Trang Nghiên cứu
 
Tuyển sinh 2019, ĐHKT có tổng chỉ tiêu lên đến 1.825

Con số này được công bố tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN ngày 22/1/2019.


1.825 là tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học và sau đại học, trong đó có 1.200 chỉ tiêu đào tạo đại học, 100 chỉ tiêu bằng kép, 500 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và 25 chỉ tiêu nghiên cứu sinh. So với năm học trước, quy mô tuyển sinh của ĐHKT đã tăng từ 950 lên 1.200, trong đó trọng tâm vẫn là hệ chất lượng cao.

TS. Phạm Minh Tuấn trình bày Báo cáo tổng kết năm 2018 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2019

Trong năm học tới, ĐHKT dự kiến sẽ mở mới hai khoa là Kinh tế Dịch vụ và Kinh tế Tài nguyên, đây sẽ là hai ngành đào tạo rất “hot” trong thời gian tới mà Trường ĐHKT sẽ đi tiên phong đào tạo. Theo Hiệu trưởng Trường ĐHKT PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, trong thời gian tới trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi hai ngành Kinh tế và Kinh tế Phát triển sang hệ chất lượng cao để toàn trường có chung một chuẩn đầu ra theo Thông tư 23 của Bộ Giáo dục & Đào tạo và sẽ dựa vào nhu cầu xã hội để tăng dần quy mô tuyển sinh qua các năm.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chủ trì Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHKT đánh giá cao hoạt động của tổ 24/7 - tổ chăm sóc người học do PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân, Phó hiệu trưởng làm Trưởng ban. Tổ có đường dây nóng, có email trưởng ban, có thông tin liên lạc chi tiết cán bộ giải quyết các vấn đề học đường, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi. Đồng thời tổ 24/7 cũng là kênh liên lạc, kết nối giữa người học và Nhà trường, là nơi thể hiện tâm tư nguyện vọng của người học tới Ban Giám hiệu, từ đó để Nhà trường và người học gần gũi, thấu hiểu nhau hơn.

Từ lúc đi vào hoạt động tổ 24/7 đã tiếp nhận khá nhiều cuộc gọi từ sinh viên, phản ánh một số vấn đề trên giảng đường, trong suốt thời gian đó chưa có vấn đề gì kéo dài quá một ngày mà chưa được xử lý. Theo báo cáo thu thập phản hồi của sinh viên, hầu hết sinh viên đều hài lòng về cách phục vụ và giải quyết thắc mắc nhanh chóng của cán bộ Nhà trường, tạo sự đồng thuận trong phối hợp giữa Nhà trường và người học.

Tại hội nghị, PGS.TS Lê Danh Tốn - giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị nói: Tôi đã gắn bó với ĐHKT từ khi mới chỉ là khoa và chưa bao giờ chứng kiến sự phát triển đột phá của Trường như bây giờ. Tuyển sinh tăng gấp nhiều lần, chất lượng sinh viên, học viên ở mức cao, công bố quốc tế đứng hàng đầu, hội thảo quốc tế, quốc gia liên tục được tổ chức và đời sống cán bộ, giảng viên cũng phong phú và đầy đủ hơn. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới ĐHKT sẽ tiếp tục phát triển bền vững cả về chất và lượng, cả về đào tạo lẫn nghiên cứu để định hình được trên bản đồ các trường đại học hàng đầu Châu Á.

PGS.TS Lê Danh Tốn cho rằng ĐHKT đang phát triển mạnh mẽ
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị cũng ghi nhận những thành tựu đã đạt được và vấn đề còn hạn chế trong năm 2018 vừa qua qua phần Báo cáo của TS. Phạm Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng. Qua đó, Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển mà Đảng ủy ĐHKT đã thông qua, đặc biệt là đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục trên tất cả mọi phương diện, bậc học.

Tổng kết Hội nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHKT PGS.TS Nguyễn Trúc Lê mong muốn toàn thể cán bộ, giảng viên Nhà trường hãy cùng nhau sát cánh, đoàn kết và sáng tạo để thực hiện thành công kế hoạch nhiệm vụ đã đề ra. Ông nhấn mạnh, chỉ có đoàn kết mới tạo ra được sức mạnh tổng lực, ai cũng phải coi ĐHKT là một mái nhà chung và đặt sự cống hiến lên hàng đầu thì nhất định ĐHKT sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững, mang đậm chất nhân văn.



Văn Công