Trang Nghiên cứu
 
1 chọi 10 để được tham gia Trường hè Khoa học

Sáng nay, 22/7, 161 sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ được tuyển chọn từ 1.760 ứng viên đã khai giảng Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 7 tại Quy Nhơn, Bình Định.




Tập thẻ học viên, giảng viên Trường hè Khoa học Việt Nam 2019. Ảnh: VSSS
Khóa học năm nay, với tên gọi Hải Đăng, diễn ra trong 4 ngày, theo 3 chủ đề chính: Đường vào khoa học, Nghề khoa học, và Đời khoa học. Cụ thể, các học viên sẽ nghe giảng và cùng thảo luận về tư duy phản biện (với TS Lưu Đức Thế), tự do học thuật (với TS Giáp Văn Dương), liêm chính học thuật - thế nào là đạo văn, các loại hình đạo văn, làm thế nào để tránh đạo văn và bảo vệ thành quả nghiên cứu bản thân khỏi đạo văn (với TS Trần Trọng Dương); lược sử KHXH&NV hiện đại (với TS Phùng Hà Thanh); các phép đo trong nghiên cứu KHTN và KHXH (với TS Nguyễn Đức Dũng); kỹ năng chuẩn bị và công bố kết quả nghiên cứu khoa học (với TS Trần Quang Tuyến); khởi nghiệp/lập nghiệp bằng khoa học (với TS Đặng Văn Sơn)…
Bên cạnh đó, hoạt động Hackathon nghiên cứu khoa học sẽ cho phép học viên ứng dụng những kiến thức từ bài giảng để thực hành xử lý một số câu hỏi khoa học.
Trường hè Khoa học Việt Nam là sáng kiến của ba nhà nghiên cứu Ngô Đức Thế, Lưu Quang Hưng và Giáp Văn Dương, xuất phát từ mong muốn trang bị cho các bạn trẻ những hiểu biết cơ bản về khoa học, tư duy phương pháp luận khoa học, cùng những kỹ năng cần thiết cho việc nghiên cứu, để từ đó có thể mạnh dạn dấn thân theo đuổi nghề nghiên cứu; hoặc nếu không theo đuổi thì cũng có được những cách nhìn trung thực, khoa học trong việc áp dụng vào những lĩnh vực khác của cuộc sống.
Trường hè được tổ chức lần đầu vào tháng 8/2013 tại Hà Nội với 80 học viên được lựa chọn từ 180 hồ sơ.
Từ năm 2016, Trường hè trở thành một hoạt động thường niên của Quỹ Gặp gỡ Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận do vợ chồng GS Jean Trần Thanh Vân gây dựng và từ năm 2017, Trường hè bắt đầu được tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành ICISE ở Quy Nhơn, Bình Định do vợ chồng ông sáng lập, qua đó thu hút thêm nhiều học viên từ các địa phương phía Nam thay vì chủ yếu từ miền Bắc như trước đó.
Mạng lưới cựu học viên Trường hè đến nay lên tới hơn 1.000 người, và 21% trong số đó đã, đang hoặc chuẩn bị đi du học. Một số học viên chia sẻ rằng những cảm hứng và kinh nghiệm thu nhận được ở Trường đã góp phần vào thành công bước đầu của họ.
Chương trình Trường hè hàng năm được hoàn thiện và điều chỉnh thông qua việc tham khảo phản hồi từ các cựu học viên.
Học viên Trường hè được miễn 100% phí tham dự và hỗ trợ một phần sinh hoạt phí nếu điều kiện tài trợ cho phép. Hội đồng quản trị hoạt động Trường hè không nhận thù lao, có nhiệm vụ vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chi phí tổ chức trường hè, cũng như một phần ăn ở đi lại của giảng viên và học viên.

Năm nay, với đóng góp của hai nhà tài trợ đồng hành là ICISE và ĐH Quốc gia Hà Nội cùng một số nhà tài trợ khác, 70% học viên được hỗ trợ chi phí đi lại; và 100% học viên, tình nguyện viên, giảng viên được hỗ trợ ăn ở - theo trao đổi của TS Nguyễn Thị Tú Mai, Trưởng ban tổ chức địa phương, với Khoa học và Phát triển. Cùng với việc xây dựng được uy tín, danh tiếng qua các kỳ tổ chức, việc kêu gọi tài trợ từ các nhà tài trợ mới cũng trở nên thuận lợi hơn – TS Mai nói. Bên cạnh hỗ trợ về đi lại, ăn ở, các học viên còn được hỗ trợ về sách và tài liệu học tập.
Lý giải tỷ lệ cạnh tranh cao để được tham gia Trường hè lần thứ 7, TS Giáp Văn Dương, một trong ba nhà sáng lập Trường hè, vui vẻ nói rằng, đó là bởi “khoa học đang hot và Trường hè đang hot”.
Những bạn trẻ không có cơ hội tham gia trực tiếp Trường hè có thể tham khảo các bài giảng được chia sẻ và cập nhật online sau khi Trường hè kết thúc.


Thái Thanh