Công bằng mà nói, mặc dù giá điện danh nghĩa đã tăng liên tục từ năm 1994 tới nay, nhưng nhìn chung không tăng kịp với mức lạm phát. Điều này được thể hiện trong biểu đồ
Nhìn vào biểu đồ này, có thể thấy, từ năm 1994 đến nay, giá điện bình quân (đường màu xanh đậm) đã tăng về danh nghĩa từ mức khoảng 500đ/kWh lên đến khoảng 950đ/kWh, tức là gần gấp đôi. Trong khi đó, mức tăng giá tiêu dùng (đường màu đỏ) trong cùng giai đoạn đã tăng khoảng 2,7 lần (giả sử lạm phát của năm 2009 vào khoảng 8%). Kết quả là, kể từ năm 2005 trở lại đây, giá điện có vẻ rẻ đi tương đối so với mặt bằng giá tiêu dùng nói chung (đường màu tím). Đây dường như là lý do để ngành điện lấy làm cơ sở cho nhu cầu tăng giá.
Tuy nhiên, như trong các bài phân tích trước đây, chúng tôi cho rằng, thực ra giá điện (thực tế, tức là đã loại trừ yếu tố lạm phát) vẫn có thể giảm theo thời gian nếu năng suất của ngành điện được cải thiện một cách vững chắc. Nếu ngành điện có thể nâng cao chất lượng quản lý, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thì giá điện danh nghĩa vẫn có thể tăng chậm hơn mức tăng giá chung, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải chạy theo để bù lạm phát. Nhưng các kết quả nghiên cứu về ngành điện hiện còn khá hạn chế, không đủ cho chúng ta biết nhiều về mức cải thiện năng suất của ngành điện trong thời gian qua, nên việc thảo luận về một mức giá hợp lý cho ngành điện thường không có mấy kết quả.
Trở lại với tình huống hiện tại, là giá điện tăng trong bối cảnh nền kinh tế cần có sự kích thích, chúng ta có thể đặt câu hỏi là liệu hành động tăng giá trên là mâu thuẫn hay tương thích với các chính sách hiện thời.
Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nhờ việc tăng giá theo quyết định 21/2009/QĐ-TTg, thì lợi nhuận của EVN sẽ đạt khoảng 4.500 tỉ trong năm 2009, trong đó khoảng 550 tỉ đến từ sự tăng giá. Đồng thời, doanh số của EVN sẽ tăng khoảng 16.000 tỉ, trong đó, 4.800 tỉ đến từ sự tăng giá.
Những tính toán này cho phép chúng ta lồng ghép ảnh hưởng của việc tăng giá điện vào bức tranh kinh tế vĩ mô lúc này.
Ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng giá điện sẽ hút khỏi nền kinh tế khoảng 4.800 tỉ đồng cho tiêu dùng. Vì như trên đã tính toán, việc tăng giá điện khiến nền kinh tế (cả hộ gia đình và cơ sở sản xuất) phải tăng chi tiêu thêm khoảng 4.800 tỉ cho ngành điện. Điều ấy tương đương làm giảm cơ hội chi tiêu cho các sản phẩm khác một khoản tương ứng. Để hiểu quy mô của 4.800 tỉ đối với nền kinh tế, xin lấy một ví dụ như sau. Giả sử Chính phủ muốn kích thích tiêu dùng thông qua giảm thuế, và lựa chọn phương án giảm (chứ không phải giãn) một nửa thuế thu nhập cá nhân cho tất cả đối tượng nộp thuế trong một năm (2009). Vì số thu thuế nhu nhập hiện nay ở nước ta là khoảng hơn 8.000 tỉ, việc giảm thuế như vậy sẽ giải phóng một khoản thu nhập hơn 4.000 ti để kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, do giá điện tăng, một khoản tiền nhiều hơn như vậy (4.800 tỉ) sẽ phải chi trả cho ngành điện, do đó, hoàn toàn trung hoà ảnh hưởng của chính sách kích cầu nêu trên.
Ảnh hưởng thứ hai là việc tăng giá điện sẽ tác động đến chi phí sản xuất. Mặc dù theo quyết định 21, mức tăng giá đối với điện sản xuất có thấp hơn mức điện tiêu dùng, nhưng như một tính toán trước đây của chúng tôi đã chỉ ra, điều này cũng làm giảm GDP một lượng nhất định. Theo dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia, năm 2009 sẽ là năm có tăng trưởng thấp vì chúng ta đang ở vào đáy của một chu kỳ kinh tế. Vì thế, việc tăng giá điện lúc này là tạo ra một đóng góp cùng chiều với sự suy giảm của nền kinh tế.
TS. Nguyễn Đức Thành (CEPR)