Trang Nghiên cứu
 
Các hoạt động đào tạo ngắn hạn có thực sự tác động đến hiệu quả sản xuất?

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đào tạo ngắn hạn nhằm cải thiện năng suất và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt trong đó phải kể đến chương trình đào tạo ngắn hạn là các hoạt động khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của các nông hộ. Hơn nữa, các chương trình đào tạo ngắn hạn này còn hướng đến những vấn đề bảo vệ môi trường bởi việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ hay thuốc bảo vệ thực vật sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường.


Bài báo “Tác động của sự can thiệp từ chính phủ đến hiệu quả sản xuất ngô của nông hộ ở miền Bắc Việt Nam” (Impact of government intervention to maize efficiency at farmer level across time: A robust evidence in Northern Vietnam) đăng trên tạp chí Môi trường, Phát triển và Bền vững (Environment, Development and Sustainability) - tạp chí xếp hạng Q2 thuộc danh mục ISI - của hai tác giả Tô Thế Nguyên và Nguyễn Anh Tuấn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đề cập tới tác động của sự can thiệp của Chính phủ tới hiệu quả sản xuất bằng cách áp dụng hàm cực biên ngẫu nhiên SPF (Stochastic Production Frontiers)[1], sau đó áp dụng phương pháp khác biệt trong khác biệt DID (Difference in Difference)[2] để xác định sự thay đổi đó.

Các phát hiện trong nghiên cứu này đã cung cấp một số hàm ý chính sách quan trọng. Mặc dù các chương trình đào tạo ngắn hạn dường như có ý nghĩa trong việc tăng hiệu quả sản xuất của những nông hộ, nhưng nội dung của một số chương trình này là không thực sự có tác động đến hiệu quả, chẳng hạn như chương trình đào tạo ngắn hạn về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ. Chương trình đó mong muốn hướng các nông hộ tới việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực an toàn hơn, mặc dù, hành vi của nông hộ đã thay đổi khi họ nhận thức được sự bất lợi của thuốc bảo vệ thực vật tới sức khoẻ và môi trường nhưng điều này về thực tế có thể đã làm tăng chi phí sản xuất của họ.

Ngoài ra, trong nghiên cứu này, một yếu tố khác chỉ ra có tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất ngô là chương trình hỗ trợ giống ngô. Thực tế, nông hộ không thể phân biệt được chất lượng của hạt ngô giống và nhìn chung, thị trường cung ứng ngô giống ở Việt Nam được vận hành tự do mà không có sự đảm bảo về chất lượng. Do vậy, ta chưa thể kết luận về tính kém hiệu quả của các chương trình khuyến khích đó. Kết quả trong nghiên cứu này còn chỉ ra rằng sản lượng ngô có thể được tăng lên bằng cách mở rộng diện tích đất canh tác. Đặc biệt, chính phủ Việt Nam hiện đang khuyến khích “tích tụ đất đai” ở các khu vực đất canh tác bị phân tán bằng cách góp đất từ các nông hộ quy mô nhỏ thành quy mô lớn hơn. Chính sách này là phù hợp và sẽ đóng góp lớn trong quá trình phát triển sản xuất ngô tại Việt nam trong thời gian tới.

Các yếu tố thiên nhiên cũng nhận thấy có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất ngô, tuy nhiên sự gia tăng của nhiệt độ là không đáng kể trong khi đó, việc giảm lượng mưa ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả sản xuất ngô. Để đối phó với những tác động không thể tránh khỏi này, một phương pháp đã được đề xuất nhằm giảm nhẹ để tránh tác động của những thay đổi thời tiết cực đoan là sự tham gia của các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền cho nông dân về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và những diễn biến sắp xảy ra của nó. Hướng họ chuyển sang sử dụng giống mới có khả năng chịu hạn và rét đậm là một trong những giải pháp phổ biến nhất được áp dụng ở các nông hộ.

Nông dân trồng ngô có thể áp dụng các phương pháp thích ứng này không chỉ để nâng cao hiệu quả kỹ thuật ngô mà còn đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững bằng cách tránh tác hại của biến đổi khí hậu.

Chương trình đào tạo ngắn hạn cung cấp bởi khuyến nông địa phương mặc dù làm tăng hiệu quả sản xuất ngô chăn nuôi của người dân, tuy nhiên, trong dài hạn chương trình này còn gặp nhiều hạn chế. Một trong những thiếu sót của các chương trình đào tạo ngắn hạn hiện nay là chỉ tập trung hướng dẫn các nông hộ sử dụng tối ưu phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chưa chú ý tới việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để bảo vệ môi trường xung quanh hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

 

>> Bạn đọc có thể đọc chi tiết nội dung bài báo tại đây:

- Impact of government intervention to maize efficiency at farmer level across time: A robust evidence in Northern Vietna. Environment, Development and Sustainability, ISI, 2020, xếp hạng Q2

 
>> Về tác giả của bài báo:

TS. Tô Thế Nguyên - giảng viên và nghiên cứu viên tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
TS. Tô Thế Nguyên tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Strasbourg (CH Pháp) năm 2016. Hướng nghiên cứu chính của ông gồm kinh tế nông nghiệp, đánh giá chính sách nông nghiệp, chính sách lương thực, kinh tế phát triển, kinh tế môi trường và tài nguyên… TS. Tô Thế Nguyên đã tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu từ năm 2001 với tư cách là trưởng nhóm Đa dạng hóa sản xuất nông hộ ở Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam do JICA tài trợ.
Đến nay, TS. Tô Thế Nguyên đang nghiên cứu về an ninh lương thực bằng cách quan sát sản xuất lương thực ở cấp độ toàn cầu và cấp quốc gia (Việt Nam). TS. Tô Thế Nguyên đã xuất bản 10 bài báo quốc tế trên các báo uy tín như Agricultural Economics; Land Use Policy; Environment, Development and Sustainability; European Review of Agricultural Economics; Journal of the Asia Pacific Economy.
 ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
ThS. Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh tiên tiến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2014 và tốt nghiệp ThS. chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Tây Úc năm 2019. ThS. Nguyễn Anh Tuấn đã từng công tác tại Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, đạt học bổng Chính phủ Úc (Australia Awards Scholarship) và sang Úc du học từ năm 2018 đến 2020.
Tính đến nay, ThS. Nguyễn Anh Tuấn đã xuất bản 6 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, 6 bài báo đăng tạp chí ISI/Scopus uy tín như Land Use Policy; Environment, Development and Sustainability; Journal of Agribusiness in Developing and Emerging Economies; Asia-Pacific journal of Regional Science; Applied Science. 2 bài báo đang trong quá trình đợi xuất bản tại Environmental Management, Regional Environmental Change. Và 5 bài báo đang trong giai đoạn phản biện tại các báo Land Use Policy; International Journal of Agricultural Sustainability; International Economics; journal of development and human capabilities and Career development international. Một sản phẩm đầy công phu nữa cũng sắp được ra mắt - ThS. Nguyễn Anh Tuấn là đồng chủ biên cuốn sách “Phân tích hành vi của người sản xuất - trường hợp của các nông hộ sản xuất chè hữu cơ ở Việt Nam”.



[1]http://www.fao.org/3/y5027e/y5027e0d.htm

[2] https://www.publichealth.columbia.edu/research/population-health-methods/difference-difference-estimation


Anh Tuấn