Trang Nghiên cứu
 
Quản trị chất lượng chuỗi cung ứng: Công cụ hữu hiệu hướng tới gia tăng lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong bối cảnh thế kỷ XXI với xu hướng số hóa và phát triển bền vững, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đều tập trung vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và dịch vụ, trong đó cốt lõi là xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng theo hướng bền vững với chất lượng được cải thiện, đổi mới không ngừng.


Được xem là cấu phần quan trọng của quản trị chuỗi cung ứng, quản trị chất lượng chuỗi cung ứng bao gồm các hoạt động kiểm soát và bảo đảm chất lượng sản phẩm của chuỗi cung ứng dựa trên các hoạt động liên kết, chia sẻ thông tin, tăng cường giao tiếp với nhà cung ứng và khách hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và điều tra khảo sát thực địa, nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổng hợp lý luận nền tảng về quản trị chất lượng và quản trị chuỗi cung ứng cùng kinh nghiệm xây dựng, triển khai mô hình quản trị chất lượng chuỗi cung ứng tại các nước công nghiệp phát triển nhằm đề xuất mô hình/khung phân tích áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới mục tiêu gia tăng lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuỗi cung ứng (supply chain) là một hệ thống các tổ chức, con người, quá trình, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp hay nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Hoạt động chuỗi cung ứng liên quan đến biến chuyển các tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, bán thành phẩm đầu vào thành một sản phẩm hoàn chỉnh để chuyển giao cho khách hàng cuối cùng (người tiêu dùng). Đứng trên góc độ khách hàng, chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các giai đoạn liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thỏa mãn yêu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng không chỉ bao gồm nhà sản xuất, nhà cung cấp mà còn bao gồm cả người vận chuyển, nhà kho, nhà bán lẻ và chính bản thân khách hàng.

Mục tiêu chính của chuỗi cung ứng là tối đa hóa giá trị đem lại cho khách hàng. Chi tiết hơn, chuỗi cung ứng như một mạng lưới các tổ chức toàn cầu hợp tác để cải thiện các dòng chảy nguyên vật liệu, thông tin và tài chính giữa các nhà cung cấp và khách hàng ở mức chi phí thấp nhất và tốc độ cao nhất; mục tiêu của chuỗi cung ứng là sự hài lòng của khách hàng. Hoạt động chuỗi cung ứng ở cấp độ chiến lược bao gồm 5 hoạt động chính gồm: (i) Hoạt động mua hàng; (ii) Hoạt động sản xuất, chế tạo tạo ra sản phẩm và dịch vụ; (iii) Hoạt động vận chuyển các bán thành phẩm/sản phẩm trong và ngoài phạm vi chuỗi cung ứng; (iv) Hoạt động lưu trữ các bán thành phẩm và các nguyên liệu thô trước khi chúng được chuyển đi hoặc đưa đi chế biến; và (v) Hoạt động bán hàng tiêu thụ sản phẩm, Bản chất của chuỗi cung cấp là liên kết và tích hợp 4 nhà kinh doanh: nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ nhằm bảo đảm các quá trình kinh doanh thiết yếu.

Trên cơ sở xây dựng phương pháp và khung phân tích quản trị chất lượng chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp Việt Nam, nhóm tác giả đã đưa kết quả nhằm bổ sung thêm bằng chứng thực nghiệm về vai trò vô cùng quan trọng của quản trị quan hệ nhà cung cấp định hướng nhà cung cấp. Kết quả này đem đến hàm ý cho các nhà quản trị rằng việc áp dụng các thực hành định hướng chuỗi cung ứng (bao gồm: Sự hỗ trợ từ cấp quản lý, Xây dựng uy tín với nhà cung cấp, Tin tưởng vào nhà cung cấp và Điều chỉnh theo nhà cung cấp) là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh sự hợp tác với nhà cung cấp và áp dụng các thực hành quản trị chất lượng chuỗi cung ứng khác. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã đưa ra hàm ý quan trọng cho các nhà quản trị rằng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp cần tập trung vào một nhóm các thực hành sự hợp tác với nhà cung cấp nhất định, có tác động trực tiếp đến các kết quả mà doanh nghiệp đang hướng đến. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu đối với doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển để tối ưu hóa nguồn lực, bắt kịp với tốc độ phát triển của các nước công nghiệp trên thế giới.

Một điểm mới đáng chú ý từ nghiên cứu trên là cung cấp cho các học giả cũng như các nhà quản trị doanh nghiệp một hệ thống thang đo nhất quán với độ tin cậy cao, cho phép đánh giá hiệu quả của sự hợp tác với nhà cung cấp trong quản trị chất lượng chuỗi cung ứng. Điểm khác biệt của nghiên cứu này so với các công trình trước đây được thể hiện thông qua phân tích đồng thời một số lượng lớn các thực hành sự hợp tác với nhà cung cấp để đưa đến góc nhìn toàn diện về tác động của sự hợp tác với nhà cung cấp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đánh giá các khía cạnh khác nhau của kết quả hoạt động chỉ ra mối quan hệ giữa từng khía cạnh kết quả đến các thực hành sự hợp tác với nhà cung cấp. Dựa trên việc làm rõ hiệu quả của các thực hành đơn lẻ, mỗi doanh nghiệp có thể xây dựng danh sách các thực hành quản trị sự hợp tác với cung cấp với mức độ ưu tiên khác nhau để thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá tác động của quản trị chất lượng toàn diện (TQM) và sản xuất Just-in-Time (JIT) đối với tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, nghiên cứu xác nhận mối liên hệ giữa thực hành TQM và JIT. Đây được coi là các công cụ để đẩy mạnh tính linh hoạt. Trong khi TQM tập trung vào cải tiến liên tục và quản lý quy trình để cung cấp sản phẩm chất lượng cao bền vững, đáp ứng hoặc vượt qua sự mong đợi của khách hàng; JIT tìm cách loại bỏ lãng phí và giữ lượng tồn kho nhỏ nhất. Áp dụng JIT khiến doanh nghiệp sử dụng ít không gian và thời gian hơn, nên việc kiểm tra và phát hiện lỗi dễ dàng hơn, do đó cải thiện hiệu suất chất lượng. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan tích cực giữa thực hành JIT, thực hành TQM và hiệu suất linh hoạt. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất nên áp dụng quản trị chất lượng cũng như JIT ở cả ba cấp độ: nội bộ, dòng xuôi và dòng ngược để tăng cường khả năng linh hoạt.

Thêm vào đó, nghiên cứu đã kiểm định tác động điều tiết của thực hành TQM đối với mối quan hệ giữa thực hành JIT và hiệu suất linh hoạt. Xét về khía cạnh nội bộ, nếu mức độ thực thi kiểm soát quá trình cao hơn thì việc giảm thời gian thiết lập sẽ có tác động mạnh hơn đến hiệu suất linh hoạt. Việc giảm thời gian thiết lập dẫn đến không gian nhỏ hơn và dòng nguyên liệu ít hơn, do đó việc quản lý quy trình phải được điều chỉnh để phù hợp với triển khai JIT. Đối với chuỗi cung ứng dòng xuôi, sự tham gia của khách hàng có tác động điều tiết tới mối quan hệ giữa liên kết JIT với khách hàng và hiệu suất linh hoạt. Khi sự tham gia của khách hàng cải thiện sự hiểu biết về thị trường, cung cấp cho khách hàng mối quan tâm và phản hồi, các doanh nghiệp có khả năng liên kết khách hàng trong hệ thống vận hành, cung cấp giao hàng đúng hạn.

Như vậy, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp sản xuất đang thực hiện các thực hành JIT được gợi ý nên thực hiện các thực hành TQM để có thể hỗ trợ JIT dẫn đến hiệu suất linh hoạt cao hơn. Trong trường hợp các doanh nghiệp chưa áp dụng JIT và TQM nhưng muốn nâng cao tính linh hoạt, tại thời điểm ban đầu nên tập trung vào các thực hành TQM.

Thông tin cuốn sách:

Tên sách: Quản trị chất lượng chuỗi cung ứng cơ sở lý luận và một số kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam

Năm xuất bản: 2021

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội

Số trang: 144

Khổ sách: 16×24 cm

ISBN: 978-604-324-304-8

 
Thông tin tác giả:

 

 

PGS.TS. Phan Chí Anh:

Sinh năm 1970 tại Hà Nội. Hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có 25 năm kinh nghiệm thực hành, nghiên cứu, tư vấn, đào tạo về quản trị và cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp.

Quá trình đào tạo: Tốt nghiệp Đại học ngành Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội, 1993; Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kỹ thuật Hệ thống Sản xuất, Viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan, 1998; Tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc Gia Yokohama, Nhật Bản, 2008.

Các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu: Quản trị sản xuất tác nghiệp, Quản trị chất lượng, Quản trị chuỗi cung ứng, Cải tiến năng suất doanh nghiệp.

Công trình khoa học đã công bố: Tác giả có hơn 50 công bố nghiên cứu, trong đó có 23 công trình trên các tạp chí có uy tín quốc tế như: International Journal of Production Economics, Supply Chain Management: An International Journal, International Journal of Productivity and Quality Management

 

TS. Nguyễn Thu Hà:

Sinh năm 1982 tại Hà Nội. Hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn về marketing, thực hành phát triển sản phẩm mới, quản trị chất lượng chuỗi cung ứng tại doanh nghiệp.

Quá trình đào tạo: Tốt nghiệp Đại học ngành Thương mại quốc tế, Học viện Thương mại quốc tế (ISCID), Cộng hòa Pháp, 2006; Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh quốc tế, Học viện Quản trị doanh nghiệp (IAE), Valenciennes, Cộng hoà Pháp, 2007; Tốt nghiệp Tiến sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.

 Các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu: Quản trị Marketing, Marketing dịch vụ, Chất lượng dịch vụ, Phát triển sản phẩm mới, Quản trị chất lượng chuỗi cung ứng, Cải tiến năng suất doanh nghiệp.

Công trình khoa học đã công bố: Tác giả đã có hơn 40 công bố nghiên cứu, trong đó có 10 công trình trên các tạp chí có uy tín quốc tế như: Supply Chain Management: An International Journal, International Journal of Productivity and Quality Management, International Journal for Quality Research, Management & Marketing: Challenges for the Knowledge Society


TCXB-ĐHKT