Trang Nghiên cứu
 
Giữ vững bản sắc kinh tế chính trị trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy

Tập thể Khoa Kinh tế Chính trị sẽ nỗ lực để triển khai thành công những nhiệm vụ mũi nhọn năm 2021
“Kết nối tổng lực - Khác biệt hiệu quả” là khẩu hiệu hành động của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trong năm 2021. Tạo các mũi nhọn về nhiệm vụ chuyên môn trên cơ sở thế mạnh và định hướng phát triển lâu dài cho từng Khoa là chủ trương đang được Ban Giám hiệu Nhà trường triển khai cụ thể và sâu sát.


Cuộc họp về nội dung trên đã được diễn ra chiều ngày 15/3/2021 trong không khí cởi mở, chia sẻ hoà chung nhiều niềm vui mà tập thể Khoa Kinh tế Chính trị đã đạt được trong năm qua. Tuy bị ảnh hưởng nhất định bởi đại dịch Covid-19 nhưng Khoa Kinh tế Chính trị đã hết sức nỗ lực và đạt được những thành tích đáng khích lệ.

Để xây dựng các kế hoạch mũi nhọn cho thời gian tới, Khoa xác định bối cảnh chung là: Trường Đại học Kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới, có tính bứt phá, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế trong và ngoài nước; Khoa Kinh tế Chính trị được giao nhiệm vụ mở rộng qui mô đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn chính sách. Trên cơ sở đó, Khoa xác định nhiệm vụ tổng quát là: Đóng góp tư vấn chính sách về kinh tế - chính trị cho đất nước; Nâng cao vị thế của Trường, của Khoa về đào tạo và nghiên cứu khoa học; Tạo và tăng nguồn thu cho đơn vị, hướng tới chủ trương tự chủ của Trường Đại học Kinh tế.


PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường chỉ đạo cuộc họp.

Sau khi lắng nghe những đề xuất từ phía Khoa Kinh tế Chính trị về các kế hoạch mũi nhọn trong năm 2021, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường đã có những chỉ đạo về việc sắp xếp lại và bổ sung một số nội dung cụ thể thành 4 mũi nhọn chính gồm: (1) Giữ vững bản sắc kinh tế chính trị trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy; (2) Truyền thông đột phá; (3) Phát triển (mang tính khác biệt); (4) Đa dạng hoá công tác đào tạo nội bộ.

Xoay quanh những ý kiến của Hiệu trưởng, tập thể lãnh đạo và cán bộ giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị đã bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với những chỉ đạo của Hiệu trưởng, đặc biệt là việc quyết tâm gìn giữ bản sắc kinh tế chính trị mà nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên đã dày công xây đắp. Bên cạnh đó, các giảng viên trong Khoa cũng đã có cơ hội thể hiện ý kiến của mình về hoạt động chuyên môn, đề xuất các biện pháp phù hợp với đặc thù của Khoa cho các nhiệm vụ trọng tâm mà Khoa sẽ đảm nhận.

Một trong những dấu ấn và được coi là thành công lớn nhất đối với Khoa năm qua đó là đã tuyển dụng được đội ngũ các giảng viên rất trẻ, tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ từ các nước phát triển, không chỉ được đào tạo hết sức bài bản mà còn có kinh nghiệm nghiên cứu xuất sắc. Điều này đã được thể hiện cụ thể bằng các công bố quốc tế trong danh mục ISI Q1 cũng như sự hoà nhập nhanh chóng của các cán bộ trẻ vào môi trường của Trường Đại học Kinh tế nói chung, của Khoa Kinh tế Chính trị nói riêng. Được sự dìu dắt và giúp đỡ của các thày cô lãnh đạo Khoa, nguyên lãnh đạo Khoa, tất cả các giảng viên mới tuyển dụng đều đã sẵn sàng tiếp nhận những nhiệm vụ mới, đặc biệt là mảng nghiên cứu khoa học mà Khoa đang hết sức chú trọng. Chính vì vậy, tại cuộc họp này, Ban Giám hiệu Nhà trường, Lãnh đạo các phòng chức năng của Nhà trường rất vui mừng tiếp nhận sự chia sẻ, những cảm nghĩ tốt đẹp cũng như sự bày tỏ suy nghĩ hết sức mới mẻ của các giảng viên trẻ.

Các đại biểu tham dự buổi họp gồm PGS. TS. Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo; TS. Hoàng Khắc Lịch, Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự; ThS. Nguyễn Đức Lâm, Phụ trách Phòng NCKH&HTPT cũng đã bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ của Khoa cũng như phương hướng, cách thức mà Khoa đang tổ chức triển khai công việc, đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường và giữ gìn sự đoàn kết tốt trong nội bộ. Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến với mong muốn Khoa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, đẩy mạnh kết nối học giả, tự xây dựng hệ sinh thái mang bản sắc riêng của Khoa và thể hiện sự tiếp nối giữa các thế hệ trong Khoa.


Hương Lan - KTCT