Trang Nghiên cứu
 
GS. Tom Canon: Việt Nam cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu

GS. Tom Cannon. Ảnh: Nguyễn Duy
Ngày 28/7/2009, Giáo sư Tom Canon, một trong những nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu thế giới chuyên gia của ĐH Liverpool (Anh) đã có buổi họp báo tại Việt Nam. Ông đã trao đổi với báo giới các vấn đề xung quanh cơ hội cho Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế hậu khủng hoảng.


- PV: Mới đây, Ngân hàng ADB có ra thông báo kinh tế Đông Á đang phục hồi hình chữ V, vậy quan điểm của ông như thế nào? Cụ thể là với Việt Nam, suy thoái kinh tế đã đến đáy vào năm 2009 và phục hồi năm 2010?
- GS Tom Canon: Tôi cho rằng, kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ khó phục hồi trong vòng 2-3 năm tới, còn Việt Nam sẽ khôi phục kinh tế trong vòng 12 tháng nữa. Có 3 lý do khiến tôi tin kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi: Một là, hệ thống ngân hàng và cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam khác châu Âu và Bắc Mỹ. Người dân Bắc Mỹ và châu Âu có văn hóa vay tiền để tiêu, còn người Việt Nam thì ngược lại. Hai là, lực lượng lao động ở Việt Nam rất hấp dẫn. Ba là, Chính phủ Việt Nam có 4 điểm tốt tập trung: sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, phát triển bền vững và chiến lược.
- PV: Theo ông, để tận dụng sự thay đổi của toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, Việt Nam cần làm gì?
- GS Tom Canon: Với xuất khẩu, chúng ta có thể nghĩ đến việc đa dạng hóa các mặt hàng. Ví dụ, với thị trường Bắc Mỹ, Việt Nam không phải chỉ nghĩ đến những thực phẩm truyền thống. Sự thay đổi sản phẩm cho các thị trường như vậy có thể giúp thu lợi nhiều hơn, kể cả khi kinh tế đang đi xuống. Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục và trường đại học để sinh viên các trường này có thể trở thành các doanh nhân. Ngoài ra, Chính phủ và các ngân hàng nên hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp trẻ vì những doanh nhân trẻ này luôn gặp khó khăn hơn.
- PV: Ông nói nhiều về cơ hội xuất khẩu của hàng Việt Nam vào thị trường Bắc Mỹ nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam (như cá basa) đang vấp phải những hàng rào kỹ thuật. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các “hàng rào” này thế nào?
- GS Tom Canon: Thị trường châu Âu đang xóa dần các rào cản về nhập khẩu từ các thị trường châu á cũng như từ Việt Nam. Chính phủ Anh đã tạo sức ép với cộng đồng châu Âu trong việc giảm bớt các hàng rào đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ châu á. Ví dụ, Việt Nam có thể nghĩ đến việc mở rộng sản xuất, đầu tư vào các thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu vào các thị trường này. Đó là những yếu tố giúp Việt Nam xâm nhập vào các thị trường này một cách dễ dàng hơn.
- PV: Người Việt Nam có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nếu ông là một doanh nhân, chủ một doanh nghiệp ở Việt Nam không có nhiều tiền nhưng vẫn buộc phải tồn tại, ông sẽ chọn 3 việc gì để làm trước mắt và 3 việc gì để tồn tại.
- GS Tom Canon: Khi doanh nghiệp không có nhiều nguồn vốn như vậy thì hãy nên nghĩ tới các khoản tín dụng dài hạn của Chính phủ. Chính phủ cũng cần có can thiệp với hệ thống ngân hàng để các khoản vay dài hạn này đảm bảo hơn. Bên cạnh đó là quan tâm đến các công viên khoa học, nơi cung cấp các nguồn trí tuệ cho doanh nghiệp. Tôi có thể nói 3 yếu tố về lực lượng lao động của Việt Nam.
Đó là có kỹ năng cao, làm việc chăm chỉ nhưng Việt Nam cần có nhiều người tốt nghiệp đại học hơn. Đây sẽ là lực lượng kéo nền kinh tế đi lên trong tương lai. Vừa rồi tôi có đọc chiến lược phát triển của một số nước. ở Thái Lan họ dự tính sẽ có những trường đại học thuộc nhóm 20 trên thế giới trong vòng 10 năm tới.
- PV: Các chuyên gia kinh tế cảnh báo năm 2009, các chỉ số kinh tế Việt Nam có thể tương đối “đẹp” nhưng năm 2010 sẽ phải đối mặt khó khăn nhiều hơn. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- GS Tom Canon: Như tôi đã nói, tôi tin kinh tế Việt Nam đã qua đáy suy thoái. Năm 2010 và tương lai sẽ là thời kỳ phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai cũng như năm 2010 thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn.


Theo Hà Linh (ANTĐ)