Trong hai ngày vừa qua ( 5-6/4/2021), sinh viên các lớp Thương mại điện tử đã có những buổi học vô cùng thú vị và hữu ích với Đại diện doanh nghiệp đến từ Công ty cổ phần công nghệ Sapo.
Với phương châm đổi mới đào tạo, tăng cường thực hành và tiếp cận công việc thực tế ngay khi còn đang học tập tại giảng đường, Trường Đại học Kinh tế nói chung và Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế nói riêng đã có nhiều hình thức đào tạo kết hợp.
Bên cạnh việc đi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, tham dự các diễn đàn, talkshow, sinh viên còn có cơ hội tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp ngay trong các buổi học tại giảng đường. Tham gia trong buổi học ngày 5/4, có chị Nguyễn Thị Lệ Xuân, trưởng phòng Kinh doanh Sapo web. Chị đã đem đến cho lớp học một bầu không khí vô cùng mới mẻ, với cách tiếp cận những kiến thức dưới góc nhìn của một doanh nghiệp. Thông qua những thông tin tổng quan về thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay, chị Xuân đã giúp các bạn sinh viên nhận ra những đặc điểm, thuận lợi, khó khăn cũng như xu hướng phát triển của ngành thương mại điện tử, để rồi từ đó giới thiệu tới các bạn 1 giải pháp công nghệ của công ty.
Chị Nguyễn Thị Lê Xuân - Trưởng phòng Kinh doanh Sapo Web
Cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của ngành thương mại điện tử, những lợi ích của hình thức kinh doanh bán hàng đa kênh (Omni Channel) đã được kể đến như: tăng khả năng nhận diện thương hiệu, giúp thu hút khách hàng mới, giảm thiểu chi phí phải đầu tư cho cửa hàng vật lý, tính linh hoạt cao giữa các kênh bán hàng, không phụ thuộc vào nền tảng kinh doanh,… Nhân đây, TS. Nguyễn Tiến Minh cũng đã có chia sẻ với các bạn sinh viên về những thủ thuật của các nhà bán hàng trong thực tế để tận dụng tối đa các lợi thế này như tạo nhiều cửa hàng trên cùng một nền tảng, tạo hiệu ứng chim mồi,… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc kinh doanh trên nền tảng số hóa cũng gặp không ít khó khăn. Đó là những hạn chế trong vấn đề kiểm soát lượng hàng tồn kho, dẫn đến những khó khăn trong kiểm soát dòng tiền. Sự đầu tư kinh doanh trên nhiều kênh cũng dẫn tới hạn chế trong việc đồng bộ giữa các kênh bán hàng, làm gia tăng chi phí, sai sót trong vấn đề xử lý các đơn hàng. Sự phân tán các cửa hàng làm thiếu đi sự đồng nhất thông tin khách hàng, làm sai lệch cơ sở dữ liệu phân tích sức mua của khách. Những thống kê và so sánh hiệu quả kinh doanh nếu không được tiến hành cẩn thận cũng sẽ dẫn đến việc đầu tư dàn trải, doanh nghiệp không tập trung đầu tư được vào kênh hiệu quả nhất của mình,…
Sinh viên cùng tham gia giao lưu cùng doanh nghiệp
TS. Nguyễn Tiến Minh giải đáp thắc mắc cùng sinh viên
Nhằm giúp khắc phục những vấn đề đó, Công ty Sapo đã phát triển Sapo Omni Channel như một giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp. Thông qua giới thiệu của chị Xuân, các bạn sinh viên đã được khám phá các tính năng của một phần mềm hỗ trợ quản lý và bán hàng trực tuyến như cách thức phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý kho và bán hàng, quản lý bán hàng trên nhiều kênh khác nhau như Facebook, website hay trên các sàn thương mại điện tử. Các bạn sinh viên được hướng dẫn sử dụng các tính năng của Sapo để hiểu rõ hơn hoạt động thực tế của nền tảng này. Những hoạt động tạo đơn hàng, kiểm soát kho, luồng tiền, chăm sóc khách hàng,… thoạt nghe thì đơn giản, nhưng thực tế lại là những bài toán “khó nhằn” cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Bằng những công cụ thông minh được thiết kế khoa học, Sapo đã hỗ trợ các nhà bán hàng tháo gỡ những khó khăn này.
Các bạn còn được tiếp xúc với các tính năng chốt hàng trên nhiều kênh bán hàng khác nhau, các tính năng, cách thức tiến hành livestream bán hàng sao cho hiệu quả nhất. “Hóa thân” làm một người bán hàng thông qua livestream trên mạng xã hội Facebook, các bạn sinh viên hiểu rằng, những công đoạn để có thể chốt được thật đúng và thật nhanh các đơn hàng khi đang phát trực tiếp cũng thật phức tạp và không phải là điều dễ dàng. Và một nền tảng tiện ích như Sapo để hỗ trợ những công việc đó là một điều rất cần thiết.
Sinh viên tham gia mini game và giành giải thưởng
Buổi học không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên giao lưu với doanh nghiệp, mà còn là cơ hội giúp các bạn tiếp xúc với những cách tiếp cận nội dung học khác nhau, biết cách ứng dụng bài học trên lớp để soi chiếu vào thực tế, để những lý thuyết không chỉ là câu chuyện trên sách vở mà thực sự có giá trị thực tiễn trong công việc sau này.
Sinh viên và giảng viên Khoa KT&KDQT chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện doanh nghiệp Sapo
Giảng viên và sinh viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Công ty Cổ phần công nghệ Sapo đã đem đến cho sinh viên những buổi học vô cùng thú vị và hữu ích.