Trang Nghiên cứu
 
Phương pháp xác định giá giao dịch liên kết cho mục đích thuế thu nhập doanh nghiệp

Xác định giá giao dịch liên kết là vấn đề phức tạp và đặc biệt phức tạp với các giao dịch mang tính quốc tế của các công ty đa quốc gia hoạt động ở nhiều nước khác nhau. Ở Việt Nam, đây là vấn đề khá mới và việc áp dụng các quy định vào thực tiễn sẽ phát sinh nhiều vấn đề.


Do đó, những nội dung trong cuốn sách “Xác định giá giao dịch cho mục đích thuế thu nhập doanh nghiệp” của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính công thuộc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và ThS. Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế hướng tới đáp ứng nhu cầu của các học viên, các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà thiết lập chính sách và các nhà nghiên cứu về thuế quốc tế nói chung và các phương pháp xác định giá liên kết nói riêng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể độc lập hoàn toàn trong việc thiết lập hệ thống thuế của mình mà không tham chiếu đến những thông lệ và các tập quán chung của các nước. Vì chính quyền lợi của mình, mọi quốc gia đều phải luôn giữ cho hệ thống thuế của họ có đặc tính phù hợp và tiệm cận gần nhất với những thực tế phổ biến mang tính thông lệ thế giới, đồng thời đảm bảo được lợi thế cạnh tranh tương đối trong quan hệ so sánh với các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác. Mặc dù vậy, cũng không phải là không có những quy định mang tính luật pháp quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến lĩnh vực thuế. Vẫn có những luật mang tính tập quán quốc tế (Customary International Law) hoặc Luật Hiệp định, Luật Công ước liên quan đến lĩnh vực thuế mà các quốc gia phải tuân theo. Dù rất khó xác định các nguồn luật của thuế quốc tế nhưng hầu hết các quốc gia cơ bản đều thừa nhận (tuy cách tiếp cận và cách diễn dịch có thể còn khác nhau). Đây là tiền đề quan trọng trong việc thiết lập nội dung đàm phán, ký kết giữa các quốc gia trong lĩnh vực thuế và cũng đồng thời là cơ sở quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực thi.

Hoạt động dàn xếp nghĩa vụ thuế (Tax planning) của các công ty đa quốc gia đã diễn ra với quy mô ngày càng lớn và phạm vi ngày càng mở rộng. Vì thế, “chuyển giá” (Transfer pricing) là một trong những cụm từ nóng nhất trên các diễn đàn quốc tế về thuế trong thời gian gần đây. Chuyển giá là một nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến xói mòn cơ sở thuế và di chuyển lợi nhuận ra nước ngoài làm thất thoát nguồn thu của nước chủ nhà. Nghiêm trọng hơn, chuyển giá làm cho môi trường đầu tư thiếu minh bạch, thiếu bình đẳng gây bất lợi cho chính các doanh nghiệp của nước chủ nhà. Tính trung lập của thuế bị vi phạm cả trong xuất khẩu vốn và nhập khẩu vốn, cả trong sở hữu vốn và sở hữu quốc gia. Vì thế, kiểm soát hoạt động chuyển giá chắc chắn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ các nước nói chung và các cơ quan quản lý thuế nói riêng. Nội dung kiểm soát hoạt động chuyển giá được các tác giả phân tích qua 4 nội dung chính: Thiết lập khuôn khổ pháp lý và các tài liệu hướng dẫn; Hình thành và xây dựng cơ sở dữ liệu; Tổ chức bộ máy kiểm soát hoạt động chuyển gia; và Thực hiện việc kiểm soát hoạt động chuyển giá.

Hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn FDI đăng ký đến 2020 đã đạt khoảng 350 tỷ USD (số vốn thực hiện gần 200 tỷ USD). Khu vực FDI hiện nay đóng góp xấp xỉ 20% GDP của cả nước và 70% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Sự đóng góp của khu vực kinh tế FDI vào nền kinh tế Việt Nam là một thành công không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc quản lý và giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế. Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp, dù thực tế các doanh nghiệp này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy có dấu hiệu các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động chuyển giá để thu lợi cho công ty mẹ mà ít có đóng góp nghĩa vụ thuế cho Chính phủ Việt Nam.

Cộng đồng các quốc gia trên thế giới đã có những hành động quyết liệt trong việc phối hợp, ngăn chặn và tìm giải pháp cho vấn đề xói mòn cơ sở thuế và di chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Đáng chú ý và có tầm ảnh hưởng rộng nhất là dự án BEPS (Base erosion and Profit shifting) do OECD khởi xướng từ những năm 2013. Ngay lập tức, Việt Nam đã chủ động tiếp ứng tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của diễn đàn. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết là một trong những sản phẩm nằm trong khuôn khổ kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam nhằm phù hợp với bối cảnh toàn cầu và các cam kết thực hiện dự án BEPS. Đến ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/CPNĐ thay thế cho Nghị định số 20/2017/CP-NĐ với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung và diễn đạt lại các nội dung quản lý thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là những nội dung rất mới và nhạy cảm không chỉ với các doanh nghiệp FDI mà ngay cả với những doanh nghiệp nội địa có giao dịch liên kết. Hơn nữa, Nghị định số 132 là một trong những nghị định không có thông tư hướng dẫn (ít nhất đến thời điểm hiện tại) nên có không ít những điểm mờ trong cách hiểu và thực tiễn áp dụng.

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xác định giá giao dịch ở Việt Nam mặc dù đã phù hợp với thông lệ quốc tế song còn khá nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, chưa được cập nhật với những diễn biến mới của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mà Việt Nam tích cực tham gia trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, ở bình diện quốc tế, những hoạt động kiểm soát chuyển giá đang được thực hiện ráo riết bởi sự hợp tác ngày càng chặt hơn của các chính phủ dưới dự dẫn dắt của các tổ chức quốc tế. Năm 2012-2013, OECD đã thành lập dự án BEPS (chống xói mòn cơ sở tính thuế và di chuyển lợi nhuận) với quy mô và chương trình hành động toàn diện chưa từng có. Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động tham gia vào diễn đàn theo lộ trình các bước: Phối hợp và kiểm soát lĩnh vực thương mại điện tử; Phối hợp và triển khai trong lĩnh vực hiệp định thuế; Hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện kiểm soát giá chuyển nhượng; Hoàn thiện chính sách và minh bạch trong thuế thu nhập. Theo đó, ở cấp độ cá nhân cũng như cấp độ tổ chức, người nộp thuế cần hiểu rõ và thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan; đồng thời cơ quan thuế, các bộ, cơ quan ngang Bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quán triệt thực hiện theo trách nhiệm và quyền hạn đã được quy định.

 

 

Sách: Xác định giá giao dịch cho mục đích thuế thu nhập doanh nghiệp

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, ThS. Nguyễn Văn Phụng

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 224

Giá bìa: 150.000

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2021

ISBN: 978-604-324-643-8



Về tác giả cuốn sách:

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu: Giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính công, Phó trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ông đã kinh qua nhiều vị trí giảng dạy và quản lý: Cán bộ giảng dạy, Phó trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Trưởng Ban Quản lý khoa học - Học viện Tài chính; Phó Giám đốc đào tạo Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực Vietinbank. Ông đã chủ biên, tham gia biên soạn nhiều sách giáo trình, tham khảo, chuyên khảo; đồng thời làm chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài cấp Bộ Tài chính, Học viện Tài chính, góp phần phản biện và hoàn thiện chính sách chế độ tài chính ở nhiều lĩnh vực.

ThS. Nguyễn Văn Phụng: Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA); Giám định viên tài chính, Báo cáo viên pháp luật. Ông có bằng Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản), từng đảm nhiệm chức vụ Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) với gần 20 năm tham gia soạn thảo các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định về thuế, phí và lệ phí; tham gia các nhóm công tác lớn của Bộ Tài chính: Nhóm xây dựng Đề án Chiến lược Tài chính Quốc gia (1995-1999); Nhóm hợp tác nghiên cứu chung Việt Nam - Nhật Bản về cải cách thuế (2003-2005); Nhóm tư vấn chính sách cho Bộ trưởng Bộ Tài chính (2006-2010); Nhóm xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Cải cách Tài chính công, Chiến lược cải cách hệ thống thuế (giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011-2020).