Sau 3/4 chặng đường của năm 2012, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực của nền kinh tế Việt Nam (VN). Nhưng nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô của VN năm 2012 sút kém rõ rệt so với 2011 và những năm trước.
Thông tin trên được đưa ra tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu - kinh tế VN 2012, triển vọng 2013: đổi mới phân cấp trong cải cách thể chế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học Xã hội VN, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức.
Ám ảnh hàng tồn kho, nợ xấu
Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khơi gợi: “Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật. Trong tình hình mới hiện nay, chúng ta nên đưa mục tiêu nào lên hàng đầu: tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô, hay song song thực hiện cả hai? Vấn đề an sinh xã hội, bức xúc xã hội xử lý như thế nào?”. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc sau khi tốc độ tăng trưởng quý 1 rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc giảm mạnh nhập siêu đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại, đó là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế bị suy giảm quá mạnh.
Theo TS. Trần Du Lịch, hàng tồn kho, giống như nợ xấu, được coi là một “cục máu đông”, rất nguy hại cho lưu thông kinh tế. Ôm một khối lượng lớn hàng tồn kho, doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó nợ xấu gia tăng. Năm 2012, tồn kho lớn kéo dài đang là yếu tố chính làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phá sản hoặc đóng cửa. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm rõ rệt là một ví dụ, trong khi đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung, là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
TS. Trần Đình Thiên cho rằng với một nền kinh tế đang “ốm yếu”, việc dư nợ tín dụng qua tám tháng đầu năm chỉ tăng 1,4% cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra (không thể hấp thụ nổi vốn dù đang rất khát vốn). Tính bất thường này còn thể hiện rõ hơn qua sự kiện là đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ đạt mức “âm”. Hoạt động cho vay mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7 và tháng 8 nhưng rất yếu ớt. Nghĩa là quá trình “lưu thông máu” cho một cơ thể đang bị ốm đã bị đình trệ hầu như hoàn toàn suốt nửa năm. Một nền kinh tế cần vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn thật sự là một nguy cơ đe dọa.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế VN trong năm 2012 đã bùng nổ những vấn đề lớn liên quan đến đất đai, doanh nghiệp nhà nước, rủi ro của hệ thống ngân hàng. Việc điều hành chính sách kinh tế của VN những tháng đầu năm tuy có những dấu hiệu “đáng cổ động” nhưng chưa có gì nổi bật và chứa đựng rủi ro vì “động đến các nhóm lợi ích”. Do đó theo ông Thiên, “tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, phải chuyển hướng cách nhìn, cách tư duy”.
Ông Trần Đình Thiên (trái), Viện trưởng Viện Kinh tế VN, và GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế VN, trao đổi bên lề diễn đàn
Cứu doanh nghiệp để phát triển kinh tế
Các chuyên gia nhận định năm 2013 sẽ là năm tiếp tục “vất vả” về kinh tế nhưng cũng có cơ hội lớn cho sự chuyển hướng kinh tế. Theo TS. Trần Du Lịch, khi sức khỏe của nền kinh tế - cả của khu vực doanh nghiệp lẫn của khu vực nhà nước - bị suy giảm mạnh thì nỗ lực kích cầu nhằm giải tỏa đống hàng tồn kho, từ đó vực dậy nền kinh tế thật sự là một bài toán khó, một thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu nêu lên thực trạng nợ xấu của nền kinh tế VN hiện nay, theo cách gọi của ông Thiên, là những “cục máu đông” với hơn 202.000 tỉ đồng nợ xấu, hàng tồn kho lớn, trong đó nhiều nhất là bất động sản. Dẫn số liệu cả nước có khoảng 70.000 căn hộ bị ế, ông Thiên tính toán: nếu mỗi căn hộ khoảng 2 tỉ đồng thì đã có 140.000 tỉ đồng bị “chôn” tại đây. “Vì hàng tồn kho nên doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó nợ xấu gia tăng. Phải mất bảy năm may ra mới xử lý được những “cục máu đông này” - ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng thực trạng này là hệ quả của việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế vừa qua, doanh nghiệp lớn vừa là tội đồ vừa là nạn nhân, còn doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn là nạn nhân. Để cứu cả nền kinh tế, những doanh nghiệp lớn đầu tư sai lầm phải chết hoặc phải hi sinh quyền lợi của họ nhiều hơn nữa.
Về giải pháp cho nền kinh tế trong năm 2013 và những năm sắp tới, ông Trần Đình Thiên khẳng định phải giải tỏa các “cục máu đông”, phải xác định Nhà nước có bao nhiêu lực, khu vực tư nhân có thể làm gì. Để cứu hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang khó khăn, có nguy cơ phá sản, ông Thiên kiến nghị chính quyền các cấp trả ngay cho doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp.
TS. Trần Du Lịch cho biết điều quan trọng là làm sao bơm được tín dụng cho khối doanh nghiệp sản xuất đang cần vốn có năng lực sản xuất, đang có thị trường tiêu thụ. Nên mạnh dạn cho các doanh nghiệp có hàng tồn kho nhưng nhất thời lâm vào tình trạng nợ xấu được khoanh nợ, vay vốn mới để kinh doanh lấy lãi trả nợ cũ.
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản “ẩn”
Theo TS. Trần Đình Thiên, nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nó hình thành một cái “bẫy sụp đổ” mà nhiều doanh nghiệp không thể thoát ra. Chỉ trong năm 2011 và tám tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp phá sản và đóng cửa tăng vọt. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư, năm 2011 có 53.000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản; tám tháng đầu năm 2012 con số đó là 35.500, cộng cả hai năm chiếm đến hơn 40% tổng số doanh nghiệp đóng cửa kể từ khi đổi mới đến nay.
Tuy nhiên theo ông Thiên, các con số này, dù rất ảm đạm, vẫn chưa biểu thị hết mức độ khó khăn của các doanh nghiệp trong bức tranh kinh tế hiện nay. Chúng chưa tính đến một khía cạnh quan trọng khác của tình hình: số doanh nghiệp còn lại (chưa đóng cửa) đã và đang phải thu hẹp bao nhiêu công suất hoạt động và cắt giảm bao nhiêu việc làm? Mất việc làm nhiều dẫn tới sụt giảm thu nhập, kéo theo đó tổng cầu sẽ bị giảm lớn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội): Chuẩn bị điều kiện để tái cấu trúc
Có hai nhiệm vụ quan trọng trong những tháng còn lại của năm 2012, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, bởi những tháng qua nền kinh tế có một số dấu hiệu ổn định nhưng nhìn dài hạn khó có thể chắc chắn khi lạm phát trồi sụt thất thường. Nhiệm vụ thứ hai là chuẩn bị các điều kiện để tái cấu trúc nền kinh tế. Cả tư tưởng và quan điểm, thể chế và bộ máy, các nguồn lực để tái cấu trúc chưa được rõ ràng mới có đề án nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa thống nhất. Không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ không có bước ngoặt trong phát triển vì giải quyết được vấn đề tư duy thì các vấn đề khác chỉ là vấn đề kỹ thuật, chỉ cần thời gian là giải quyết được.
|