Trang Đào tạo đại học
 
“Các nước Châu Á cần hành động như thế nào để duy trì sự phát triển tự lực”

Đó là chủ đề của buổi thảo luận sáng nay, 26/8/2010, giữa đại diện các đoàn trường đại học Châu Á tham dự GPAC tại Hà Nội.


10 giáo sư đại diện cho 6 trường đại học đã “đăng đàn” và cùng đưa ra những quan điểm xoay quanh chủ đề “Các nước Châu Á cần hành động như thế nào để duy trì sự phát triển tự lực”. Ngoài ra, buổi thảo luận cũng đã đề cập đến những thành viên tham dự GPAC và coi đây như một diễn đàn để sinh viên các trường đại học Châu Á thể hiện khả năng thủ lĩnh của mình.

Tại buổi thảo luận này, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN, với vị trí là Chủ tịch đoàn đã mở màn phát biểu chào mừng diễn đàn. Đây là ngày làm việc đầu tiên của GPAC sau 2 ngày tổ chức các hoạt động chào đón, thăm quan và giao lưu giữa các sinh viên.
Tại buổi thảo luận, GS. Haruo Shimada, Hiệu trưởng Trường Đại học Chiba (Nhật Bản) đã gây ấn tượng với sự hiểu biết sâu sắc của mình về lịch sử Việt Nam nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Ông đã khiến cả khán phòng ồ lên khi kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đem lại tự do, độc lập cho dân tộc Việt Nam. GS. Haruo Shimada cũng không quên nhắc đến quan hệ hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng như những nét tương đồng về văn hóa giữa hai đất nước. Bài phát biểu rất ấn tượng của GS. Haruo Shimada đã nhận được lời cảm ơn chân thành của PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng như những tràng pháo tay tán dương từ 150 sinh viên quốc tế trong khán phòng.
Nói về sự phát triển của Châu Á, GS. Wei-Jen Wen đến từ ĐH Chen Chi (Đài Loan) cho rằng, các nước trong khu vực Châu Á cơ bản là những nước trẻ, mới phát triển, trong đó có cả Trung Quốc và Đài Loan. Chính vì vậy họ có sự năng động và có nhiều cơ hội học hỏi, tiếp cận, kế thừa những thành tựu về khoa học và kinh tế của thế giới. Điều quan trọng là thế hệ trẻ sẽ tiếp nhận và xử lý thế nào.

Các giáo sư đã chia sẻ nhiều thông tin tới các đoàn sinh viên quốc tế

Tiếp lời GS. Wei-Jen Wen, GS. Kun-Ming Chen hiện đang giảng dạy tại ĐH Chen Chi khẳng định, sinh viên tham gia GPAC rất trẻ trung, tài năng và đầy triển vọng. “Tuy nhiên các bạn cần nắm rõ được nhiệm vụ của mình, cần biết các nước Châu Á cần phải làm gì?”, ông nhấn mạnh.
Trở lại với diễn đàn, GS. Shimada chia sẻ, những sinh viên tham dự diễn đàn này nên trao đổi với nhau về các vấn đề của mỗi khu vực, mỗi quốc gia nhưng nên đặt vào bối cảnh cụ thể của quốc gia đó để hiểu được cặn kẽ về vấn đề và rút ra bài học. Ông cũng cho rằng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước Châu Âu, từ mọi lĩnh vực như du lịch, giao thông, văn hóa chứ không chỉ về kinh tế… từ đó mới có được sự phát triển bền vững của xã hội. Sinh viên nên chia sẻ ý kiến chung và tự tin rằng mình có thể thay đổi thế giới.
GS. Sang-Kee Min, Đại học Quốc gia Seoul và GS. Yuri Takahashi, Đại học Chiba nhấn mạnh về khả năng sử dụng tiếng Anh để tìm thấy các cơ hội học hỏi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sinh viên quên mất việc cùng nhau chia sẻ những vấn đề của Châu Á cũng như trao đổi ý kiến về những giải pháp để phát triển kinh tế, phát triển Châu Á. Và một yếu tố cũng rất quan trọng khác, đó là cần phải tìm hiểu văn hóa, lịch sử của các nước trước khi muốn hợp tác với họ.

Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn

Trong buổi chiều 26/8, các giáo sư của 6 trường đại học sẽ lắng nghe các bài thuyết trình của các đội tham dự diễn đàn GPAC xoay quanh vấn đề kinh tế Châu Á. Tham dự buổi thuyết trình này, 150 sinh viên của 6 trường đại học sẽ chia ra thành các nhóm thảo luận, sau đó quyết định đưa ra đề tài cụ thể để thuyết trình trước diễn đàn.
>> Thông tin về buổi thuyết trình sẽ được chúng tôi cập nhật trong bài viết tới.
Ngày mai, 27/8, diễn đàn GPAC sẽ diễn ra buổi thảo luận cuối cùng và bế mạc vào buổi sáng. Buổi tối, Trường ĐHKT sẽ tổ chức tiệc chia tay các đoàn tham dự diễn đàn GPAC.
Ngày 28/8, các đoàn tham dự GPAC sẽ có buổi thăm quan Vịnh Hạ Long, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, di sản thiên nhiên thế giới.


TIN LIÊN QUAN:

Thùy Dung - Mạnh Tuấn