Đinh Xuân Chung (áo đen) trong chuyến giao lưu tại Nhật Bản
Đó là chia sẻ của Đinh Xuân Chung, sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về kinh nghiệm tham gia hiệu quả các chương trình giao lưu quốc tế của mình.
Đinh Xuân Chung là một trong những gương mặt sinh viên tiêu biểu của Khoa cũng như của Trường với kinh nghiệm tham gia các chương trình giao lưu quốc tế cùng nhiều học bổng cho thành tích học tập tốt và hoạt động ngoại khóa tích cực. Phóng viên website Trường ĐHKT đã có dịp trò chuyện và nghe Chung chia sẻ về những trải nghiệm và bí quyết của mình.
- Chào Chung, được biết vừa qua Chung là một trong 24 sinh viên xuất sắc của các trường đại học ở Hà Nội được cử tham gia chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á JENESYS 2.0 tại Nhật Bản. Chung có thể chia sẻ đôi chút về chuyến đi của mình?
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Đinh Xuân Chung
Lớp: QH-2012 -E KTQT CLC
Đã tham gia các chương trình:
- Giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á JENESYS 2.0 tại Nhật Bản
- Diễn đàn Sinh viên châu Á (GPAC) 2014
- The Arts Festival 2014 tại Malaysia , gồm sinh viên ở các nước Đông Nam Á.
- GMS - ASEAN Student Network 2014 tại Việt Nam, với sinh viên Đại học Chiangmai Thái Lan, Học viện Ngoại Giao, Đại học Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế.
- Giao lưu với Đại học Waseda, Đại học Hosei tại Trường Đại học Kinh tế, vai trò Leader tổ chức chương trình.
Học bổng:
- Học bổng Shinnyo Nhật Bản năm học 2012-2013.
- Học bổng Shinnyo Nhật Bản năm học 2013-2014.
- Giải nhì Học bổng Tài năng Việt 2014.
- Giải ba Nghiên cứu Khoa học Sinh viên Khoa KT&KDQT năm học 2013-2014.
- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc năm học 2012-2013.
- Học bổng Khuyến khích học tập 4/5 kỳ của ĐH Kinh tế.
|
Chuyến đi này quả thật vô cùng đáng nhớ đối với em và có lẽ với mỗi sinh viên trong đoàn Việt Nam. Chương trình này do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, nhằm đưa các sinh viên xuất sắc từ các nước trong khu vực ASEAN đến Nhật. Tham gia chương trình, các sinh viên sẽ có cơ hội giao lưu với các tổ chức và cá nhân học tập và làm việc liên quan tới chính trị, nhằm nâng cao hiểu biết về chính trị Nhật Bản và mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội được trải nghiệm văn hóa truyền thống Nhật Bản thông qua các chương trình giao lưu, tham quan thành phố và ở nhà dân. Mặc dù về Việt Nam được hơn 1 tuần rồi nhưng mỗi ngày qua em đều hồi tưởng lại về chuyến đi tuyệt vời này.
- Chung tâm đắc nhất ở chuyến đi thực tế tại đất nước mặt trời mọc là điều gì? Chung thấy mình thu nhận được những gì sau chuyến đi này?
10 ngày ở Nhật với em như là trong mơ vậy, có rất nhiều điều mà em ấn tượng trong thời gian tuy không dài ấy. Ở đó, chúng em được tìm hiểu rất nhiều về văn hóa Nhật, và điều em thích nhất đó chính là trải nghiệm “homestay” trong 2 ngày. Trong khuôn khổ của chương trình, chúng em được bắt cặp với một sinh viên khác đến ở một gia đình người Nhật để tìm hiểu về cuộc sống thực tế của họ. Ở đây, chúng em được coi như thành viên trong gia đình, và chủ nhà là các bố nuôi, mẹ nuôi. Một điều rất thú vị là em thì chỉ biết một vài câu tiếng Nhật đơn giản, mẹ cũng chỉ nói được một chút tiếng Anh, nên nhiều khi 2 mẹ con giao tiếp bằng “body language”. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ lúc này cũng không thể ngăn được tình thương yêu. Mặc dù mẹ ngoài 60 rồi nhưng vẫn cố gắng đưa em đi thật nhiều nơi. Lúc về, mẹ còn tặng em rất nhiều quà, còn gửi cả quà tặng bố mẹ Việt Nam của em nữa. Điều đó khiến em thật sự xúc động và trân trọng. Hai mẹ con vẫn giữ liên lạc sau khi em trở về Việt Nam.
Sau chuyến đi này, em thấy mình học hỏi được rất nhiều điều. Mở mang được hiểu biết về văn hóa, con người Nhật. Hay những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng cũng khiến em thấy bản thân cần phải sửa đổi và học hỏi người Nhật, chẳng hạn như thói quen đúng giờ, ý thức bảo vệ môi trường hay không bỏ thừa khi ăn… Ngoài ra, em có thêm những người bạn thân thiết trong đoàn Việt Nam, cũng như làm quen được với nhiều bạn bè đến từ Nhật và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
- Một chương trình giao lưu quốc tế lớn khác mà Chung đã tham gia là Diễn đàn sinh viên châu Á 2014 (GPAC) được tổ chức tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, Chung nhớ nhất điều gì về chương trình này?
GPAC 2014 để lại cho em rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ, có lẽ cũng vì là lần đầu tiên tham gia một chương trình tầm cỡ quốc tế lớn nên em rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp của chương trình.
Đinh Xuân Chung tại GPAC 2014
Competition là một cuộc thi hùng biện nhóm trong khuôn khổ GPAC. Em rất vui vì nhóm em Team 3 đã giành giải nhất. Cùng nhóm với em có các bạn sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và 2 trường đại học của Nhật Bản là Keio và Meio nữa. Đề tài mà nhóm em thuyết trình là về “Kinh tế xanh”. Chị biết đấy, hiện nay có rất nhiều các công ty cho ra các sản phẩm và họ nói rằng có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường để tạo niềm tin trong khách hàng. Nhưng thực tế thì có nhiều những sản phẩm không được như thông tin từ công ty cung cấp. Qua đó, nhóm em phải đưa ra quan điểm cho 2 câu hỏi chính là: “Với con mắt của người tiêu dùng, theo bạn, đâu là những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một công ty đang đưa ra những thông tin không đúng về sản phẩm xanh của họ? Và “Bạn nên làm gì để chống lại những hành động của các công ty đó?”.
Được cùng bàn bạc, lên ý tưởng từ nội dung, thiết kế powerpoint đến cách thức thuyết trình với các bạn sinh viên quốc tế thật sự rất vui, chúng em cũng trở nên thân thiết và gần gũi hơn khi làm việc cùng nhau. Các bạn sinh viên tham gia chương trình đều rất xuất sắc, tự tin và tài năng, nên khi được làm việc cùng các bạn, em học hỏi được rất nhiều điều, kiến thức cũng như cách làm việc hiệu quả của các bạn.
- Theo em, sinh viên cần chuẩn bị cho mình những gì để có thể tự tin tham gia được những cuộc giao lưu đó?
Theo em, khi tham gia một chương trình giao lưu quốc tế, một điều hết sức cần thiết là sinh viên nên trau dồi trình độ tiếng Anh. Ngoài ra, để tham gia hiệu quả vào các chương trình giao lưu, em thấy cần phải tìm hiểu kỹ về chương trình, nội dung, cũng như mục đích của nó. Chuẩn bị kiến thức về văn hóa, con người Việt Nam cũng như các nước theo em cũng cần thiết, như thế sẽ dễ dàng hơn khi giao lưu với các bạn.
Với các chương trình học thuật hơn, những hội thảo phải báo cáo hoặc thuyết trình về một chủ đề. Nên ngoài những điều nêu trên, em nghĩ sẽ tốt hơn nếu sinh viên rèn luyện khả năng nói, khả năng hùng biện trước đám đông. Bên cạnh đó là kỹ năng làm việc nhóm, hay quan trọng nữa là nắm chắc kiến thức mà thầy cô giảng dạy cũng sẽ giúp rất nhiều trong quá trình làm báo cáo.
- Không chỉ học tập tốt, tích cực hoạt động ngoại khóa, Chung còn giành được rất nhiều học bổng. Bí quyết gì giúp em đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ này?
Các học bổng đối với em như những món quà tinh thần ý nghĩa mà em muốn giành tặng bố mẹ. Bởi vậy, em luôn nhắc nhở bản thân không ngừng cố gắng để đem niềm vui đến cho gia đình. Em cảm thấy may mắn và tự hào khi là sinh viên của ĐHKT, nơi mà có rất nhiều học bổng khác nhau để sinh viên có thể phấn đấu.
Cũng không hẳn là bí quyết, nhưng em nghĩ điều đầu tiên là sinh viên phải phấn đấu học tập thật tốt, có mục tiêu rõ ràng; ngoài ra nên tìm hiểu thông tin về các học bổng để biết mình cần chuẩn bị những gì. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và nghiên cứu khoa học của nhà trường cũng sẽ giúp sinh viên tiến gần hơn đến các học bổng.
Đinh Xuân Chung nhận học bổng Tài năng Việt
Trong các học bổng mà em đã nhận được, “Tài năng Việt” là học bổng giá trị và thử thách nhất với em. Lúc đầu khi làm hồ sơ, hồi đó em mới bước vào năm 2, em chỉ nghĩ là mình cứ thử sức để lấy kinh nghiệm. Vì chị biết đó, ĐHKT có rất nhiều các anh chị, các bạn học giỏi và tài năng. Khi nhận được kết quả sau 3 vòng thi, em vô cùng bất ngờ và vui sướng. Con số 30 triệu với một sinh viên như em quả thật vô cùng giá trị. Em có một lời khuyên cho các em khóa sau, nếu có cơ hội thì các em đừng ngần ngại thử sức.
- Là sinh viên năm 3, Chung cảm thấy thế nào trước ngưỡng cửa tốt nghiệp cũng như việc làm sắp tới?
Là sinh viên năm 3, cũng như bao sinh viên khác nhiều khi em cũng suy nghĩ, băn khoăn về tương lai. Đôi khi còn thử tưởng tượng xem liệu 5 năm nữa mình như thế nào và đang ở đâu? Về công việc, khi mới bước vào trường một thời gian, em đã định hướng sau khi tốt nghiệp, em sẽ tiếp tục đi học để theo đuổi ước mơ một ngày nào đó trở về trường với vai trò mới - là giảng viên tiếp tục chắp cánh ước mơ cho các thế hệ sinh viên sau này của Đại học Kinh tế. Em biết rằng, trên con đường này sẽ còn nhiều thử thách và em sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì vậy, em vẫn đang từng ngày trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Em vốn là người lạc quan, hay suy nghĩ tích cực nên em luôn tin rằng có ước mơ, có cố gắng thì sẽ có thành công.
- Cảm ơn Chung! Chúc em học tập tốt và ngày càng có thêm được nhiều dấu ấn đáng nhớ của thời sinh viên!