Trang Nghiên cứu
 
Thụy Điển và Việt Nam tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ quản lý nhà nước

Buổi làm việc giữa lãnh đạo Trường ĐHKT và đại diện Ban điều phối chương trình từ ĐH Uppsala
Trong những năm qua, Thụy Điển luôn đóng vai trò là nhà tài trợ lớn hỗ trợ Việt Nam thực hiện tiến trình cải cách và phát triển. Chính sách đó càng được thể hiện rõ nét qua những chương trình, dự án phối hợp đã và đang được triển khai.


Nhiều dự án sử dụng vốn tài trợ của Thụy Điển đã được triển khai rất hiệu quả và có tính bền vững cao như Dự án Thí điểm cải cách hành chính tại tỉnh Quảng Trị hay Dự án Quản lý Nhân sự tại Bộ Nội vụ. Một trong những đầu ra quan trọng của những dự án tài trợ này là giúp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của Việt Nam ở trung ương và địa phương, đặc biệt là trang bị cho những cán bộ làm công tác tổ chức về các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phân tích tổ chức, đánh giá nhu cầu đào tạo.

Phát huy hơn nữa từ những kết quả đó, từ năm 2009 với chiến lược hỗ trợ hợp tác phát triển mới, Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức thông qua Chương trình Thạc sĩ Quản lý công (gọi tắt là MPPM) liên kết giữa trường Đại học Uppsala, Thụy Điển Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Trường Đại học Uppsala xếp thứ hạng 63 trong danh sách những trường đại học hàng đầu thế giới, với hơn 500 năm lịch sử hình thành và phát triển và đã giành đươc tới 8 giải Nobel. Khoa Chính phủ (Department of Government), với uy tín bậc nhất châu Âu về khoa học chính trị, đang trực tiếp triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Công tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Chương trình kéo dài 15 tháng, bao gồm 9 môn học và luận văn tốt nghiệp được thiết kế nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức mới nhất về quản lý công trên thế giới cũng như trang bị những kỹ năng lãnh đạo quản lý để học viên có thể trở thành những nhà quản lý tài năng trong khu vực công. Hiện nay đang có gần 80 học viên đang theo học chương trình, trong đó đều là các cán bộ quản lý đến từ nhiều cơ quan, ban ngành, hay tỉnh thành khác nhau của Việt Nam, đặc biệt có 39 học viên là các cán bộ quy hoạch thuộc chương trình 165 của Ban Tổ chức Trung ương.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Điển (SIDA) các học viên khóa 3 của chương trình sẽ được tài trợ một phần học phí, và một phần lớn ngân sách tài trợ sẽ được dành cho việc phát triển chương trình, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của trường ĐHKT-ĐHQGHN thông qua các hoạt động tập huấn giảng viên, các hội thảo quốc tế, các hoạt động phối hợp nghiên cứu về lĩnh vực quản lý công.

Chương trình đang khẳng định là một sự hợp tác hiệu quả giữa Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và thu hút sự quan tâm đặc biệt từ đội ngũ cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương của Việt Nam.


Vũ Nhi A - CITE