Trong hệ thống ngân hàng, sự ra đời và phát triển của các phương thức phân phối mới cho dịch vụ khách hàng cũng như các tiến bộ trong công nghệ thanh toán có thể cải thiện quy mô kinh tế trong sản xuất dịch vụ tài chính, tạo cơ hội nâng cao hiệu quả ngân hàng.
Nghiên cứu của tác giả Ngô Đăng Thành và cộng
sự với tiêu đề “The determinants of bank profitability: A cross-country
analysis” đăng trên tạp chí Central Bank
Review Vol.20, No.2 (2020) đã xem xét toàn bộ ngân hàng của mỗi quốc gia
như một hệ thống riêng biệt, từ đó so sánh các hệ thống này với nhau để tìm ra
các nhân tố có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng hiện đại, đồng thời đề xuất một
số gợi ý và khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách.
Sự phát triển của các ngân hàng hiện đại chịu
nhiều tác động của công nghệ thông tin và các tiện ích mà nó mang lại như dịch
vụ ngân hàng qua hệ thống internet (internet/online
banking), dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (phone banking), dịch vụ rút tiền tự động (ATM), dịch vụ bán lẻ
(POS)…
Các nghiên cứu về hoạt động ngân hàng và lợi
nhuận của chúng đã được thực hiện tại nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, kết
quả của các nghiên cứu này thường không thống nhất. Một trong những nguyên nhân
chính là chúng đều dựa trên số liệu của các ngân hàng khác nhau, tại các quốc
gia khác nhau và do đó có quá nhiều sự khác biệt trong các hệ thống ngân hàng
này khi phải xem xét đến vấn đề nhân tố nào sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân
hàng.
Nghiên cứu của nhóm tác giả sử dụng số liệu tổng
hợp từ 4 nguồn khác nhau gồm Chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators - WB), Chỉ số lành mạnh tài chính (Financial Soundness Indicators - IMF),
Thống kê về hệ thống thanh toán (Payment
System Statistics - BIS) và Dữ liệu về phát triển và cấu trúc tài chính (Financial Development and Structural Dataset
- WB) cho 23 hệ thống ngân hàng/quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến
2016.
Kết quả phân
tích bằng phương pháp Generalized Method
of Moments (GMM) cho thấy các dịch vụ ngân hàng hiện đại như số lượng thẻ
ngân hàng đã phát hành, số lượng máy ATM và số lượng điểm POS có tác dụng nâng
cao lợi nhuận ngân hàng. Sự phát triển của hệ thống tài chính của một quốc gia
cũng có tác động tích cực đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng của quốc gia đó;
tuy nhiên, mức độ tập trung của hệ thống ngân hàng lại có tác dụng ngược tới lợi
nhuận. Điều đó cho thấy cần phải mở rộng hơn nữa các kênh phân phối này. Ngoài
ra, kết quả cũng cho thấy tác động tiêu cực của sức mạnh thị trường đối với khả
năng sinh lời của ngân hàng, ngụ ý rằng sự cạnh tranh sẽ cải thiện khả năng
sinh lời của ngân hàng. Hơn nữa, mối quan hệ tích cực giữa phát triển thị trường
vốn và khả năng sinh lời của ngân hàng cho thấy rằng chúng nên được coi là bổ
sung cho nhau.
Từ đó,
nghiên cứu đề xuất một số gợi ý và khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính
sách:
Thứ nhất, cần tránh để cho hệ thống ngân hàng quá tập
trung vào một vài ngân hàng lớn.
Thứ hai, cần chú trọng hơn đến sự phát triển của
công nghệ thông tin và các dịch vụ mà nó mang lại cho hệ thống ngân hàng hiện đại.
Thứ ba, song song với việc phát triển công nghệ
thông tin, việc phát triển và hoàn thiện hệ thống tài chính cũng có vai trò
quan trọng đối với hệ thống ngân hàng.
>> Mời quý vị xem bài báo tại đây:
Le, T. D.
Q., & Ngo, T. (2020), “The determinants of bank profitability: A
cross-country analysis,” Central Bank
Review, 20(2), 65-73. https://doi.org/10.1016/j.cbrev.2020.04.001
- Danh sách tác giả:
(1) Lê Đức Quang Tú - Trường Đại học
Kinh tế - Luật, ĐHQG HCM.
(2) Ngô Đăng Thành - Trường Đại học
Kinh tế, ĐHQGHN.
- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:
| TS. Ngô Đăng Thành hiện là giảng viên
Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chính
của ông tập trung vào lĩnh vực hiệu quả và năng suất (efficiency/productivity
analysis) trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, hàng không... Ngoài
ra, ông cũng tham gia một số nghiên cứu về phát triển bền vững. |