Trang Nghiên cứu
 
Đạo đức học thuật trong KHXH&NV và những khoảng trống

Đằng sau hiện tượng đạo văn trong Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là những khoảng trống về đạo đức học thuật, cụ thể là các quy định và thực hành đạo đức học thuật còn đang có những khiếm khuyết.




Bản đồ đạo văn. Việt Nam ở mức độ 15% (qua dữ liệu của arXiv). Nguồn: Fastcompany.

Chúng ta dễ dàng tìm ra thông tin về một số vụ đạo văn trong KHXH&NV gần đây ở nhiều cấp độ khác nhau. Các vụ việc đều thu hút sự quan tâm của không chỉ giới học thuật, mà còn là tâm điểm của báo chí, công luận. Chưa có một nghiên cứu tổng thể, quy mô nào về tình trạng đạo văn hay sự vi phạm tính liêm chính học thuật nói chung trong KHXH&NV ở Việt Nam, nhưng sự hiện diện công khai của những “chợ luận văn”, “chợ luận án”, “chợ giáo án” trên mạng, những trường hợp mắc lỗi đạo văn xảy ra không chỉ ở sinh viên, nghiên cứu sinh, mà còn ở các nghiên cứu viên hay cả những cá nhân từng được đánh giá là có tiếng nói trong giới học thuật cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này.

Câu chuyện đạo văn không chỉ có “mình ta ta biết” mà còn bị giới học thuật quốc tế “điểm huyệt”. Bài viết “Một bản đồ đạo văn khoa học vòng quanh thế giới”1 vào năm 2014 trên tờ Fastcompany đã trình bày một bản đồ thể hiện tần suất đạo văn của các nước trên thế giới qua khảo sát của Science từ những bài công bố quốc tế nộp qua cổng arXiv.org. Và màu sắc của Việt Nam trong bản đồ này là đỏ đậm - tức là tần suất đạo văn của các tác giả Việt Nam qua những bài công bố quốc tế được nộp qua cổng arXiv vào khoảng 15% (mức cao nhất của bản đồ này là 20%). Việt Nam dường như là một điểm nóng của tình trạng đạo văn so với các nước khác.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số phản ánh bề nổi của tảng băng chìm. Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân từ gốc rễ của vấn đề.

Liêm chính học thuật: Chưa có quy định đầy đủ và “lạc điệu”

Thực tế, tuy đạo văn là một trong những lỗi vi phạm nghiêm trọng nhất đối với tính liêm chính học thuật (scientific intergrity) nhưng không phải là lỗi duy nhất ảnh hưởng tới tính liêm chính của nền học thuật KHXH nói riêng hay học giới Việt Nam nói chung. Nhìn toàn diện hơn, các hành vi vi phạm tính liêm chính học thuật còn bao gồm gian lận, giúp người khác vi phạm, bịa đặt, làm sai lệch thông tin... và tính liêm chính học thuật là cách hành xử ngay thẳng và trong sạch trong học thuật thì lại chưa hề được quy định rõ ràng, có hướng dẫn và được thực hành thường xuyên, một cách có hệ thống ở Việt Nam. “Các yêu cầu về liêm chính học thuật chưa được pháp điển hóa và phổ biến đầy đủ”, như nhận định của PGS.TS Vũ Công Giao, chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật ĐHQG tại Hội thảo “Đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV Việt Nam: Những cách tiếp cận và khả năng triển khai”, do ĐH KHXH&NV Hà Nội tổ chức ngày 29/12/2018. Cụ thể, ông cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo, là cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này chưa ban hành một văn bản pháp luật nào cụ thể về liêm chính học thuật. Duy nhất trong quy chế đào tạo sau đại học, thì liêm chính học thuật chỉ là một nội dung rất nhỏ trong đó (trong khi đó nhiều nước có quy chế riêng).

Còn hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu mới chỉ đề cập đến liêm chính học thuật trong một số điều khoản của quy chế đào tạo mà chưa có văn bản riêng đi cùng với hướng dẫn thực hiện chặt chẽ. Những trường lớn như ĐHQG Hà Nội hay ĐHQG TP Hồ Chí Minh có một số hướng dẫn về phòng chống đạo văn, cách trích dẫn, chống sao chép... tuy nhiên những hướng dẫn đó còn một khoảng cách khá xa so với những quy định về liêm chính học thuật trong nghiên cứu mà các nước phát triển đề cập. Chỉ có một số trường như Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Hoa Sen, Đại học Duy Tân đã ban hành quy tắc riêng về đạo văn, liêm chính học thuật cũng như sử dụng phần mềm chống đạo văn (phổ biến như Turnitin hay iThenticate) để kiểm tra. Rõ ràng, việc thiếu các quy định pháp luật của nhà nước cho tới các hướng dẫn cụ thể từ các cơ sở khoa học và giáo dục như vậy gây khó khăn cho việc ngăn ngừa và xử lý vi phạm.


Đạo văn là lỗi quan trọng nhưn không phải điều đáng quan tâm duy nhất khi nói tới đạo đức học thuật. Ảnh: Internet.

Ở các cơ sở đào tạo, việc phổ biến các nguyên tắc liêm chính học thuật thường được lồng ghép vào môn phương pháp nghiên cứu khoa học. Nhưng theo PGS.TS Vũ Công giao, môn này thường chỉ bắt buộc giảng dạy ở cấp thạc sĩ và tiến sĩ, còn ở cấp cử nhân, sinh viên không biết về các nguyên tắc liêm chính học thuật. Hơn nữa, môn này tuy bắt buộc giảng dạy bậc thạc sĩ và tiến sĩ nhưng cũng nặng về lý thuyết, ít bài tập thực hành. “Nếu theo cách dạy và học như vậy, thì không thể nào có liêm chính học thuật tốt được. Nhìn chung, những hạn chế trong việc pháp điển hóa và giảng dạy liêm chính học thuật dẫn tới hậu quả là hầu hết sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên (thậm chí nhiều nhà khoa học trong các hội đồng thẩm định) đều chưa hiểu biết đầy đủ và chính xác về các yêu cầu, nguyên tắc của liêm chính học thuật, kể cả những yêu cầu cơ bản như trích dẫn tài liệu tham khảo”, PGS.TS Vũ Công Giao nói.

Hướng tới một văn hóa coi trọng đạo đức học thuật

Nhưng hiểu về đạo văn mới chỉ là một phần “ngọn”, hay ban hành các quy định chặt chẽ về việc phải đảm bảo tính liêm chính học thuật và xử lý khi vi phạm cũng chỉ mang tính “kỹ thuật”, mà vấn đề không thể thiếu đối với một nền học thuật là làm thế nào xây dựng, đảm bảo được một văn hóa coi trọng đạo đức học thuật. Và trên thực tế, trong KHXH&NV, vấn đề đạo đức học thuật có hàm nghĩa rộng hơn rất nhiều, nó phải là bộ quy tắc ứng xử với các nguyên tắc phổ quát như không gây hại, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng, cho các nhà nghiên cứu, trung thực và công bằng - nghĩa là phải giúp đảm bảo quyền của tất cả các chủ thể có liên quan tới các nghiên cứu được thực hiện trên con người.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, đúng ra, ở Việt Nam các bộ quy tắc đạo đức này phải được xây dựng bởi các hội khoa học, các hội này quản lý hội viên bằng quy tắc đạo đức, và đồng thời các quy tắc này phải được đưa vào chương trình giảng dạy và đào tạo, tập huấn ở tất cả các cơ sở đào tạo nghiên cứu. Các trường đại học ở các nước phát triển đều thành lập hội đồng đạo đức để xét duyệt nghiên cứu KHXH, đặc biệt là nghiên cứu có liên quan tới dữ liệu nhân thân, các nhóm yếu thế trong xã hội. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam hiện nay chỉ có các nhà nghiên cứu khối ngành y sinh học mới có các quy chuẩn đạo đức nghiên cứu và các quy định mang tính pháp lý. Còn “các ngành khác thuộc khối ngành khoa học KHXH&NV lại chưa có quy chuẩn, và các nhà khoa học đang thực hiện nghiên cứu khoa học dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức thường nhật – tự thực hiện những gì họ tự cảm thấy có giá trị cho cá nhân mình và cho cộng đồng mà thôi”, theo lời TS. Trần Văn Kham, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội và là chủ nhiệm đề tài “Đạo đức nghiên cứu trong khoa học xã hội Việt Nam hiện nay: hiện trạng và định hướng chuẩn hóa (mã số 504.01-2016.09)”do Quỹ NAFOSTED tài trợ. Các tạp chí khoa học là nơi công bố kết quả nghiên cứu trong nước cũng không có quan điểm, quy định rõ ràng về vấn đề này. Theo khảo sát của TS Trần Văn Kham và cộng sự, trong số 387 tạp chí khoa học được đưa vào danh sách tính điểm của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, chỉ có 6 tạp chí có liên kết quốc tế và đã được lọt vào danh mục Scopus đưa ra những tuyên bố về đạo đức học thuật hay xung đột lợi ích trong hướng dẫn nộp bài.

Các trường đại học giảng dạy KHXH&NV ở Việt Nam đều chưa từng có hội đồng đạo đức và cũng ít khi giảng dạy về các nguyên tắc đạo đức học thuật. Mới đây, chỉ có trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, đang tiên phong trong việc thúc đẩy thành lập hội đồng đạo đức học thuật nhưng cũng còn phải “dò dẫm” bởi thiếu các quy định mang tính pháp lý và chưa từng có tiền lệ trong khối ngành KHXH&NV. Còn nếu muốn giảng dạy, các giảng viên phải tìm các bộ quy tắc đạo đức học thuật ở các quốc gia có nền KH&CN phát triển để cho sinh viên tham khảo. Chẳng hạn, một số đơn vị ý thức rõ vấn đề này như Khoa Xã hội học, Khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV Hà Nội đều phải sử dụng bộ quy tắc đạo đức (Code of Ethics) của Hội Xã hội học Mỹ và Hội Nhân học Mỹ để giảng dạy.


Nghiên cứu các nhóm yếu thế trong xã hội cần được thông qua bởi hội đồng đạo đức. Ảnh: Cộng đồng LGBT trong ngày Vietpride 2018. Nguồn: Giadinhmoi.

"Thấm" trong cộng đồng học thuật và xã hội

Việc thiếu giảng dạy, thiếu các bộ quy tắc ứng xử và quy định liên quan đến hội đồng đạo đức này khiến các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu viên trẻ rất lúng túng, thậm chí dễ mắc sai phạm, ảnh hưởng tới nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, nhất là khi liên kết với các nhóm nghiên cứu quốc tế và công bố quốc tế. TS. Trần Văn Kham cho biết, anh đã từng bị một số tạp chí KHXH quốc tế có uy tín từ chối thẳng thừng vì nghiên cứu xã hội học của anh được thực hiện ở Việt Nam mà không thông qua một hội đồng đạo đức nào. Một nghiên cứu sinh tại Đại học Leeds, Anh cũng cho biết, các thông tin về đạo đức nghiên cứu hoàn toàn là “khoảng trống” đối với chị và đã rất bất ngờ khi được yêu cầu phải xét duyệt đề tài bởi hội đồng đạo đức của trường Leeds.

Mặt khác, các nghiên cứu không tuân theo chuẩn mực đạo đức nào cũng tác động không tốt tới người được nghiên cứu (dù cố ý hay vô ý). Trên thế giới, khi chưa có những quy định cụ thể, cũng đã có không ít các nghiên cứu được thực hiện tưởng chừng như nhân danh khoa học với mục đích tốt đẹp nhưng lại gây nguy hiểm, ảnh hưởng tới quyền lợi của con người. Đây là điều chưa được chú ý đến trong phần lớn giới học thuật và xã hội ở Việt Nam. Chẳng hạn, gần đây, “có một bạn nghiên cứu trẻ muốn tham gia nghiên cứu với chúng tôi và thực hiện nghiên cứu về ‘tình một đêm’. Đề tài hết sức thú vị, nhưng sau đó tôi không thể chấp nhận cho bạn ấy tiếp tục thực hiện để công bố được, vì thay vì thực hiện phương pháp quan sát tham gia trong nhân học, thì bạn ấy lại tự mình tham gia vào ‘tình một đêm’. Khi đó, anh ta đã vi phạm đạo đức nghiên cứu”, TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện SocialLife), TP Hồ Chí Minh kể. Vấn đề là nghiên cứu viên nam trẻ kia đã không được dạy về các nguyên tắc đạo đức ở trường đại học trước đó. TS. Nguyễn Đức Lộc cũng cho chúng tôi biết, để đảm bảo tính đạo đức của các nghiên cứu về nhóm LGBT mà Viện SocialLife sắp thực hiện, do ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh không có hội đồng đạo đức học thuật, nên các anh sẽ phải nộp hồ sơ thẩm định về đạo đức học thuật tại Đại học Y Hà Nội.

Trong khi đó, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, việc đề xuất các hội khoa học, trường cần phải xây dựng và giảng dạy các bộ quy tắc đạo đức này là “nhiêu khê”. Bởi vì hiện nay vấn đề đạo đức “đã được thể chế hóa trong các Luật KH&CN, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Giáo dục. Cách làm tốt nhất là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về các luật. Thứ hai, lồng ghép các tiêu chuẩn về đạo đức học thuật vào trong các hội đồng thẩm định, hội đồng biên tập chứ không nên lập thêm các hội đồng đạo đức vì quá phiền toái và tăng thêm thủ tục hành chính cho nghiên cứu khoa học”, GS.TS Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Nhưng “các quy định mang tính nguyên tắc trong các bộ luật đó không đưa ra hướng dẫn cụ thể về thực hiện đạo đức học thuật. Chẳng hạn, nếu không dựa vào bộ quy tắc đạo đức học thuật của bên y sinh mà chỉ có các quy định trong Luật Y tế, thì sẽ không có căn cứ nào để bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên tham gia vào nghiên cứu y sinh học cả. Do vậy, cần thiết phải rà soát lại hệ thống các quy định hiện hành”, theo ông Đinh Việt Hải, Phòng Đào tạo, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Mặt khác, “các hội đồng đạo đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện các nghiên cứu ở những nhóm yếu thế. Hội đồng này không chỉ có vai trò ‘xét duyệt’ mà còn hướng dẫn các nhà nghiên cứu thực hiện đúng các quy chuẩn đạo đức”, theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh, trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

“Nhìn chung, đây không phải vấn đề của thực thi pháp luật và việc thành lập hội đồng đạo đức tùy thuộc vào các ngành học, hoàn cảnh cụ thể của các trường. Vấn đề là đạo đức nghề nghiệp phải được giảng dạy trong các trường, được phổ biến trong các hội và phải ‘thấm’ trong các nhà khoa học, trở thành một nếp văn hóa trong hành xử”, PGS.TS Nguyễn Văn Chính nói.

--------

Chú thích
1 https://www.fastcompany.com/3039921/a-map-of-scientific-plagiarism-around-the-world

Một số dấu mốc quan trọng trong lịch sử đạo đức nghiên cứu
* Năm 1947, 10 điều luật Nuremberg quy định những nguyên tắc căn bản đầu tiên để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia các nghiên cứu y sinh học (luật Nuremberg ra đời sau quá trình Đức Quốc xã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khác nhau trên con người để tăng sự sống cho các quân nhân Đức, phát triển và thử nghiệm một số vaccine cho các quân nhân Đức cũng như các thực nghiệm chứng minh người Đức vượt trội hơn so với các dân tộc khác hay không và đã bị kiện ra tòa).
* Năm 1964, luật Nuremberg được cụ thể hóa thành tuyên bố Helsinki (và cho đến nay đã được cập nhật 6 lần) để triển khai từ các điều khoản của Luật Nuremberg.
* Năm 1979, báo cáo Belmont về các nguyên tắc và chỉ dẫn trong nghiên cứu để bảo vệ con người (báo cáo ra đời sau vụ bê bối về thực nghiệm giang mai ở Tuskegee, bang Alabama, Hoa Kỳ. Nghiên cứu này khiến những người da đen tham gia nghiên cứu bị mắc bệnh giang mai mà không được chữa trị cũng như không được thông báo về việc chữa trị. Vụ việc này từ năm 1932 nhưng phải tới 1972 mới được công bố).

Báo Tia sáng


Các tin khác