Trong số ra ngày đầu tiên của năm 2009, Báo Tuổi Trẻ đã dành toàn bộ trang 2 và 3 cho chùm bài "Năm 2009 của tôi," trong đó phỏng vấn nhiều người ở các lứa tuổi, tổ chức và nghề nghiệp khác nhau. Hai câu hỏi chính được đặt ra là quan điểm của người được hỏi về năm 2009 và dự định của họ trong năm mới. Dưới đây là phần trả lời của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:
Trả lời Tuổi Trẻ về dự báo kinh tế VN 2009, TS. Thành nói:
- Theo tôi, ba yếu tố định hình nên nền kinh tế VN năm 2009: thứ nhất là những biến chuyển của nền kinh tế thế giới; thứ hai là sức khỏe thật sự của khu vực doanh nghiệp nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm vai trò hết sức quan trọng; thứ ba, phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô của Nhà nước. Dĩ nhiên, 2009 sẽ là một năm không dễ chịu đối với kinh tế VN, nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Nếu chúng ta nhìn vấn đề theo cả chuỗi thời gian thì năm 2009 mặc dù có khó khăn nhưng chỉ là sự đi xuống trong cả một chu kỳ kinh tế.
Theo các nhà kinh tế lớn trên thế giới, chu kỳ đó vẫn thường lên xuống như nước thủy triều. Phải xác định được điều này để tránh sự bi quan thái quá trước những trầm lắng của thị trường. Xác định được vấn đề cũng giúp chúng ta tranh thủ trong thời gian này để tái cấu trúc ở cấp độ doanh nghiệp cũng như quản lý và chính sách vĩ mô. Nhìn nhận khó khăn hiện nay trong cả một chu kỳ kinh tế sẽ giúp chúng ta có những chính sách phù hợp, bởi có những chính sách tưởng chừng tốt trong ngắn hạn nhưng lợi bất cập hại về lâu dài, và ngược lại có những chính sách khiến chúng ta phải chịu đau trong ngắn hạn nhưng sẽ đặt nền móng cho phát triển về lâu dài.
* Từ những nhìn nhận về năm 2009 như vậy, anh có kế hoạch gì cho bản thân cũng như cho trung tâm của anh?
- Mục tiêu của CEPR vẫn là thực hiện các nghiên cứu cơ bản và độc lập trong khoa học kinh tế và các vấn đề liên ngành lấy kinh tế học làm trung tâm; phát triển và ứng dụng các phương pháp định lượng trong kinh tế học và phân tích chính sách; cung cấp dịch vụ tư vấn về phân tích chính sách, phân tích kinh tế và tài chính cho các cơ quan chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ đào tạo nâng cao trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và phân tích chính sách. Tôi và các cộng sự của mình vừa hoàn thành một nghiên cứu về “Chính sách kích cầu” (xem tại www.cepr.org.vn), đây là báo cáo đầu tiên của CEPR trong loạt bài nghiên cứu về các chính sách chống suy giảm kinh tế hiện nay ở VN. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những nghiên cứu khác về chính sách tiền tệ, tỉ giá, chính sách đối với các doanh nghiệp, chính sách tiền lương...
Là một trung tâm nghiên cứu không có nguồn tài chính cố định cũng như không có nguồn từ ngân sách, chúng tôi cố gắng xoay xở để đóng góp tiếng nói của mình trong cộng đồng nghiên cứu về kinh tế.