Trang Nghiên cứu
 
Học viên cao học với các hoạt động phòng chống rác thải nhựa - Ý thức từ việc học tập và trải nghiệm thực tế

Học viên Ngành Quản lý Kinh tế đi thực tế môn học về quản lý tài nguyên và môi trường.
Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.


Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công văn số 161/LĐCP ngày 25/4/2019 về giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, đồng thời, thực hiện Kế hoạch hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 của Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, thời gian vừa qua lớp cao học QH-2019-E QLKT1 đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa trên lớp học, giảng đường. Đặc biệt, các giờ học tập học phần Quản lý Tài nguyên và Môi trường do TS. Hoàng Thị Hương giảng dạy, không khí lớp học luôn sôi nổi, vui vẻ, thân thiện và hiệu quả. Đây là môn học hết sức cần thiết đối với chương trình Thạc sĩ Quản lý Kinh tế bởi vì trên từng cương vị công tác, ở mỗi lĩnh vực chuyên môn, học viên luôn phải suy nghĩ, tìm tòi làm thế nào để phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường. Đây không chỉ là chủ đề thảo luận và nghiên cứu của những nhà kinh tế, nhà môi trường mà còn là vấn đề sống còn, một yêu cầu bắt buộc, xuyên suốt của mỗi quốc gia, mỗi chế độ. Phát triển kinh tế - xã hội cần phải gắn chặt với bảo vệ tài nguyên môi trường, theo hướng phát triển bền vững.


Tập thể lớp cao học QH-2019-E QLKT1, Trường Đại học Kinh tế cùng giảng viên bộ môn

Để chống rác thải nhựa ở trên giảng đường, “Nói không với rác thải nhựa và túi ni-lon”, “Chung tay bảo vệ môi trường - Góp phần giữ gìn hành tinh xanh”, Ban cán sự lớp đã quán triệt học viên của lớp không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, lan tỏa mạnh mẽ đến các lớp khác cùng chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa và vì một môi trường học tập, sinh hoạt xanh - sạch - đẹp.


Giờ thảo luận của học phần “Quản lý Tài nguyên và Môi trường” trên lớp

Với mục tiêu nâng cao ý thức hơn nữa cho các bạn học viên trong lớp, Ban cán sự lớp còn tổ chức một số hoạt động thiết thực, lồng ghép chiến dịch bảo vệ môi trường vào bài học. Ngoài ra, các lớp cao học cùng chuyên ngành quản lý kinh tế đã tổ chức học tập ngoại khoá, nghiên cứu thực tế công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường tại địa phương. Ngay tại lớp học, tập thể lớp QH-2019-E QLKT1 cũng đã cam kết bảo vệ môi trường với các nội dung cụ thể là:

1. Hạn chế sử dụng nước uống đóng chai bằng nhựa trên lớp học, giảng đường.

2. Đối với các bạn ở lại buổi trưa trên lớp, tuyệt đối chấp hành tốt việc phân loại rác thải và xả thải rác đúng nơi quy định.

3. Thu gom pin đã qua sử dụng sau mỗi giờ học để đúng nơi quy định.

4. Ngừng sử dụng ống hút nhựa, ngay cả tại quán cafe hay nhà hàng. Khi mua thức uống đề nghị người bán không cho ống hút. Nếu bắt buộc phải dùng, hãy mua ống hút bằng thép không gỉ hoặc thủy tinh có thể tái sử dụng nhiều lần.

5. Sử dụng những loại túi (giỏ) có thể tái sử dụng nhiều lần (ví dụ túi vải/túi tote) và mang theo chúng thường xuyên khi ra ngoài. Từ chối bao nilon khi mua hàng, nếu vẫn sử dụng túi nilon hãy tận dụng tối đa các túi bằng cách đựng đồ chung với nhau.

6. Ưu tiên mua sản phẩm đóng gói bằng vật liệu dễ phân hủy, thuỷ tinh, kim loại thay vì nhựa.

7. Tái sử dụng các hộp nhựa để lưu trữ thức ăn thừa hoặc mua sắm với số lượng lớn.

8. Sử dụng chai thuỷ tinh, bình kim loại, bình cá nhân hoặc cốc sành cá nhân khi mua đồ uống mang đi.

9. Hạn chế sử dụng khẩu trang dùng 1 lần, chuyển sang dùng khẩu trang vải có thể tái sử dụng được nhiều lần.

10. Tuyên truyền cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp về ý nghĩa của việc sống xanh và khuyến khích mọi người cùng thực hiện.


Trường Đại học Kinh tế nói không với nước đóng chai nhựa trong các cuộc họp.


Hồng Quân, Lớp cao học QH-2019-E QLKT1