Ban biên tập Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh - Tạp chí Khoa học ĐHQGHN quy định các cấu phần nội dung, trình bày kỹ thuật và chính sách phản biện một bài báo khoa học như sau:
I. QUY ĐỊNH VỀ CÁC CẤU PHẦN NỘI DUNG BÀI BÁO KHOA HỌC
Bài viết gửi đăng phải là bài viết nguyên thủy, chưa từng được công bố trước đó. Bài viết có thể sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt (dùng cho ấn bản tiếng Việt) hoặc tiếng Anh (dùng cho ấn bản tiếng Anh), nội dung có độ dài từ 10-12 trang khổ A4 (font chữ Times New Roman, size 11) với các cấu phần chính như sau:
1. Tựa bài (Title): Tựa bài thường từ 10-15 từ, phản ánh trực diện nội dung của bài viết. Tựa bài phải viết chữ in hoa, chữ đậm, căn giữa trang.
2. Tên tác giả, học hàm học vị, tên và địa chỉ cơ quan làm việc. Cuối chân trang nhất ghi chú đầy đủ thông tin về e-mail và số điện thoại của tác giả liên hệ.
3. Tóm tắt (Abstract): Có độ dài từ 170-200 từ, bao gồm 4 thành phần quan trọng xác định nội dung bài viết: mục đích của bài viết, phương pháp nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu, dữ liệu, phương pháp phân tích) và kết luận chính của tác giả. Mỗi bài viết bao gồm cả tóm tắt tiếng Việt và tóm tắt tiếng Anh.
4. Từ khóa (Key words): Gồm 5-6 từ khóa của bài viết, liệt kê theo thứ tự Alphabet.
5. Mở đầu (Introduction): Giới thiệu bối cảnh và vấn đề nghiên cứu, các kết quả liên quan đã công bố trước đó, các giả thuyết hoặc mục đích nghiên cứu
6. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu (Materials and Methods): Mục này còn được gọi là Dữ liệu thử nghiệm (Experimental details) hay Cơ sở lý thuyết (Theoretical basis). Tác giả bài viết trình bày các dữ liệu thu thập được và phương pháp nghiên cứu thông qua trả lời các câu hỏi sau: (1) Dữ liệu nào đã sử dụng? (2) Chúng được sử dụng như thế nào? (3) Địa điểm và thời gian hoàn thành thử nghiệm?
7. Kết quả nghiên cứu (Results): Tóm tắt các kết quả thử nghiệm và không đề cập đến ý nghĩa của chúng. Dữ liệu được trình bày theo mô hình, bảng biểu, đồ thị hình vẽ, hình ảnh, v.v… Chú ý, những dữ liệu đã ghi theo bảng biểu thì không trình bày lại theo hình vẽ hay biểu đồ.
8. Thảo luận (Discussion): Mục này nhằm (1) Diễn giải phân tích kết quả, những ưu điểm và hạn chế, tách bạch rõ ràng dữ liệu và suy luận, (2) Mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó. Điều này cho thấy đóng góp của tác giả bổ sung cho lý thuyết và kiến thức, hay điều chỉnh những sai sót của các đề tài nghiên cứu trước đó.
9. Đề xuất và gợi ý chính sách (Policy Implications): Đề xuất hoặc đưa ra khuyến nghị chính sách từ kết quả nghiên cứu.
10. Kết luận: Rút ra ý nghĩa của kết quả thu được và nêu ra những triển vọng nghiên cứu về sau.
11. Tài liệu tham khảo (References): Liệt kê tất cả tài liệu đã trích dẫn trong bài viết. Cách trình bày theo thứ tự A,B,C...: Tên tác giả (năm xuất bản), tác phẩm, nơi xuất bản, số trang (Xem hướng dẫn cụ thể trong bài “Quy định về trình bày tài liệu trích dẫn và tài liệu tham khảo”).
II. QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH BÀY KỸ THUẬT
1. Đánh số đề mục
Trong phần nội dung chính của bài viết, các đề mục lớn phải là chữ đậm, căn trái và được đánh số liên tục theo chữ số Ả-rập. Các tiểu mục cấp 1 (ví dụ: 1.1) là chữ đậm, in nghiêng và các tiểu mục cấp 2 (ví dụ: 1.1.1) là chữ in nghiêng nhưng không đậm. Tất cả các trang bài phải được đánh số trang liên tục.
2. Bảng biểu, hình vẽ, biểu đồ
Các bảng biểu, hình vẽ, biểu đồ trong bài viết phải được đánh số thứ tự liên tục bằng chữ số Ả-rập, có tên tương ứng mô tả chính xác nội dung và phải trích nguồn dẫn. Số thứ tự và tên bảng biểu được đặt trên bảng biểu, còn số thứ tự và tên hình vẽ, biểu đồ được đặt dưới hình vẽ. Riêng biểu đồ trình bày dưới dạng gốc, các cột sử dụng màu đen trắng hoặc ký hiệu, không chuyển dạng ảnh (picture).
3. Tài liệu trích dẫn, tài liệu tham khảo
Chuyên san áp dụng tiêu chuẩn Harvard đối với việc trình bày tài liệu trích dẫn và tài liệu tham khảo. Trích dẫn tài liệu tham khảo được chia làm 2 dạng chính: trích dẫn trong bài (in-text reference) và danh sách tài liệu tham khảo (reference list). Danh sách tài liệu tham khảo được đặt cuối bài viết, mỗi trích dẫn trong bài viết phải tương ứng với danh mục nguồn tài liệu được liệt kê trong danh sách tài liệu tham khảo. (Xem cụ thể trong mục “Quy định về trình bày tài liệu trích dẫn và tài liệu tham khảo trong bài báo khoa học”).
4. Cụm từ viết tắt, chữ viết hoa, định dạng ngày tháng, định dạng con số, ghi chú
4.1. Viết tắt
Các cụm từ được viết tắt là các từ được sử dụng nhiều lần trong bài viết. Các từ viết tắt chỉ được sử dụng sau khi chúng được tác giả giới thiệu sau cụm từ đầy đủ ở lần xuất hiện đầu tiên trong bài viết. Ví dụ: Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Đối với các đơn vị đo lường thông dụng thì được sử dụng ngay mà không cần phải có sự giới thiệu khi chúng xuất hiện lần đầu (như: km, cm,…)
4.2. Chữ viết hoa
Các trường hợp điển hình bao gồm: Tên các cơ quan tổ chức; tên các cá nhân; tên các tổ chức hay thể chế được dùng trong cụm từ mà nó có vai trò là tính từ bổ nghĩa thì không viết hoa (Ví dụ: Kinh tế nhà nước).
4.3. Định dạng ngày tháng
- Định dạng ngày tháng tiếng Việt: ngày/tháng/năm
- Định dạng ngày tháng tiếng Anh: tháng, ngày năm (vd: October, 3rd 2010)
4.4.4. Định dạng con số
Định dạng con số trong tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho nhóm dãy số thập phân; dấu chấm (.) biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăm hàng nghìn…
Định dạng con số trong tiếng Anh: ngược lại với tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăm hàng nghìn…; dấu chấm (.) biểu trưng cho cho nhóm dãy số thập phân.
4.5. Chú thích
Chú thích đặt ngay dưới chân trang của số đánh chú thích trong nội dung bài viết, mỗi chú thích được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3…). Các chú thích phải ngắn gọn, chỉ bao hàm các thông tin bổ sung cần thiết.
III. CHÍNH SÁCH PHẢN BIỆN
Các bài báo khoa học được thẩm định về nội dung, chất lượng và hình thức trình bày bởi Hội đồng Biên tập Chuyên san và các chuyên gia, nhà khoa học được mời. Khi có ý kiến của chuyên gia yêu cầu tác giả sửa chữa, bổ sung, Chuyên san sẽ gửi lại tác giả bài báo để chỉnh sửa. Khi có sự phê duyệt của chuyên gia thẩm định và Tổng Biên tập, bài báo sẽ được đăng trên Chuyên san.
IV. CHÍNH SÁCH NHUẬN BÚT
Thực hiện theo quy định của Tạp chí Khoa học ĐHQGHN và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Thư và bài viết gửi theo địa chỉ:
Bộ phận Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Phòng 703, Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (04) 7547506 + số lẻ 713, 703
E-mail: tckh_kt@vnu.edu.vn hoặc anntt@vnu.edu.vn
Ban Biên tập Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN