Trang Nghiên cứu
 
Ngộ nhận về tái cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế ở Việt Nam từ lâu được hiểu là tỷ trọng của giá trị tăng thêm các ngành chiếm trong GDP, và cơ cấu của nhóm ngành nông nghiệp cứ phải giảm dần trong khi nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ cứ phải tăng thì mới là tốt. Các địa phương thi nhau làm theo “khẩu hiệu” này và các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân gôn mọc lên như nấm sau mưa mà không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế của nó, cứ miễn sao trong báo cáo cuối năm cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng nông nghiệp giảm dần, khu vực 2 và khu vực 3 tăng dần là được. Với định hướng như vậy, việc mất đất nông nghiệp là đương nhiên, và tỷ trọng các nhóm ngành nông nghiệp trong GDP giảm cũng là việc hiển nhiên.


Năm 1941, Wasily Leontief được giải Nobel với công trình “Cấu trúc của nền kinh tế Hoa Kỳ”([i]). Ông đã đưa ra ý niệm về chỉ số lan toả và độ nhạy của các ngành, và cấu trúc kinh tế ở đây được hiểu là sự lan toả số nhân của các ngành trong nền kinh tế; sau đó vào năm 1958, Albert Hirschman đưa ra mô hình “Tăng trưởng không cân đối – unbalanced growth”([ii]), hàm ý nguồn tiền đầu tư nên tập trung vào những ngành “trọng điểm”. Những ngành này sẽ có mức độ lan toả cao hơn các ngành khác đến nền kinh tế (backward linkage) hoặc những ngành có độ nhạy cao đối với nền kinh tế (forward linkage). Ông cho rằng sự phát triển tốt nhất được tạo ra từ sự mất cân đối.
Thông qua bảng I/O (cân đối liên ngành) của cả dãy năm của ta, có thể thấy những ngành có chỉ số Hirschman lớn nhất là những ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Như vậy nếu những nhóm ngành nông nghiệp ngày càng teo tóp lại thì điều gì sẽ xảy ra? Hiển nhiên, nếu muốn tồn tại những ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp phải nhập khẩu bằng những con đường khác nhau. Đó là chưa kể đến vấn đề an ninh lương thực, an sinh xã hội và những vấn đề khác khi đất nông nghiệp mất đi và ngành nông nghiệp không thể phát triển.
Hiện nay một số ý kiến khi bàn về tái cơ cấu kinh tế vẫn chú trọng vào tỷ trọng ngành trong GDP. Điều này đôi khi dẫn đến những định hướng sai lầm. Ngay nội hàm của chỉ tiêu GDP cũng cần phải xem xét lại. Nhiều người đánh đồng việc tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP. Điều này không hoàn toàn chính xác và còn gây ngộ nhận. Trong GDP bao gồm cả các khoản đầu tư lãng phí, tham nhũng, những công trình mà nhiều khi người ta không biết dùng vào việc gì, ô nhiễm môi trường và huỷ hoại tài nguyên…
Ngoài ra, khi xét đến cấu trúc kinh tế vùng cần dựa trên các nguyên tắc khoa học về vùng. Một trong những phương pháp được nhiều nước tiên tiến sử dụng, đó là phân tích ảnh hưởng liên vùng, để xem xét vùng nào có lợi thế về cái gì. Điều này hoàn toàn khác với ý niệm một chủ trương ở cấp quốc gia được mang rập khuôn cho các tỉnh hoặc vùng như hiện nay.
Mô hình I–O (cân đối liên ngành, liên vùng) được khởi xướng bởi Walter Isard vào năm 1951([iii]), và được Richardson cụ thể hoá. Nó không những mô tả mối quan hệ liên ngành mà còn mô tả mối quan hệ liên vùng thông qua luồng thương mại giữa các vùng và luồng thương mại của các vùng với nước ngoài.
Tại Việt Nam, sử dụng mô hình hai vùng (Đông Nam bộ và phần còn lại của Việt Nam) và 12 ngành, kết quả tính toán([iv]) cho thấy tăng trưởng về sản xuất vùng Đông Nam bộ của hầu hết các ngành được kích thích từ nhu cầu cuối cùng (gồm tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ và xuất khẩu) của vùng khác. Như vậy có thể thấy khi kích cầu một vùng, sẽ có ảnh hưởng không chỉ cho vùng đó mà còn kích thích phát triển sản xuất của vùng khác (hình 1). Nhưng nếu xét về sản xuất (hình 2) thì sản xuất của vùng Đông Nam bộ lan toả mạnh đến vùng khác hơn sự lan toả của sản xuất của các vùng khác đến vùng Đông Nam bộ.

Hình 1: Ảnh hưởng của nhu cầu cuối cùng của một vùng đến vùng khác

Hình 2: Ảnh hưởng của sản xuất của một vùng ảnh hưởng đến vùng khác

Chú thích ký hiệu trên hai hình: đường màu xanh là phần còn lại của Việt Nam; đường màu đỏ là vùng Đông Nam bộ.
Ghi chú: Mô hình hai vùng (Đông Nam bộ và phần còn lại của Việt nam) và 12 ngành gồm: (1) Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, (2) Khai thác, (3) Công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, (4) Công nghiệp chế biến hàng hoá tiêu dùng khác, (5) Máy móc thiết bị, (6) Điện, nước, (7) Xây dựng, (8) Thương mại, (9) Giao thông vận tải bưu điện, (10) Tài chính, dịch vụ kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn, khách sạn nhà hàng…, (11) Quản lý nhà nước, (12) Dịch vụ phục vụ cá nhân cộng đồng.
[i] Leontief W. (1941), The Structure of the American Economy
[ii] Ngược lại là quan điểm về phát triển cân đối của Rosenstein-Rodan, khái niệm này đưa ra nhằm ủng hộ quan điểm “đầu tư nên hướng cùng vào tất cả các ngành”
[iii] Ông đã phát triển từ hệ thống I-O của Leontief.
[iv] Xem Bùi Trinh, Nguyễn Đức Thành “Economy - wide multipliers extended by the inter-regional demographic-economic modeling (IRDEM)” website:http://econpapers.repec.org/paper/dpcwpaper/3008.ht


SGTT - 23/11/2009) [Bùi Trinh - VEPR