Trang Đào tạo đại học
 
UEB hoàn thiện, phát triển mạng lưới Cố vấn học tập và kích hoạt hệ thống “cảnh báo sớm”

Đây là quyết tâm của lãnh đạo và giảng viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã được khẳng định trong Hội nghị Cố vấn học tập học kỳ II năm học 2020 - 2021, đồng thời đáp ứng mục tiêu định hướng “cá thể hóa người học”.


Từ lợi ích của sinh viên, gia đình, nhà trường...

Tại Trường Đại học kinh tế, ĐHQGHN, vài trò của Cố vấn học tập (CVHT) đặc biệt quan trọng. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của CVHT trong đào tạo đại học, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng nhà trường từng khẳng định: “Cố vấn học tập có nhiệm vụ giải đáp thắc mắc, tư vấn, hỗ trợ, định hướng cho SV hệ chính quy trong các vấn đề liên quan đến học tập cũng như các vấn đề khác của SV, kịp thời đề xuất với khoa và Nhà trường về cách xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình đào tạo. Cố vấn học tập như người anh người chị cả luôn đi đầu định hướng cho SV, luôn đi sát theo dõi, giúp đỡ SV cố gắng và luôn đi cuối khi thấy tất cả SV đều đã có thành tích học tập tốt. Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, cố vấn học tập là người đóng vai trò quan trọng vào sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của SV. Nhiệm vụ của Cố vấn học tập là tư vấn về học tập, nghiên cứu khoa học và việc làm cho SV.” 

Ngoài nỗ lực học tập cá nhân, nhờ có sự hướng dẫn, định hướng của CVHT, tỷ lệ sinh viên ra trường trước hạn ngày càng nhiều, đặc biệt có SV đã hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian 5 - 6 học kỳ, rút ngắn thời gian ngồi trên ghế nhà trường và sớm tiếp cận với những cơ hội việc làm tốt.

Theo phân tích của TS. Đỗ Kiều Oanh - Chủ nhiệm bộ môn, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, người có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò là CVHT, thì việc SV hoàn thành chương trình học tập trước hạn, đúng hạn mang lại lợi ích cho rất nhiều nhóm đối tượng. TS. Đỗ Kiều Oanh đã xây dựng một kế hoạch công phu cho SV từ chi phí học tập, sinh hoạt đến lộ trình đăng ký tín chỉ, phân bổ thời gian học tập để giúp SV có những năm tháng học tập hiệu quả. Theo đó, với SV ở KTX, SV thuê nhà trọ, nếu tốt nghiệp sớm từ nửa năm đến 1 năm sẽ tiết kiệm được từ 18 đến 39 triệu đồng tiền chi tiêu. Hơn nữa, các em còn tiết kiệm được thời gian học trên ghế nhà trường, tiếp cận sớm và đa dạng hóa cơ hội việc làm... Với gia đình của SV, ngoài việc tiết kiệm được tài chính cung cấp cho con, thì việc gia đình có con tốt nghiệp sớm hay đúng hạn, có cơ hội việc làm tốt là một niềm tự hào rất lớn. Với nhà trường, nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường sớm, đúng hạn là chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo và chỉ số xếp hạng.

Lợi ích từ việc SV tốt nghiệp sớm, đúng hạn là thấy rõ, tuy nhiên chỉ cần một kế hoạch nhỏ nào đó trong lộ trình đi nhầm quỹ đạo thì lộ trình sẽ bị phá vỡ và hiệu quả thực hiện sẽ không được cao như kỳ vọng. Vì vậy SV rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình, nhà trường, các thầy cô giáo, các bạn học, và nhất là các CVHT trong việc hoạch định và sát sao thực hiện một lộ trình học tập hiệu quả theo nhu cầu và khả năng của từng SV. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện định hướng “cá thể hóa người học”, đào tạo một cách hiệu quả, phù hợp với từng SV.

 

Hội nghị Cố vấn học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khẳng định quyết tâm hoàn thiện và phát triển mạng lưới Cố vấn học tập của nhà trường.

... Và việc thực thi hệ giá trị xuyên suốt của Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN: Yêu thương, tận tâm với SV 

 “Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN khẳng định uy tín quốc tế không chỉ trong chất lượng đào tạo, chất lượng các công trình quốc tế, mà còn ở tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay và chất lượng SV đã được nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Kết quả đó phải kể đến đóng góp quan trọng của các thầy cô CVHT, những người luôn có trái tim thương yêu và sự tận tâm với sinh viên” - PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN nhận định. Đây chính là hệ giá trị xuyên suốt của nhà trường mà đội ngũ thầy cô CVHT là những người đi đầu trong việc thực thi hệ giá trị ấy, được người học, gia đình và xã hội ghi nhận. Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để CVHT thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mang lại thêm nhiều giá trị hơn nữa cho người học. 

 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Cố vấn học tập

Tại Hội nghị, TS. Phạm Thu Phương - CVHT của khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế nhấn mạnh, hệ thống hỗ trợ SV của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN hiện nay rất đa dạng, từ Cố vấn học tập, Trợ lý khoa, các phòng chức năng của nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đến chương trình Buddy system của sinh viên. Trong thời gian gần đây, hệ thống hỗ trợ này đã được xây dựng bài bản và phát huy tốt được vai trò của mình.

CVHT chính là những người hỗ trợ SV trong quá trình trưởng thành và phát triển bằng cách đồng hành xây dựng các kế hoạch giáo dục có ý nghĩa phù hợp với mục tiêu của từng em. Đó là một quá trình liên tục và nhất quán được xây dựng trên cơ sở các mối liên hệ cá nhân thường xuyên, tích lũy giữa thầy cô CVHT và SV. Mỗi CVHT không chỉ là những người thầy người cô song hành cùng SV trong việc xác định mục tiêu học tập, nghề nghiệp, đánh giá tiến trình học tập và hỗ trợ nguồn lực khác, mà còn như là những người trong gia đình luôn lắng nghe và chia sẻ cùng các em. Như vậy, vai trò của CVHT không còn đơn giản chỉ là lên lịch khóa học mà cao hơn là tham gia vào quá trình tư vấn phát triển cho SV. Đây cũng chính là giá trị xuyên suốt trong sứ mệnh, giá trị cốt lõi của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Nói về các thầy cô CVHT, SV Nguyễn Thị Hồng (Khoa Kế toán - Kiểm toán), vừa dành được 100 triệu đồng Học bổng Thắp sáng tài năng Việt năm học 2019 - 2020 với số điểm tổng kết 3,82 từ năm học thứ 2, cho biết: “Với sinh viên chúng em, mô hình CVHT vô cùng thiết thực. Các thầy cô CVHT rất gần gũi, nhiệt tình hỗ trợ sinh viên không chỉ trong việc học tập, hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học mà còn chia sẻ với chúng em nhiều kinh nghiệm sống và làm việc.”

 

 

Các cố vấn học tập chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao vai trò của đội ngũ CVHT trong hoạt động đào tạo 
... Đến việc kích hoạt hệ thống “cảnh báo sớm” từ năm học 2021 - 2022

PGS.TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho biết, thực hiện “cảnh báo sớm” trong nhiệm vụ của CVHT là điểm rất khác biệt của hệ thống giáo dục Nhà trường. Các phòng chức năng của nhà trường (Phòng Đào tạo, Phòng Chính trị và công tác sinh viên...) sẽ tham gia cùng 70 CVHT (năm học 2020 - 2021) trong việc sát sao với kế hoạch học tập của từng SV, phát hiện kịp thời các “nút thắt” trong lộ trình học tập và cùng SV tìm ra những nguyên nhân, giải pháp để gỡ rối một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Đây là giải pháp đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, công sức và tâm huyết của CVHT cũng như toàn hệ thống quản lý giáo dục của nhà trường và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ quyết tâm thực hiện hệ thống “cảnh báo sớm” ngay từ năm học 2021 - 2022.

  

Thực hiện “cảnh báo sớm" trong nhiệm vụ của CVHT là điểm rất khác biệt của hệ thống giáo dục Nhà trường, đó là khẳng định của PGS.TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

 Từ thực tiễn tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho thấy, hoạt động CVHT đạt hiệu quả tốt là khi thầy cô sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe SV, khuyến khích SV chia sẻ, đưa ra tư vấn kỹ thuật và chiến lược về môn học/chương trình học, theo dõi sự tiến bộ của SV; khuyến khích SV khám phá các chuyên ngành khác nhau và cung cấp nguồn lực liên quan, làm rõ chính sách, quy định của trường, kết nối SV và các nguồn lực khác... Đây chính là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thực hiện cá thể hóa người học, giúp mỗi SV phát huy được thế mạnh cá nhân để đạt hiệu quả học tập và phát triển năng lực cao nhất, cũng là thể hiện quan điểm giáo dục tiên tiến của Nhà trường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, SV tạm thời học tập qua hình thức online, thì việc giữ cho đường dây thông tin liên lạc giữa SV - Nhà trường được thông suốt cũng như việc thực hiện lộ trình học tập của SV không bị “lệch sóng” lại càng cần đến vai trò quan trọng của các CVHT.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ và phục vụ sinh viên, như việc dồn nguồn lực giảng viên để triển khai Học kỳ hè, hỗ trợ SV thực hiện sớm những dự định việc làm và con đường tương lai.

 

 

 
  
 Các giải pháp thực hiện hệ thống "cảnh báo sớm" nhận được sự quan tâm của các giảng viên
 
Tin bài liên quan:

Cố vấn học tập - Người luôn đi trước về sau 

 


Bài và ảnh: Thùy Dung - UEB Media


Các tin khác