Quản lý Fintech tại Việt Nam - bắt đầu từ cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát.
Sự phát triển nhanh của Fintech (công nghệ tài chính) đã đặt ra những thách thức đối với các cơ quan quản lý trong cách ứng xử và quản lý hoạt động này, trong đó, bên cạnh vai trò chủ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan cũng rất quan trong. Theo đó, chính sách quản lý Fintech cần hướng tới đảm bảo hài hòa các mục tiêu như vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư và tận dụng công nghệ tiên tiến, vừa tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã tham gia. Có thể nói Sanbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đang là phương thức tiếp cận chính sách mới đang được rất nhiều Ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ các nước áp dụng.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), sự phát triển nhanh chóng của các công ty Fintech trên thế giới và tại Việt Nam là một biểu hiện sinh động của xu hướng phát triển, tạo ra khả năng tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính, gia tăng giá trị cho khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là khi Việt Nam đang triển khai Chiến lược phổ cập tài chính (hay còn được gọi là Tài chính toàn diện).
Hiểu thế nào về Fintech?
Trước hết, về khái niệm, Fintech là viết tắt của cụm từ financial technology, được hiểu theo nghĩa là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản… nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Fintech được đưa ra, tuy nhiên, có một cách hiểu thống nhất và phổ biến trên thế giới về công nghệ tài chính đó là việc áp dụng công nghệ vào trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so các dịch vụ tài chính truyền thống.
Vài năm trở lại đây, Fintech đã và đang trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới khi xuất hiện sự xâm nhập thị trường tài chính, ngân hàng của các công ty công nghệ không phải ngân hàng. Lúc này Fintech được biết đến và hiểu như một hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ vốn có lợi thế về trình độ công nghệ, đã nghiên cứu và phát triển các giải pháp phần mềm với mục tiêu hỗ trợ hoặc cung ứng trực tiếp các dịch vụ tài chính thay thế dịch vụ ngân hàng truyền thống cùng tôn chỉ “tiện lợi, nhanh chóng và chi phí thấp”.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đã sớm nhận biết được tiềm năng và nhu cầu của thị trường, đã rất nhanh nhạy trong việc phát triển các giải pháp để đáp ứng. Đối tượng khách hàng mà các công ty này hướng tới chính là nhóm những người vốn không có cơ hội tiếp xúc với dịch vụ tài chính, ngân hàng và nhóm khách hàng có nhu cầu tích hợp các dịch vụ tài chính, ngân hàng vào cuộc sống hàng ngày thông qua các phương tiện công nghệ (như điện thoại di động, máy tính cá nhân…) để phát triển các giải pháp Fintech phù hợp.
Như vậy, theo nghĩa rộng, Fintech hiện nay được hiểu là “ngành công nghiệp bao gồm cả hoạt động của các tổ chức không phải ngân hàng sử dụng công nghệ để hỗ trợ các hệ thống tài chính và hoạt động cung ứng các dịch vụ tài chính hiệu quả hơn”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh - Trưởng ban Chỉ đạo Fintech- phát biểu tại sự kiện Fintech 2019
Fintech tại Việt Nam - xu hướng hợp tác hướng tới phổ cập tài chính
Theo số liệu của NHNN, hiện nay, tại Việt Nam, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngang hàng (P2P Lending) , cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân… Chủ đạo trong hoạt động Fintech vẫn là thanh toán, tính đến 05/05/2020 có 34 tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là tổ chức ví điện tử (33), cổng thanh toán điện tử (26), hỗ trợ thu hộ chi hộ (26), chuyển tiền điện tử (9). Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ trung gian thanh toán chính gồm: (i) Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, gồm: chuyển mạch tài chính; bù trừ điện tử; cổng thanh toán điện tử; (ii) Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm: Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Hỗ trợ chuyển tiền điện tử; (iii) Dịch vụ Ví điện tử.
Hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam, một dạng của công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán, cơ bản đã được điều chỉnh tại Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 quy định về trung gian thanh toán.
Tại Việt Nam, xu hướng hợp tác giữa Fintech và ngân hàng đang được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển tài chính toàn diện.
Do thế mạnh của các công ty Fintech là điểm yếu của các ngân hàng và ngược lại nên ngày nay, ngân hàng và các công ty Fintech đều hướng tới việc hợp tác “hai bên cùng có lợi” trong triển khai cung ứng các dịch vụ tài chính nhằm tận dụng tốt nhất những lợi thế mà bên đối tác có được. Việc hợp tác này hiện là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung là mang lại những dịch vụ tài chính và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Về lợi ích, những thay đổi về Fintech đã đóng góp rất lớn trong việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính (phổ cập tài chính), giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính minh bạch với các sản phẩm đơn giản hơn, thuận lợi và hiệu quả, đồng thời góp phần kiểm soát hiệu quả chi phí và thu nhập. Bên cạnh những dịch vụ mới mà làn sóng Fintech mang lại thì sự hợp tác ngân hàng - Fintech sẽ biến Fintech trở thành cánh tay nối dài của các ngân hàng tới những đối tượng người dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked), mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội. Bởi một trong những điểm nổi bật của Fintech chính là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng. Fintech có những lợi ích đối với tài chính quốc gia như giúp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính thông qua những tiện ích về công nghệ, giúp cho khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn có thể tiếp cận dịch vụ mà bản thân ngân hàng truyền thống chưa đạt được.
Có thể thấy, thế mạnh của ngân hàng là tuân thủ các quy định của pháp luật, có danh tiếng, uy tín đối với khách hàng và cộng đồng, đồng thời hiểu biết dịch vụ ngân hàng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của các ngân hàng là thường đi chậm hơn so với các công ty công nghệ khác trong việc sáng tạo, cải tiến trong công nghệ. Trong khi đó, các công ty Fintech mang tính chất là startup (khởi nghiệp) nên rất sáng tạo và năng động. Họ đánh giá dịch vụ ngân hàng dưới góc độ của khách hàng và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Mặt khác, các công ty Fintech phát triển với quy trình linh hoạt hơn. Dẫu vậy, điểm yếu của các công ty Fintech là không có được sự hỗ trợ về tính tuân thủ pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng, thương hiệu cho các hoạt động tài chính. Trong khi đó, ngân hàng có một lượng khách hàng truyền thống, có thương hiệu, có uy tín và mạng lưới. Niềm tin của khách hàng vào ngân hàng được xây dựng qua hàng thập kỷ về trách nhiệm quản trị rủi ro và kinh nghiệm pháp lý. Do đó, các ngân hàng cần phải được lựa chọn để hợp tác với công ty Fintech phù hợp.
Như vậy, việc hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech sẽ là sự bổ trợ hoàn hảo cho nhau, giúp tạo ra giá trị cho người sử dụng và xã hội, thúc đẩy sự phát triển năng động của thị trường trong tương lai. Đây là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng trên đây, sự trỗi dậy của Fintech cũng kèm theo nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến các ngân hàng đương thời và những thành viên Fintech mới tham gia vào lĩnh vực tài chính, trong đó có vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực…
Đặc biệt, thời gian qua, hoạt động cho vay thông qua các nền tảng công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Bên cạnh những lợi thế về sự nhanh chóng, thuận tiện cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với các bên tham gia do chưa có hành lang pháp lý quản lý hoạt động này.
Theo NHNN, hoạt động cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh mới được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Tuy nhiên, qua khảo sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro.
Hơn nữa, hoạt động P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây, các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia. Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.
Lựa chọn cơ chế quản lý Fintech tại Việt Nam
Sự phát triển nhanh trong những năm gần đây của Fintech đã đặt ra những thách thức to lớn đối với các cơ quan quản lý trong cách ứng xử và quản lý hoạt động này. Trong đó, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng qui định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính.
Chưa kể, hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý, ngân hàng và các công ty Fintech), cũng như chưa có hàng lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ. Trên thực tế, các quy định pháp lý hiện hành mới chỉ đáp ứng được cho lĩnh vực thanh toán, các lĩnh vực khác hiện chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ để điều chỉnh hoạt động.
Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần sớm hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, trong đó khung khổ pháp lý là ưu tiên hàng đầu.
Việc nhìn nhận về các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính ngân hàng nói riêng và đời sống kinh tế xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ sẽ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó xác định hệ thống ngân hàng Việt Nam cần chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn bảo mật; khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức Fintech; tạo môi trường pháp lý thích hợp cho việc phát triển các tổ chức Fintech an toàn, hiệu quả…
Như vậy, có thể thấy rằng Chính phủ và NHNN đã thể hiện rõ vai trò định hướng và dẫn dắt thị trường trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Fintech, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ngân hàng qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý, tạo lập cơ chế khuyến khích sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa hai chủ thể này.
Trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị này gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) của NHNN vào tháng 3/2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển.
Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu, đó cũng là 5 lĩnh vực Fintech được NHNN quan tâm bao gồm: Thanh toán điện tử (e-payments), Định danh khách hàng điện tử (e-KYC); Cho vay ngang hàng (P2P Lending), Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, thời gian qua, Ban chỉ đạo Fintech cũng đã triển khai một số hoạt động, biện pháp hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech; phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông qua Dự án sáng kiến kinh doanh khu vực Mê Kông (MBI) tổ chức các cuộc thi Fintech Challenge Vietnam tại Việt Nam cho các doanh nghiệp/nhóm Fintech trong và ngoài nước, qua đó phát hiện và nuôi dưỡng ý tưởng của các Fintech có giải pháp sáng tạo để phát triển thêm, cung ứng các dịch vụ, giải pháp hoàn chỉnh, thiết thực cho thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp cho mục tiêu phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. NHNN đang nghiên cứu xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan (trong đó có Bộ Tư pháp); đồng thời, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định áp dụng cho cơ chế này, dự kiến bao gồm cả hoạt động cho vay ngang hàng, dự kiến trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020.
Theo nghiên cứu của Vụ Thanh toán (NHNN), đối với lĩnh vực Fintech, có thể nói Sanbox là phương thức tiếp cận chính sách mới đang được rất nhiều Ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ các nước áp dụng. Sandbox là một cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát, cho phép thử nghiệm các công nghệ, mô hình kinh doanh mới với phạm vi và thời gian được xác định, dưới sự giám sát của nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp.
Kể từ khi quốc gia đầu tiên trên thế giới là Vương quốc Anh ban hành Sandbox vào tháng 11/2015 (chính thức triển khai vào cuối năm 2016), rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới đã có cách tiếp cận tương tự; hiện tại Sandbox đã được triển khai ở hầu hết các Trung tâm tài chính khu vực và trên toàn cầu bao gồm Vương quốc Anh, Abu Dhabi, Úc, Canada, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ, Đài Loan… Tính tới thời điểm hiện nay đã có gần 30 quốc gia ban hành Sandbox và danh sách này dự kiến sẽ được tiếp tục cập nhật thêm nhiều quốc gia nữa trong thời gian tới.
Cần sự phối hợp của các Bộ ngành để ban hành khung pháp lý quản lý Fintech
Để hoàn thiện và có thể ban hành khung pháp lý phù hợp nhằm quản lý Fintech, hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Fintech đổi mới, sáng tạo, phát triển, thì không chỉ từ phía NHNN mà cần sự phối hợp của các Bộ, ngành.
Về phía NHNN, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các lĩnh vực cụ thể của Fintech, cụ thể như: (i) Xây dựng có chế quản lý, giám sát chính thức đối với hoạt động P2P Lending để đảm bảo hoạt động P2P Lending được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế; Bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động P2P Lending trên cơ sở rà soát, chỉnh sửa Luật Đầu tư; (ii) Xây dựng các tiêu chuẩn chung áp dụng cho các hệ thống thực hiện e-KYC để đưa ra tiêu chuẩn, ràng buộc chung về các vấn đề đảm bảo an ninh mạng, an toàn dữ liệu đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng và các cơ quan cung cấp dịch vụ xác thực nhận dạng để nâng cao tính an toàn, bảo mật, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện e-KYC, đầu mối phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng các cụ thể về e-KYC trong hoạt động tài chính - ngân hàng; (iii) Xây dựng một hành lang pháp lý tổng thể cho công nghệ Blockchain; thiết lập các cơ sở pháp lý hoặc thỏa thuận quốc tế về việc chia sẻ dữ liệu và bảo vệ thông tin khách hàng trên các giao dịch Blockchain; (iv) Mở rộng chuyên ngành đào tạo, đặc biệt các chuyên ngành đào tạo công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ máy học (Machine learning), dữ liệu lớn (Big data)…. để đón đầu và đáp ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực Fintech trong tương lai; (v) Nghiên cứu về việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Fintech tại Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp với sự kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân…
Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, trong đó khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này và khuyến nghị người dân tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen. Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo TCTD lưu ý về các rủi ro trong hoạt động cho vay ngang hàng; qua đó khuyến nghị TCTD thận trọng trong ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của TCTD cũng như an toàn của hệ thống ngân hàng.
Ở tầm vĩ mô, về phía Chính phủ, xem xét và sớm chấp thuận Phương án xây dựng Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời giao NHNN chủ trì, đầu mối phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để nghiên cứu, triển khai xây dựng Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Chẳng hạn, cần các Bộ, Ngành chuyên trách nghiên cứu xây dựng Sandbox cho lĩnh vực Fintech trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm; rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản có liên quan, các nội dung quy định về e-KYC, giao diện lập trình ứng dụng mở, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ Blockchain; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đề xuất việc cho phép cơ sở dữ liệu này được chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm… Từ đó tiến tới có thể thành lập một đơn vị chuyên trách thuộc biên chế các Bộ, Ngành để trực tiếp tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ xin tham gia thử nghiệm hoặc giao NHNN tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin tham gia thử nghiệm, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Tóm lại, trên thực tế, sự hợp tác giữa ngân hàng với các công ty Fintech vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo. Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng cũng cần phải tự tái cơ cấu, áp dụng công nghệ hiện đại để bắt kịp làn sóng công nghệ mới đang tấn công vào mô hình kinh doanh của mình.
Để Fintech tại Việt Nam phát triển, sự hợp tác ngân hàng - Fintech hiệu quả, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, Chính phủ cần giao các Bộ, Ngành liên quan phối hợp NHNN để sớm áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức đối với Fintech.
Tài liệu tham khảo:
Phạm Tiến Dũng (2018), Thúc đẩy sức mạnh cộng hưởng từ Ngân hàng - Fintech, Tạp chí Đầu tư và Chứng khoán, Chuyên đề Thanh toán 4.0: Cơ hội mới cho ngân hàng bán lẻ, số 130 (2163).
Nghiêm Thanh Sơn (2018), Ưu tiên hàng đầu là xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech, Tạp chí Đầu tư và Chứng khoán, Chuyên đề Thanh toán 4.0: Cơ hội mới cho ngân hàng bán lẻ, số 130 (2163).
Luật Ngân hàng Nhà nước 2010
Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước: www.sbv.gov.vn
Cao học viên Trần Thị Thanh Phương Lớp Cao học QLKT2 - K27 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội