Trang Nghiên cứu
 
Thu nhập tuyệt đối, thu nhập so sánh và phúc lợi chủ quan ở quốc gia đang chuyển đổi: Bằng chứng từ các cuộc điều tra hộ gia đình Việt Nam

Hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng, đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là một trường hợp đặc trưng để nghiên cứu về mối quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc cá nhân. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chuyển đổi kinh tế và kiên trì với định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù có nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm trung bình thấp nhưng chỉ số hạnh phúc cá nhân của người dân lại khá cao.


Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ThS. Lã Thanh Bình và các cộng sự đã có bài báo “Absolute income, comparison income and subjective well-being in a transitional country: Panel evidence from Vietnamese household surveys” (Thu nhập tuyệt đối, thu nhập so sánh và phúc lợi chủ quan ở quốc gia đang chuyển đổi: Bằng chứng từ các cuộc điều tra hộ gia đình Việt Nam) đăng trên Economic Analysis and Policy - tạp chí thuộc danh mục ISI, được xếp hạng Q1 theo tiêu chí của SCIMAGO.

Sử dụng dữ liệu bảng, đây được coi là nghiên cứu tiên phong đưa ra phân tích thực nghiệm về tác động của thu nhập tuyệt đối và thu nhập so sánh đối với phúc lợi chủ quan hay hạnh phúc cá nhân ở một quốc gia đang chuyển đổi. Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu từ điều tra hộ gia đình tiếp cận nguồn lực và đánh giá tác động chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (VARHS) ở Việt Nam trong ba chu kỳ (2012, 2014 và 2016), áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với mô hình hiệu ứng cố định. Mẫu điều tra gồm 6.575 người dân từ 12 tỉnh nông thôn ở Việt Nam. Thông qua nghiên cứu, nhóm tác giả hướng đến trả lời các câu hỏi sau: Thu nhập tuyệt đối tác động như thế nào đến hạnh phúc cá nhân? Thu nhập so sánh có ảnh hưởng như thế nào đối với hạnh phúc cá nhân? Tác động của khoảng cách thu nhập giữa thu nhập tuyệt đối và thu nhập so sánh đối với hạnh phúc cá nhân là như thế nào? Hạnh phúc của cá nhân sẽ bị tác động bởi sự so sánh thu nhập của cá nhân với người giàu hơn hay nghèo hơn mình?

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: (i) Thu nhập tuyệt đối có tác động tích cực tới phúc lợi chủ quan, tăng thu nhập tuyệt đối có mức ảnh hưởng lớn nhất, trong số các tác động của thu nhập, tới hạnh phúc của người dân; (ii) Thu nhập so sánh có tác động tiêu cực tới hạnh phúc cá nhân; (iii) Khoảng cách thu nhập của cá nhân càng lớn hơn mức thu nhập trung bình của những người xung quanh mình thì mức độ hạnh phúc của họ càng tăng lên; (iv) Các cá nhân so sánh thu nhập của mình với nhiều hơn một nhóm tham chiếu, và so sánh bản thân với cả những người khá giả và những người kém hơn. Họ sẽ hạnh phúc hơn khi họ thấy mình giàu hơn những người xung quanh và cũng bị giảm hạnh phúc nếu thấy mình nghèo hơn mức sống trung bình của những người cùng khu vực sinh sống. Vì vậy, có thể nói, nghiên cứu này đã có đóng góp mới cả về lý thuyết và thực tiễn.

Về mặt lý thuyết: Nghiên cứu đã làm sáng tỏ mức độ mà so sánh thu nhập giữa các cá nhân ảnh hưởng đến phúc lợi chủ quan của các nhóm có thu nhập so sánh khác nhau. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng thu nhập so sánh khách quan để đồng thời xem xét tầm quan trọng của vị trí tương đối trong hai nhóm tham chiếu địa phương đối với hạnh phúc của cá nhân. Nhóm tác giả giả định rằng hạnh phúc của cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự so sánh thu nhập của họ với thu nhập trung bình của những người trong cùng một xã và tỉnh nơi họ sinh sống. Bằng cách sử dụng cách tiếp cận so sánh này và chỉ số thu nhập so sánh khách quan, nghiên cứu đưa ra cách giải thích mới về sự bất đối xứng và đối xứng của tác động thu nhập so sánh đối với hạnh phúc.

Về mặt thực tiễn: Đây là nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên sử dụng dữ liệu bảng để xem xét mối quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc (với 4 chỉ số) ở quốc gia đang chuyển đổi là Việt Nam. Bằng cách sử dụng dữ liệu bảng, nhóm tác giả không chỉ khám phá tác động của thu nhập của từng cá nhân đối với hạnh phúc mà còn xem xét tác động của thu nhập cá nhân tới hạnh phúc theo thời gian. Thêm vào đó, dữ liệu bảng giúp nhóm tác giả giảm độ lệch ước lượng bằng cách sử dụng mô hình hiệu ứng cố định.

Các phân tích của nghiên cứu cho thấy rằng tăng thu nhập bình quân đầu người là một mục tiêu quan trọng trong chính sách của Chính phủ nhằm tối đa hóa phúc lợi chủ quan. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của nhóm tham khảo và khoảng cách chênh lệch về thu nhập gây ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc chủ quan của cá nhân. Chính phủ có thể khắc phục vấn đề này bằng cách đánh thuế thu nhập hoặc tiêu dùng cao hơn.

 

>> Chi tiết bài báo:

Binh Thanh La, Steven Lim, Michael P. Cameron, Tuyen Quang Tran, Minh Thi Nguyen, “Absolute income, comparison income and subjective well-being in a transitional country: Panel evidence from Vietnamese household surveys,” Economic Analysis and Policy, Volume 72, December 2021, Pages 368-385. https://doi.org/10.1016/j.eap.2021.09.008.

 

 Nhóm tác giả của bài báo:

  • ThS. Lã Thanh Bình: Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; nghiên cứu sinh tại Trường Kinh tế, Tài chính, Kế toán - Đại học Waikato, New Zealand
  • TS. Steven Lim: Trường Kinh tế, Tài chính, Kế toán - Đại học Waikato, New Zealand.
  • PGS. Michael P. Cameron: Trường Kinh tế, Tài chính, Kế toán - Đại học Waikato, New Zealand.
  • TS. Trần Quang Tuyến: Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • PGS.TS Nguyễn Thị Minh: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

 Về tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

 ThS. Lã Thanh Bình - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; nghiên cứu sinh tại Trường Kinh tế, Tài chính, Kế toán - Đại học Waikato, New Zealand. Hướng nghiên cứu chính hiện nay: Vấn đề phúc lợi chủ quan/hạnh phúc, mối quan hệ giữa thu nhập và phúc lợi chủ quan.
 



Các tin khác

<1234>