximbank là nên để kỳ hạn tuần. Bởi vì ngân hàng cũng tùy thuộc vào đối tượng khách hàng của mình mà quyết định. Chẳng hạn khách hàng doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi ngắn hạn dưới 1 tháng thì họ không muốn gửi không kỳ hạn lãi suất thấp, như vậy sẽ sụt giảm huy động vốn của ngân hàng, ngân hàng không nhận thì sẽ mất khách hàng. Ngân hàng đưa ra kỳ hạn phụ thuộc nhu cầu thị trường và khả năng của các NHTM. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng cho rằng, kỳ hạn tuần là “mẹo” để các ngân hàng nhỏ có thể cạnh tranh với các ngân hàng lớn. Trong khi đó, NHTMCP Đệ Nhất (FCB) cho rằng, tốt nhất là VNBA đưa ra nhận định tình hình thị trường để các NHTM tự quyết định lãi suất.
Nhìn chung, ổn định hoạt động là mục tiêu mà các ngân hàng rất muốn, nhưng cũng chính vì mục tiêu này mà các NHTM phải lên những chiến thuật kinh doanh với nhiều phương án tùy thuộc diễn biến thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát. Khi lạm phát chưa dừng thì không thể đòi hỏi các ngân hàng thay đổi chiến thuật kinh doanh của mình. Các ngân hàng tuy đã giảm lãi suất cả hai đầu, nhưng vẫn theo tín hiệu thị trường. Họ cho rằng chỉ nên dao động trong “hành lang pháp lý lãi suất”, có nghĩa là lãi suất theo tín hiệu thị trường.


ND (Thời báo ngân hàng)