Trang Nghiên cứu
 
Giải pháp cho các phương thức trồng rừng ở Philippines và Việt Nam

Đó là nội dung được đề cập trong bài báo “A Comparison of Growth, Structure and Diversity of Mixed Species and Monoculture Reforestation Systems in the Philippines” (So sánh sự tăng trưởng, cấu trúc và sự đa dạng sinh học giữa các phương thức trồng rừng hỗn giao và trồng rừng thuần loài ở Philippines) đã được PGS.TS. Lê Đình Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Sustainable Forestry - tạp chí xếp hạng Q2 thuộc danh mục ISI.


Bài báo(1) đã cung cấp tài liệu tham khảo có giá trị cho các bên liên quan thực hiện các dự án và chương trình trồng rừng thành công ở Philippines nói riêng và các quốc gia nhiệt đới đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trong thế kỷ qua, rừng nhiệt đới đã bị suy giảm với tốc độ nhanh chóng với 350 triệu ha rừng bị chặt phá và 500 triệu ha rừng bị suy thoái. Philippines là một quốc gia nhiệt đới đang phát triển đã trải qua nạn phá rừng trên diện rộng trong những thập kỷ gần đây và có tới 59% (9,3 triệu ha) đất rừng chính thức của nước này hiện không có rừng, là đồng cỏ, cây bụi hoặc đang được canh tác nông nghiệp. Việc mất nhanh chóng diện tích rừng nhiệt đới đã dẫn đến mất và suy giảm đa dạng sinh học và các tác động nghiêm trọng đến môi trường, xã hội và kinh tế do sinh kế của người dân địa phương phụ thuộc rất lớn vào các sản phẩm và các dịch vụ hệ sinh thái do rừng cung cấp. Để giải quyết những tác động tiêu cực này, các chương trình trồng rừng quy mô lớn đã được thực hiện ở nhiều quốc gia đang phát triển, ví dụ như chiến dịch trồng một tỷ cây của Liên hợp quốc. Ngày càng có nhiều nỗ lực để tái trồng rừng trên những vùng đất bị chặt phá nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đến nay, phương thức rừng trồng chủ yếu là trồng rừng thuần loài. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi áp dụng phương pháp trồng rừng hỗn giao, mặc dù có ít bằng chứng ủng hộ việc trồng rừng hỗn giao là một cách tiếp cận tốt hơn hoặc cả hai mục tiêu kinh tế và môi trường.

Các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh những lợi thế tiềm năng của trồng rừng hỗn giao. Nhiều tác giả đang ủng hộ việc mở rộng phương thức trồng rừng hỗn giao này. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi các khu vực trồng rừng hỗn giao được thiết kế thích hợp, chúng sẽ mang lại một số lợi thế tiềm năng, chẳng hạn như khả năng phục hồi các khu vực bị suy thoái bằng cách cải thiện chu kỳ dinh dưỡng và độ phì của đất, tăng cường đa dạng sinh học, nâng ca năng suất trồng rừng, và có khả năng chống chọi tốt hơn với sâu bệnh. Ngoài ra, rừng trồng hỗn giao có thể đạt được sự đa dạng hóa sản phẩm cao.

Mặc dù trồng rừng thuần loài và rừng trồng hỗn giao mang lại những lợi ích và có những hạn chế tương ứng, có rất ít các nghiên cứu so sánh hiệu quả của các phương thức trồng rừng khác nhau. Ở đây, tác giả bài báo so sánh ba phương pháp trồng rừng được sử dụng ở Philippines, đó là rừng trồng thuần loài, rừng trồng hỗn giao cây nhập nội và rừng trồng hỗn giao cây bản địa. Đối với mỗi cách tiếp cận trồng rừng, nhóm tác giả đo lường hiệu suất sinh trưởng, cấu trúc và sự đa dạng của loài cây để đánh giá khả năng tương đối của từng cách tiếp cận để mang lại lợi ích chung của việc sản xuất gỗ và bảo tồn đa dạng sinh học. Kết quả của nghiên cứu có thể cung cấp cơ sở để lựa chọn các phương pháp tiếp cận trồng rừng phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu quản lý rừng bền vững tại khu vực nghiên cứu nói riêng và ở các nước đang phát triển nhiệt đới nói chung.

Trong nghiên cứu, nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu từ các trang trại trồng rừng của tư nhân và các dự án trồng rừng. Tổng cộng, 168 khoảnh rừng (251 ô tiêu chuẩn) trên đảo Leyte, Philippines đã được khảo sát. Dựa trên số liệu thu thập, nhóm tác giả đã so sánh sự tăng trưởng, cấu trúc và tính đa dạng sinh học của rừng trồng thuần loài và hỗn giao thông qua các chỉ số được phân tích bằng cách sử dụng các mô hình hiệu ứng hỗn hợp (Mixed Effect Model) được phát triển trong phần mềm IBM SPSS Statistics 20 (2011). Nhóm tác giả đã lập mô hình các chỉ số dưới dạng một hàm của phương thức trồng rừng (Trồng rừng thuần loài - MONO, Trồng rừng hỗn giao nhập nội - MIS, Trồng rừng hỗn giao bản địa - MNS) và các cấp tuổi của rừng (≤10 năm, 11-19 năm và ≥20 năm) (hiệu ứng cố định - Fixed Effect) với cấu trúc ảnh hưởng ngẫu nhiên (Radom Effect) của các khu vực trồng rừng. Nhóm tác giả cũng tiến hành so sánh theo cặp trên các mô hình hiệu ứng hỗn hợp để xác định sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tăng trưởng rừng, cấu trúc rừng và đa dạng loài cây giữa ba phương thức trồng rừng (Trồng rừng thuần loài - MONO, Trồng rừng hỗn giao cây nhập nội - MIS, Trồng rừng hỗn giao cây bản địa - MNS) ở ba cấp tuổi (≤10 năm, 11-19 năm và ≥20 năm). Các chỉ số về cấu trúc rừng, đa dạng loài cây, và tăng trưởng của rừng cũng được so sánh đối chứng với rừng tự nhiên được phân bố trên địa bàn nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng trồng rừng hỗn giao cây nhập nội cho kết quả tăng trưởng tốt hơn so với rừng trồng thuần loài cây nhập nội và chỉ số đa dạng loài cây cũng tốt hơn ở cả quy mô ô tiêu chuẩn và quy mô cảnh quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp trồng rừng hỗn giao cây nhập nội hoặc cây bản địa có thể mang lại lợi ích vượt trội so với việc trồng rừng thuần loài. Trồng rừng hỗn giao cây cây nhập nội cho năng suất cao phù hợp nhất với chức năng trồng rừng sản xuất và cung cấp gỗ, trong khi trồng rừng hỗn giao cây bản địa phù hợp nhất với các chức năng trồng rừng với mục đích đa dạng sinh học.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc lựa chọn các loại hình hoặc phương thức trồng rừng phù hợp là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của các dự án trồng rừng ở Philippines. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế trong nghiên cứu như quy mô mẫu khảo sát không đồng đều cho các phương thức trồng rừng, thiếu phân tích mối tương quan giữa tăng trưởng rừng, cấu trúc rừng, đa dạng sinh học và các yếu tố ảnh hưởng của chúng, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả có thể cung cấp tài liệu tham khảo có giá trị cho các bên liên quan thực hiện các dự án và chương trình trồng rừng thành công ở Philippines nói riêng và các quốc gia nhiệt đới đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam. Sự thành công của các dự án trồng rừng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao độ che phủ của rừng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

____________

 (1) Bạn đọc có thể đọc toàn văn công bố tại link:

https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10549811.2020.1767145

 

 
Vài nét về tác giả bài báo:

PGS.TS. Lê Đình Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT - ĐHQGHN, tốt nghiệp đại học tại trường Đại học Lâm nghiệp với bằng kỹ sư lâm nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế năm 1996, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý môi trường và Phát triển tại trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) năm 2006; tốt nghiệp tiến sĩ Kinh tế Tài nguyên và Môi trường tại trường Đại học Tổng hợp Queensland (UQ) - Australia năm 2013.

Đến nay, PGS. Lê Đình Hải đã công bố được 8 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín như Gobal Environmental Change, Rural Studies, Ecological Modelling, Smallscale Forestry, Sustainable Forestry thuộc danh mục SCI, SSCI, SCIE. PGS. Lê Đình Hải là giảng viên với 25 năm kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực: Kinh tế và chính sách nông lâm nghiệp, kinh tế và chính sách tài nguyên môi trường, Quản lý kinh tế, phát triển sinh kế bền vững, giảm nghèo bền vững. Cá nhân PGS. Đình Hải có thế mạnh trong sử dụng các phần mềm thống kê chuyên ngành như STATA, SPSS, NETICA cho việc phân tích số liệu đặc biệt là ứng dụng mô hình hồi qui tuyến tính, mô hình logit nhị phân (Binary Logistic Regression), mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA) và mô hình cấu trúc SEM; Mô hình hóa như Mô hình mạng Baysian Network. Những mô hình định lượng này đã được ứng dụng trong NCKH và công bố nhiều bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, PGS. Lê Đình Hải tham gia hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên NCKH đạt giải các cấp.


Huyền Anh