Trang Đào tạo đại học
 
Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013

Ngày 16/7/2012, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố 13 Luật và 2 Nghị quyết đã được QH Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Giáo dục đại học.


13 Luật được công bố lần này gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học và Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013; Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ 1/1/2014. Hai Nghị quyết được công bố là Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Luật Giáo dục đại học gồm 12 chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Luật Giáo dục đại học quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo, trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.

Địa vị pháp lý của Đại học quốc gia được quy định tại điều 8 của Luật Giáo dục đại học như sau:

- Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

- Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.

- Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

- Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.


VNU_net