Trang Nghiên cứu
 
Giáo trình Kinh tế quốc tế

“Giáo trình Kinh tế Quốc tế” trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về kinh tế quốc tế, đồng thời cũng cập nhật một số mô hình phân tích mới giúp người học có thể lý giải được các hiện tượng kinh tế đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới hiện nay.


Tên sách: Giáo trình Kinh tế quốc tế
Chủ biên: Khu Thị Tuyết Mai, Vũ Anh Dũng
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Nơi xuất bản: Hà Nội
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 369
Trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, các vấn đề kinh tế quốc tế ngày càng trở nên phức tạp và gây nên nhiều tranh cãi. Việc hiểu biết và giải quyết những vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt. Hơn nữa, ở Việt Nam, việc nắm được các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực này có tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế của Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và chịu nhiều tác động trực tiếp từ những biến động và thay đổi của nền kinh tế khu vực và thế giới.
Những vấn đề chính được xem xét trong giáo trình bao gồm: cơ sở và lợi ích từ thương mại; mô thức thương mại giữa các nước; nguyên nhân, tác động của các rào cản thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mới; mô hình di chuyển nguồn lực quốc tế: nguyên nhân, các hình thức và hiệu quả phúc lợi; các tác nhân, tính năng, sự cân bằng trên thị trường ngoại hối; xác định tỷ giá hối đoái; khái niệm, tầm quan trọng của cán cân thanh toán quốc tế; sự phối hợp chính sách trên phạm vi quốc tế: cơ chế điều chỉnh sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán và tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế vĩ mô giữa các quốc gia trong các hệ thống tiền tệ quốc tế khác nhau và tác động của chúng đến phúc lợi của quốc gia.
Giáo trình được biên soạn để phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập môn “Kinh tế Quốc tế” tại các Khoa và các Trường Đại học kinh tế cũng như cho các đối tượng quan tâm tìm hiểu về lĩnh vực này. Giáo trình có thể sử dụng cho chương trình học từ 3 đến 4 tín chỉ, với điều kiện là người học đã được trang bị những kiến thức cơ bản về kinh tế học.
Có thể tham khảo sách tại Phòng Tư liệu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.