Việt Nam sẽ có lợi từ hiệu ứng Wal-Mart, theo đó người tiêu dùng phương Tây chuyển từ những thương hiệu đắt tiền sang hàng giá rẻ, ở lĩnh vực này Việt Nam có thế mạnh.
Nay khi người phương Tây đang bận rộn tiết kiệm tiền, liệu các nền kinh tế châu Á có thể điều chỉnh trong một thế giới khi người Mỹ không còn mặn mà mua hàng của họ nữa?
Chuyên gia kinh tế đang đặt ra câu hỏi liệu nước như Trung Quốc có thể tái định hướng nền kinh tế theo hướng nhu cầu nội địa trở thành động lực tăng trưởng chính.
Kinh tế gia đạt giải Nobel, ông Paul Krugman khi nói đến dự trữ ngoại tệ gần 2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc nên sản xuất ra hàng hoá phục vụ cho chính nhu cầu của họ thay vì cố gắng giành được những hợp đồng không mấy có lợi từ phía Mỹ.”
30 năm qua, Trung Quốc sản xuất ra rất nhiều hàng hoá, chỉ một phần trong số đó dành cho việc cải thiện đời sống của chính người dân Trung Quốc.
Điều tương tự cũng diễn ra tại Nhật, khi kinh tế tăng trưởng ấn tượng thời kỳ hậu chiến, chính phủ nước này chủ yếu ưu tiên xuất khẩu thông qua chính sách đối với đồng nội tệ, thuế và tiêu chuẩn môi trường.
Dù vậy tỷ lệ tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật vẫn ở mức khoảng 55% GDP, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 33% tại Trung Quốc.
Trong khi đó, tiêu dùng người dân chiếm 67% GDP ở thời kỳ người Mỹ tiêu dùng đỉnh cao.
Vậy tại sao tỷ lệ tiêu dùng/GDP của Trung Quốc thấp như vậy và có thể làm được điều gì để giải quyết điều này?
Hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đi xuống trong khi kinh tế nước này vẫn tăng trưởng tốt. Theo ông Paul Krugman, “người Trung Quốc phải dừng lại ở ngân hàng trên đường đến bệnh viện” – họ buộc phải tiết kiệm tiền thay cho tiêu dùng.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thông báo kế hoạch xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, cụ thể 124 tỷ USD được dành cho các chương trình bảo hiểm y tế và mở rộng các phòng khám.
Tuy nhiên theo ông Huang, một chuyên gia kinh tế tại Trung Quốc, việc cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội sẽ chỉ có ảnh hưởng nhất định đối với tiêu dùng. Ông chỉ ra nguyên nhân việc tiêu dùng Trung Quốc vẫn ở mức thấp do thu nhập người dân khu vực nông thôn giảm. 700 triệu người Trung Quốc hiện sống ở khu vực nông thôn.
Theo ông Huang, ngân hàng chịu sự kiểm soát của nhà nước đã dành nhiều tiền cho các doanh nghiệp nhà nước vay nhưng lại bỏ qua doanh nghiệp ở nông thôn dù nhóm doanh nghiệp này đóng góp chủ đạo trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống nông thôn thập niên 1980.
Ông kêu gọi nâng cao thu nhập khu vực nông thôn bằng việc mở rộng chương trình tài chính vi mô, bỏ đi hệ thống đăng ký nhân khẩu tại các thành phố cho đến nay đã ngăn những người nhập cư không được tiếp cận với chương trình bảo hiểm y tế, ngoài ra Trung Quốc cũng nên đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Andy Rothman, chuyên gia kinh tế của CLSA tại Thượng Hải, cho rằng quy mô kinh tế của Trung Quốc có đủ khả năng tạo ra nhu cầu nội địa lớn. Ông viện dẫn đến việc doanh số bán lẻ tăng 16%/năm nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với việc mua hàng điện tử và hàng tiêu dùng bền.
Theo ông Rothman, vai trò của xuất khẩu đã bị thổi phồng, xuất khẩu ròng chỉ chiếm 2% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây. Ngay cả nếu xuất khẩu không tăng trưởng tốt, ông tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn có thể tăng trưởng bằng hoăc hơn 8%.
Xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây không có nhiều biến động. Trong khi xuất khẩu Singapore và Đài Loan giảm 30% đến 40%, xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chỉ giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2008.
Tháng 4/2009, khu cảng tại thành phố Hồ Chí Minh trở nên hết sức đông đúc. Chuyên gia kinh tế học Jonathan Pincus nhận xét: “Họ không sản xuất i-Pod và máy tính xách tay, họ sản xuất giầy và áo thun.”
Ông Paul Krugman cho rằng những nước như Việt Nam không đủ để ảnh hưởng đến sự bất ổn của toàn cầu. Những nước như Trung Quốc hay Nhật đã bắt đầu có thặng dư tài khoản vãng lai lớn từ khoảng năm 2002.
6 năm qua, nguồn dự trữ USD đã tăng lên rất cao, điều này có thể lặp lại.
Các chuyên gia kinh tế tin rằng Việt Nam sẽ có lợi từ hiệu ứng Wal-Mart, theo đó người tiêu dùng phương Tây chuyển từ những thương hiệu đắt tiền sang hàng giá rẻ, ở lĩnh vực này Việt Nam có thế mạnh.