Nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng là một trong những vấn đề trọng tâm của kinh tế học tài chính - ngân hàng. Với hệ thống ngân hàng Việt Nam, số lượng các nghiên cứu về vấn đề hiệu quả dựa trên phương pháp bao dữ liệu (Data envelopment analysis - DEA) và phương pháp đường giới hạn ngẫu nhiên (stochastic frontier analysis - SFA) đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, mỗi
nghiên cứu riêng lẻ lại đưa ra những kết luận khác nhau về điểm số hiệu quả của
các ngân hàng Việt Nam. Lý do của vấn đề này là vì mỗi nghiên cứu lại sử dụng một
phương pháp khác nhau, áp dụng trên những bộ dữ liệu khác nhau, hoặc xem xét hệ
thống ngân hàng Việt Nam trên các góc độ khác nhau v.v.. Trong bài báo “Hiệu quả của các ngân hàng Việt Nam: Phân
tích hồi quy tổng hợp” (Efficiency in Vietnamese Banking: A Meta-Regression
Analysis Approac) đăng
trên tạp chí ‘International Journal of
Financial Studies’ xuất bản tháng 7/2021 của tác giả Ngô Đăng Thành - Giảng viên
Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và cộng sự đã sử dụng
phương pháp hồi quy tổng hợp (meta-regression) để lý giải sự khác nhau nói trên
giữa kết quả của 27 nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam
trong thời gian qua.
Các nghiên cứu
này được thực hiện trong giai đoạn 2007 - 2019, có thể do 1 hay nhiều tác giả
cùng thực hiện, đã được xuất bản hoặc chưa… Các yếu tố này đều được xem xét đến
trong bài báo “Hiệu quả của các ngân hàng Việt Nam: Phân tích hồi quy tổng hợp”.
Kết quả chính của bài báo chỉ ra rằng điểm số hiệu quả của các ngân hàng Việt
Nam có xu hướng cao hơn trong các nghiên cứu được thực hiện gần đây và thấp hơn
trong các nghiên cứu sử dụng dữ liệu dạng bảng (panel data) hoặc nghiên cứu bao
gồm nhiều ngân hàng/số liệu.
Bài báo là một sự đánh giá lại
về các nghiên cứu trong lĩnh vực hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam.
Bài báo đã góp phần tổng hợp về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam,
thực trạng nghiên cứu về hiệu quả của
các ngân hàng nói trên, cũng như giải thích được sự khác biệt giữa các nghiên cứu
này.
Về mặt phương pháp luận, bài
báo là nghiên cứu đầu tiên áp dụng phương pháp hồi quy tổng hợp
(meta-regression) trong lĩnh vực hiệu quả hoạt động ngân hàng ở Việt Nam. Về mặt
thực tiễn, bài báo đã tổng hợp và đánh giá được 27 nghiên cứu trong lĩnh vực hiệu
quả hoạt động ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2007-2019. Theo đó, bài báo
góp phần làm sáng tỏ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của một
đề tài/bài báo về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, từ đó giúp các
nhà nghiên cứu có những định hướng rõ ràng hơn trong các nghiên cứu sắp tới,
không chỉ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà có thể được mở rộng ra nhiều
lĩnh vực khác.
>> Xem bài báo: Ho, T. H., Nguyen, D. T., Ngo, T.,
& Le, T. D. Q. (2021). Efficiency in Vietnamese Banking: A
Meta-Regression Analysis Approach. International Journal of Financial
Studies, 9(3).
Tác giả bài báo:
- Hồ Hữu Tín, ĐH Kinh tế -
Luật, ĐHQG HCM
- Nguyễn Thành Đạt, ĐH Kinh
tế - Luật, ĐHQG HCM
- Ngô Đăng Thành, ĐH Kinh tế,
ĐHQGHN
- Lê Đức Quang Tú, ĐH Kinh tế
- Luật, ĐHQGHCM
Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:
| TS. Ngô Đăng Thành hiện là
Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu
chính của ông tập trung vào lĩnh vực hiệu quả và năng suất
(efficiency/productivity analysis) trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng,
nông nghiệp, hàng không,... Ông cũng tham gia một số nghiên cứu về phát triển bền
vững. |