Trang Nghiên cứu
 
Đại học Quốc gia Hà Nội vươn lên vị trí thứ 124 trong bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2019

Hôm qua, 23/10/2018, Bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức QS đã công bố kết quả xếp hạng năm 2019. Trong đó, ĐHQGHN ở vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG Tp.HCM) đứng vị trí 144.


Bảng xếp hạng QS Châu Á năm nay, Việt Nam góp mặt 7 cơ sở đại học trong nhóm 500 Châu Á là: Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) xếp thứ 1 Việt Nam và ở vị trí 124 Châu Á, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh (ĐHQG Tp.HCM) vị trí 144, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 261 đến 270, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 291 đến 300, Trường Đại học Cần Thơ trong nhóm 351 đến 400, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trong nhóm 451 đến 500.

Về xu hướng xếp hạng, kể từ năm 2014 tới nay, ĐHQGHN đã cải thiện được 37 bậc và luôn giữ thứ hạng thứ nhất trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam ở bảng xếp hạng QS Châu Á.

Bảng xếp hạng QS ASIA 2019 của Việt Nam

Ngoài 10 chỉ số đánh giá như mọi năm (đánh giá của các nhà tuyển dụng; đánh giá của các nhà khoa học; tỷ lệ giảng viên trên sinh viên; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ; số lượng bài báo và trích dẫn theo CSDL của Scopus; giảng viên và sinh viên quốc tế; trao đổi sinh viên Việt nam và quốc tế), lần đầu tiên QS đưa thêm 2 điểm mới trong các tiêu chí xếp hạng của QS đối với bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2019, đó là: chỉ số về mạng lưới nghiên cứu quốc tế (International Research Network) với trọng số 10%. Chỉ số này được tính thông qua số lượng, tỷ lệ những công bố khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus có đồng tác giả là học giả quốc tế, qua đó giúp đánh giá số lượng và sự đa dạng trong quốc tế hóa nghiên cứu; thứ 2 là việc khảo sát đối với học giả và nhà tuyển dụng có điều chỉnh trong việc chọn lọc và phân tích dữ liệu, với số học giả và nhà tuyển dụng tham gia khảo sát tăng 38% so với năm trước.

Theo GS. Nguyễn Hữu Đức – Phó giám đốc ĐHQGHN, ở bảng xếp hạng năm nay, ĐHQGHN đã có một số chỉ số so sánh được với mặt bằng trung bình của các trường đại học tốp 500 Châu Á và có một số chỉ số có thứ hạng tốt như các chỉ số về đánh giá của các nhà tuyển dụng, đánh giá của các nhà khoa học, số lượng sinh viên quốc tế đến trao đổi, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu (hình 1 phía trên). Đặc biệt là chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học. Đối với chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo thì ĐHQGHN đã vượt qua được ngưỡng trung bình (Châu Á: 4,5 lần/bài báo – ĐHQGHN: 5,1 lần).

 

Xếp hạng theo từng tiêu chí QS ASIA 2019 của ĐHQGHN

Xếp top 10 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2019 là các đại học lớn của Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc. Vị trí thứ nhất thuộc về ĐHQG Singapore, tiếp theo Đại học Hồng Kong, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Fudan, Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, Viện Nghiên cứu Khoa học Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIS), Đại học Trung Hoa Hong Kong, Đại học Quốc gia Seoul.

Trong QS Châu Á 2019 có 498 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng đến từ 17 quốc gia.

Trung Quốc có 112 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng với 3 trường ở top 10, tiếp theo là Ấn Độ với 75 cơ sở với Viện nghiên cứu Công nghện Bombay xếp hạng 33. Hong Kong có 7 cơ sở nhưng cũng có đến 3 trường trong top 10.

Khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia có tên trong bảng xếp hạng, Singapore chỉ có 3 cơ sở giáo dục đại học nhưng đóng góp 2 vị trí đứng đầu bảng xếp hạng là Đại học Quốc gia Singapore vị trí thứ 1 và Đại học Công nghệ Nanyang vị trí thứ 3, Đại học Quản lý Singapore vị trí 78. Malaysia có 26 cơ sở với Đại học Malaya (UM) ở vị trí 26. Indonesia có 22 cơ sở, Đại học Indonesia ở vị trí 57. Philipnes có 8 cơ sở, Đại học Philippines ở vị trí 72. Thái Lan có 19 cơ sở với Đại học Chulalongkorn ở vị trí 44. Brunei có 2 cơ sở, Đại học Brunei Darussalam (UBD) ở vị trí 100 của bảng xếp hạng.

 Bảng xếp hạng QS World 2019 của ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM

Trước đó, tháng 6/2018 vừa qua, tổ chức xếp hạng QS cũng đã công bố kết quả xếp hạng thế giới 2019. Theo đó, lần đầu tiên hai Đại học Quốc gia của Viêt Nam là ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM có tên trong top 1000 các đại học hàng đầu thế giới. Mặc dù kết quả còn khá khiêm tốn, nhưng đây là một bước tiến dài trong quá trình hội nhập của đại học Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam mới chỉ có hai Đại học quốc gia có tên trong nhóm 201+ của bảng xếp hạng QS. Sau 5 năm, ĐHQGHN đã vượt lên hơn 76 bậc và Việt Nam đã có thêm 5 trường đại học được xếp hạng.

Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh Quốc. QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, bên cạnh các bảng xếp hạng phổ biến khác như Times Higher Education (THE), Webometrics và ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.

>>> Tin bài liên quan:

- Đại biểu Nhân dân: Việt Nam tiến bước dài trên bảng xếp hạng Đại học châu Á

- Dân trí: ĐH Quốc gia Hà Nội vươn lên vị trí 124 trong bảng xếp hạng QS châu Á năm 2019

- Vietnamnet: Đại học Việt Nam tăng hạng trên bảng xếp hạng QS châu Á 2019

- VNExpress: Bảy đại học Việt Nam vào top 500 trường hàng đầu châu Á

- VNU: UniRank công bố bảng xếp hạng 67 trường ĐH tại Việt Nam: Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng

- VNU: QS World Ranking 2018: ĐHQGHN lần đầu tiên vào top 1000 thế giới

- VNU: Xếp hạng đại học: Giải pháp cho Việt Nam


Nguồn: Dân trí