Thông tin cho sinh viên
 
Nghị lực của nữ thủ khoa hai lần giành Học bổng Kova

Hoàng Dung nhận giấy khen sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ làm nghề nông, Hoàng Thị Dung (quê xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương) sinh viên lớp QH-2013-E-KTQT, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã thể hiện nghị lực học tập phi thường và được vinh danh là Thủ khoa hệ chuẩn năm 2017 của Trường Đại học Kinh tế.


Tôi gặp Hoàng Thị Dung từ Hải Dương lên trong một ngày hè oi ả, khi em tất bật cho công việc mới được nhận tại Công ty Fingroup, trước khi nhận bằng tốt nghiệp đại học và bước vào một chặng đường mới. Nhưng ít tai biết, cô sinh viên dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng đó lại là thủ khoa hệ chuẩn năm 2017 của Trường Đại học Kinh tế với số điểm 3.70/4 (đào tạo tín chỉ).

Xuất thân trong một gia đình làm nghề nông, bố không may mất sớm khi chưa kịp nhìn thấy con gái trưởng thành; mẹ Dung, một người phụ nữ đảm đang, tiết hạnh đã vượt qua nỗi đau đó, tần tảo nơi ruộng đồng sớm hôm nuôi hai chị em Dung ăn học. Thương mẹ, Dung luôn tự nhủ lòng mình: “Phải cố gắng hơn để cuộc đời không còn khổ nữa, để còn chăm mẹ, báo hiếu mẹ”.

 
 

Hoàng Thị Dung (bên phải) trong lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQGHN năm 2016.

Từ khi biết tin trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế, Dung luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng giai đoạn và nỗ lực đạt được những mục tiêu đó. Biết rằng, trường có rất nhiều bạn học giỏi, nhưng 4 năm trước Dung đã từng ước mơ “sẽ là thủ khoa khi ra trường” và ước mơ đó của em đã trở thành hiện thực sau rất nhiều nỗ lực.

Trong quá trình học tập, Dung được nhận nhiều suất học bổng từ ĐHKT và các đối tác của Trường, cùng nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp; đặc biệt là Học bổng Kova hạng mục “Nghị lực” hai năm liền là 2014, 2015 của Ủy ban Giải thưởng Kova và Danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu” cấp ĐHQGHN năm học 2015 - 2016. Ngoài ra, em còn giành được Học bổng Lotte năm 2016; giải ba NCKH cấp khoa Kinh tế và Kinh doanh quản trị năm học 2014-2015; giải ba NCKH cấp khoa Kinh tế phát triển năm học 2015-2016; có 2 bài báo đăng trong tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (cùng các đồng sự Th.S Cảnh Chí Dũng và TS Lưu Quốc Đạt) và Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế (cùng các đồng sự TS.Nguyễn Trúc Lê, TS Lưu Quốc Đạt).

Nghe Dung “liệt kê” các giải thưởng NCKH của em, sơ sơ cũng trên dưới 10 giải thưởng. Đối với một sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì số giải thưởng đó thật đáng khâm phục; đồng thời là sự ghi nhận, tôn vinh nghị lực và ý chí vươn lên trong học tập của em; sẽ giúp em rất nhiều trên con đường lập nghiệp sau này.

Năm đầu, khi mới lên Hà Nội còn nhiều bỡ ngỡ, nên Dung chưa dám đi làm thêm và mẹ em vẫn gửi tiền lên đều đặn hằng tháng cho em ăn học; tháng nhiều thì khoảng một triệu đồng, tháng nào túng bấn thì mẹ chỉ chắt bóp gửi lên được 800-900 nghìn đồng. Biết mẹ ở nhà tảo tần, chịu nhiều khó nhọc, chắt chiu từng đồng, sang năm thứ hai, Dung đã đi làm thêm với nhiều công việc để có thể tự trang trải cho mình. Công việc em làm nhiều hơn cả là đi làm gia sư, tiền tuy không kiếm được nhiều, nhưng hằng tháng về nhà em đều dành dụm mua tặng mẹ một món quà nhỏ. Thương mẹ ở nhà một mình, em rất năng về nhà. Mái nhà cấp bốn đơn sơ mà ấm áp khi ba mẹ con nằm cùng nhau trên một chiếc giường, kể về những câu chuyện của chồng, của cha. Dung bảo, mỗi tháng em đều trích ra một khoản nuôi “lợn đất”, để sau này có tiền chăm sóc mẹ. Với em, mẹ là tất cả.

Trong 4 năm học, Dung đã 6 lần giành học bổng của nhà trường trong 8 kỳ học, mỗi lần giành học bổng em đều mừng cuống quýt gọi điện về thông báo để mẹ cùng vui. Bốn năm học, chiếc xe đạp ngày nào em mang từ quê lên, giờ cũng đã cũ mòn, minh chứng cho sự nỗ lực học tập, làm việc không biết mệt mỏi của em suốt chặng đường những năm tháng sinh viên.

Nói về bí quyết học tập để có được kết quả như vậy, Dung cười nhẹ rồi gãi đầu. Em bộc bạch: "Cần sự nỗ lực không biết mệt mỏi và niềm tin vững chắc vào tương lai thì em tin bạn sinh viên nào cũng có thể có thành tích học tập tốt. Đối với sinh viên, sự chăm chỉ, nỗ lực là vô cùng quan trọng, vì bây giờ công nghệ thông tin phát triển, ai cũng có thể tiếp cận tài liệu học tập; phương pháp thì thầy cô hướng dẫn trên lớp. Điều các bạn cần có đó là sự chủ động biến tài liệu thành kiến thức của mình".

Không chỉ là một sinh viên “Giỏi học tập” mà Hoàng Thị Dung còn “Đảm việc Đoàn”. Em là Đội phó Đội sinh viên tình nguyện tỉnh Hải Dương tại ĐHQGHN, với gần 100 thành viên, hầu như sự kiện tình nguyện lớn nhỏ nào của ĐHQGHN cũng có mặt Hoàng Thị Dung. Tham gia phong trào tình nguyện giúp em học tập được nhiều "kỹ năng mềm” như giao tiếp, tổ chức sự kiện, thuyết trình; và đặc biệt là em cảm nhận được sự cống hiến của mình cùng các bạn, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Bốn năm học tập, rèn luyện dưới mái Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là khoảng thời gian thật tuyệt vời đối với Dung. Chị gái của Dung cũng đã ra trường và đi làm; ba mẹ con ở ba nơi, chẳng mấy khi gặp nhau.

Theo học ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, nên Dung rất mong muốn sau khi ra trường có một công việc phù hợp với những gì mình đã học, được công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Và ước mơ đó đã thành hiện thực. Bằng kiến thức được học ở trường và những nghiệp vụ trau dồi, học hỏi qua thực tiễn công việc, tháng 2/2017, Dung đã xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn của Công ty Fingroup; tháng rồi trở thành nhân viên chính thức sau 2 tháng thử việc với vị trí nhân viên kinh doanh mảng xuất nhập khẩu. Từ đây, ước mơ của em dần được vun đắp và lớn lên, có thu nhập ổn định và chắt chiu gửi về giúp mẹ ở quê trang trải công việc.

Cô Nguyễn Thị Linh - Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, chia sẻ: "Hoàng Thị Dung là một sinh viên xuất sắc của Nhà trường. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng em luôn phấn đấu, quyết tâm trong học tập, năng nổ trong các hoạt động tình nguyện. Các thầy cô, bạn bè rất quý mến và tự hào về em. Chúc em thành công trên con đường phía trước, tuy không ít khó khăn, gập ghềnh, nhưng chắc chắn em sẽ vượt qua và vững bước đi lên".


Theo Quân đội nhân dân