Trang Nghiên cứu
 
Cảm nhận từ chuyến đi thực tế môn học của học viên lớp Cao học QLKT1-K27

Được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường và khoa Kinh tế chính trị, ngày 6/4/2019 PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp đã cùng các học viên lớp cao học QLKT1-K27 đi thực tế môn học Quản lý tài nguyên và môi trường.


Địa điểm thực tế môn học của chúng tôi là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - tỉnh Ninh Bình, di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Quần thể di sản thế giới Tràng An mang trong mình những khung cảnh thiên nhiên độc đáo từ đá núi, hệ sinh thái, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm và những tuyến du thuyền trên sông.

Đúng 6 giờ sáng chúng tôi bắt đầu khởi hành. Những hạt mưa nhè nhẹ vào buổi sớm làm cho khí trời se lạnh, song không làm giảm đi cái cái cảm giác rộn ràng, háo hức của cô trò chúng tôi.

Điểm dừng chân đầu tiên là Khu đón tiếp Bến thuyền Tràng An, tại đây đoàn được chị Vân cán bộ Sở Văn hóa và thể thao Ninh Bình giới thiệu về Danh thắng Tràng An, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học nói riêng và di sản nói chung.


Sau khi nghe giới thiệu, đoàn lên thuyền đi vào vùng lõi. Con thuyền lướt nhẹ qua các dãy núi, nước trong vắt có thể nhìn tới đáy, chúng tôi được nghe những người dân bản địa vừa chèo thuyền vừa thuyết minh về ý nghĩa tên gọi của hang và những truyền thuyết gắn liền với nó.

  PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp và học viên lớp QLKT1-K27 – Photo: Ngọc Toàn.
 
 Đoàn đi thuyền vào vùng lõi – Photo: Nguyễn Huế.

Điểm dừng chân thứ 2 của đoàn là đền Trần còn có tên gọi là Đền Nội Lâm (Đền trong rừng). Đây là ngôi đền được các vị vua nhà Trần cho xây dựng phục vụ các hoạt động tín ngưỡng trong những năm tháng lui về hành cung Vũ Lâm, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.




Kiến trúc Đền Trần theo kiểu chữ nhị, gồm hai tòa liền nhau. Tòa ngoài (Tiền bái) gồm 3 gian, 2 dĩ. Mái tòa tiền bái cuốn vòm bằng bê tông, nhưng bên trong lại dùng các phiến đá xanh để lát trần. Tòa tiền bái có hai hàng cột đá, hàng cột thứ nhất gồm 4 cột làm bằng đá xanh nguyên khối, kích thước 20x16 cm, cao 1,47m. Mặt ngoài của cột chạm lộng và chạm thông phong đề tài độc long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử và hoa cách điệu... Tòa Hậu cung có ban thờ bằng đá xanh nguyên khối tam cấp. Bên trên có hai long cung, bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ngài. Nét chạm khắc ở Đền Trần rất tinh xảo, bay bổng và có tính thẩm mỹ cao.
 
 

Đền Trần còn có tên gọi là Đền Nội Lâm (Đền trong rừng) – Photo:Ngọc Diệp.

Từ Đền Trần, đoàn đi bộ khoảng 1,6km xuyên qua rừng để đến di chỉ khảo cổ hang Mòi. Hang Mòi cao 14m so với mặt nước biển, là nơi cư trú liên tục của con người từ thời đại Đá mới đến Kim khí, niên đại C14 từ 15.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay.






 
 



Xuyên rừng vào hang Mòi – Photo:Tiên Hoàng-Phan Trinh
 

Di chỉ khảo cổ hang Mòi – Photo:Tiên Hoàng-Ngọc Diệp.

 

Đứng trong khu di chỉ khảo cổ hang Mòi, chị Vân cũng là một người từng trực tiếp tham gia nghiên cứu khảo cổ tại đây đã giới thiệu cho đoàn quá trình phát hiện, nghiên cứu địa điểm khảo cổ, di tích và di vật trong lòng đất. Qua sự giới thiệu của chị, chúng tôi hiểu được chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người Việt cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất.

Tràng An là một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông - Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông - Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác.

Để quần thể danh thắng Tràng An tương xứng với danh hiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, tỉnh Ninh Bình đã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung và công tác quản lý môi trường cảnh quan nói riêng. Việc bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị di sản là trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp (như doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã đóng góp vào việc bảo tồn Đền Trần còn có tên gọi là Đền Nội Lâm) và của nhân dân trong tỉnh. Tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch theo mô hình sinh thái, đơn giản, phù hợp với cảnh quan.

Chuyến đi thực tế đã giúp các học viên lớp cao học QLKT1-K27 hiểu rõ giá trị di sản mà thiên nhiên ban tặng cho Ninh Binh - quần thể danh thắng Tràng An, thêm yêu, trân trọng và tha thiết muốn bảo tồn cho thế hệ mai sau. Chúng tôi mong hình thức học tập gắn với trải nghiệm thực tế hấp dẫn và hữu ích như thế này tiếp tục được phát huy trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý kinh tế định hướng ứng dụng của khoa trong thời gian tới.

 
 

Vũ Thế Hùng - K27 QLKT1