Trang Nghiên cứu
 
“Vietnam M&A Review”: Ấn phẩm thường niên về M&A tại Việt Nam

Trên thế giới, sáp nhập và mua lại (M&A) là một hoạt động phổ biến trong kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư; hàng năm giá trị giao dịch M&A theo số liệu thống kê của Thomson Reuters đạt mức trên 3.000 tỷ USD.


Tại Việt Nam, khái niệm M&A dần  được biết đến nhiều hơn với các thương vụ M&A hoặc mang tính chất M&A đầu tiên như kem đánh răng Dạ Lan được bán cho PG, Kinh đô mua lại kem Walls của Unilever, Pacific Airlines bán cổ phần cho Qantas, Bảo hiểm Dai-ichi mua lại Bảo Minh CMG…

Trong vòng 10 năm qua, giá trị M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng trên 150 lần, từ mức khoảng 30 triệu USD năm 2002 đến 4,7 tỷ USD năm 2011. Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao, lần lượt là 65% và 135%, với sự xuất hiện của hàng loạt thương vụ M&A tầm cỡ. Xu hướng này cũng phán ảnh sự dần phục hồi của nền kinh tế  và các điều kiện tốt để các doanh nghiệp có thể tiến hành tái cấu trúc, phát hành cổ  phần thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Những thách thức và các cơ hội đòi hỏi các doanh nhân và các nhà quản lý phải có được kiến thức vững chắc, am hiểu những rủi ro và những lợi ích của thương vụ M&A, và trên cơ sở đó tiến tới thực hiện được những thương vụ thành công.

Ý tưởng hình thành và xây dựng một chương trình nghiên cứu và đánh giá thường niên và xuất bản ấn phẩm "Vietnam M&A Review" bắt đầu từ hơn 3 năm trước xuất phát từ bối cảnh trong nước chưa có một chương trình hay công trình xuất bản nào tương tự. Theo đó, chương trình dự kiến nghiên cứu, tập hợp và phân tích bức tranh tổng quan M&A tại Việt Nam và những đặc điểm chính, cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm, phân tích, bình luận và nhận định riêng qua các thương vụ tiêu biểu cụ thể. Mục tiêu là cung cấp các kiến thức, thông tin và bài học kinh nghiệm cho quý độc giả, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức/cá nhân những thông tin, những phân tích toàn diện nhất về hoạt động M&A trong năm và dự báo diễn biến trong các năm tiếp theo.

Với sự cộng tác của Diễn đàn M&A Vietnam, ấn phẩm “Vietnam M&A Review” đã ra đời. Chủ đề năm 2011-2012 của ấn phẩm tập trung vào nội dung “Đi tìm giá trị cộng hưởng”. Vấn đề làm thế nào để tạo giá trị cộng hưởng thông qua các thương vụ M&A là một  câu hỏi được quan tâm của các nhà nhà lãnh đạo quốc tế. Các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp Việt Nam cũng đang trăn trở với vấn đề này này. Đạt được điều này không dễ khi các con số thống kê cho rằng đến 65% các thương vụ trên thế giới là không tạo ra giá trị cho cổ đông. Ấn phẩm Vietnam M&A Review 2011 - 2012 bao gồm 3 phần: Phần 1 - Toàn cảnh M&A trong khu vực và Việt Nam; Phần 2 - Giá trị cộng hưởng; và Phần 3 - Phân tích giá trị cộng hưởng trong các thương vụ M&A tiêu biểu ở Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có kế hoạch triển khai chương trình nghiên cứu, đánh giá và xuất bản thường niên ấn phẩm này. Theo đó, hàng năm, chương trình sẽ tiến hành báo cáo tổng kết hoạt động sáp nhập và mua lại  tại Việt Nam, điểm lại yếu tố vĩ mô, các điều kiện về môi trường tác động lên giao dịch M&A, xem xét lại tình hình hoạt động M&A, và đánh giá xu thế, triển vọng của hoạt động M&A trong năm tiếp theo.
Ấn phẩm cũng sẽ vượt trên một Báo cáo thường niên qua việc bổ sung phân tích sâu các khía cạnh/ chủ đề cụ thể liên quan đến M&A và đặc biệt là việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá các thương vụ tiêu biểu trong năm.

Xem bài gốc >>  


Anh Vũ (baodautu.vn)