Thông tin cho sinh viên
 
Mindmap - Bí quyết cho một trí nhớ siêu phàm

Phương pháp ôn tập bằng bản đồ tư duy sẽ giúp chúng ta sử dụng sức mạnh của não bộ để tư duy, ghi nhớ. Đặc biệt, khi chúng ta đã tự thiết kế, tự ghi chép bằng giấy và bút màu thì hiểu sâu hơn vì đã biết chuyển kiến thức từ sách vở thành cách hiểu của riêng mình.


Sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy hay bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hoá một chủ đề. Nó là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới.
Phương pháp tư duy này đã được sử dụng ở khoảng 500 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới; hơn 250 triệu người sử dụng phương pháp Mind Map của Tony Buzan; khoảng hơn 3 tỷ người đã từng xem và nghe chương trình của ông.

Vì sao học bằng sơ đồ tư duy lại hiệu quả?
Việc so sánh cách học bằng cách thông thường và cách học bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy giống như so sánh tro bếp và kim cương. Bản chất về mặt kiến thức ở cả hai cách học thì hàm lượng và nội dung không đổi. Điểm khác biệt chính là sự liên kết giữa các bài học. Việc kết nối môt cách chặt chẽ, logic giữa các bài học sẽ giúp bạn có một khung kiến thức vững chắc như kim cương vậy.
Hơn nữa theo các nhà khoa học, não bộ con người thường “ưa thích” ghi nhớ mọi thứ theo một chuỗi hơn là ghi nhớ những sự kiện rời rạc. Chính yếu tố này đã tạo nên sức mạnh của bản đồ tư duy. Nắm bắt được cách xây dựng bản đồ tư duy và vận dụng nó một cách thành thạo trong học tập là cách tuyệt vời nhất để bạn nhớ kiến thức thật lâu và làm bài thật tốt.

Xây dựng sơ đồ tư duy như thế nào?
Nguyên lý hoạt động của sơ đồ tư duy dựa theo nguyên tắc liên tưởng “ý này gợi ý kia” của bộ não. Bước đầu tiên, các bạn có thể tạo một sơ đồ tư duy ở dạng đơn giản theo nguyên tắc phát triển ý: từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, từ mỗi nhánh lớn lại tỏa ra nhiều nhánh nhỏ và cứ thế mở rộng ra vô tận.
Tuy nhiên, cách vẽ cũng rất giản đơn và còn rất nhiều tiện ích khác khiến cho sơ đồ tư duy ngày càng trở nên phổ biến toàn cầu.Ví dụ như bạn muốn lập sơ đồ tư duy cho một tuần ôn thi, hãy vẽ chủ đề trung tâm tuần sau vào giữa trang giấy trắng. Từ chủ đề bạn vẽ 7 nhánh lớn là thứ 2, thứ 3…cho đến chủ nhật, mỗi nhánh một màu. Rồi từ mỗi thứ, bạn lại vẽ các nhánh nhỏ là các công việc bạn định làm trong thứ đó, mỗi công việc lại triển khai ra các ý chi tiết hơn như bạn định làm việc đó với ai (Who), ở đâu (Where), bao giờ (When), bằng cách nào (How)...
Cứ như vậy bạn sẽ có được trên cùng một trang giấy các công việc bạn định làm trong một tuần, và cái hay của sơ đồ tư duy ở chỗ là nó giúp cho bạn có cái nhìn tổng thể, không bỏ sót các ý nhỏ; từ đó bạn có thể dễ dàng đánh số thứ tự ưu tiên các công việc trong tuần để sắp xếp và quản lý thời gian một cách hiệu quả và hợp lý hơn so với một quyển sổ liệt kê các công việc thông thường.

Ngoài việc lên kế hoạch ôn tập, sơ đồ tư duy tỏ ra rất hiệu quả trong việc hệ thống hóa các kiến thức của một môn học. Như đã nói ở trên, nguyên tắc của sơ đồ tư duy là “sự liên tưởng”. Chính vì thế, để tìm ra “sự liên tưởng” này không gì hơn là việc bạn phải đọc thật kỹ sự liên quan giữa các kiến thức với nhau. Bạn phải trả lời cho được kiến thức nào là kiến thức nền, kiến thức nào là trọng tâm, kiến thức nào có thể suy ra từ kiến thức đã nêu trước đó. Làm như vậy thì hệ thống kiến thức của bạn mới đầy đủ và chính xác.

Những lời khuyên khi sử dụng sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy không dành cho người lười biếng. Sơ đồ tư duy chỉ giúp bạn cụ thể hóa, hệ thống hóa kiến thức. Và để làm được điều này bạn phải đọc thật kỹ lý thuyết và hiểu rõ chúng. Nếu không sơ đồ tư duy sẽ thiếu logic dẫn đến hậu quả là bạn nhớ nhầm hoặc nhớ sai kiến thức, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh. Một sơ đồ tư duy rực rỡ sắc màu sẽ khiến buổi học của bạn trở nên thú vị. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải sử dụng quá nhiều màu sắc. Bạn có thể chỉ cần dùng một hai màu nếu thích và muốn tiết kiệm thời gian.
Nếu bạn thấy mất quá nhiều thời gian để tô đậm màu trong một nhánh, sao bạn không thử gạch chéo, đánh dấu cộng, hay chấm bi trong đó? - Rất mới mẻ và tốn ít thời gian. Vẽ nhiều nhánh cong hơn là đường thẳng để tránh sự buồn tẻ, tạo sự mềm mại, cuốn hút cho sơ đồ tư duy của bạn.
Từ khóa gợi mở sẽ khiến não bạn ghi nhớ được nhiều kiến thức hơn. Nếu trên mỗi nhánh bạn viết đầy đủ cả câu thì như vậy bạn sẽ dập tắt khả năng gợi mở và liên tưởng của bộ não. Não của bạn sẽ mất hết hứng thú khi tiếp nhận một thông tin hoàn chỉnh. Vì vậy, hãy nhớ trên mỗi nhánh bạn chỉ viết một, hai từ khóa mà thôi. Khi đó, bạn sẽ viết rất nhanh và khi đọc lại, não của bạn sẽ được kích thích làm việc để nối kết thông tin và nhờ vậy, thúc đẩy năng lực gợi nhớ và dần dần nâng cao khả năng ghi nhớ của bạn.
Bên cạnh việc sử dụng giấy bút để vẽ sơ đồ tư duy, bạn còn có thể sử dụng các phần mềm để hỗ trợ quá trình học tập của mình. Một số phần mềm miễn phí và hiệu quả có thể kể tên như: Edraw Mind Map, Open Mind, Blumind, ThoughtStack…
Cuối cùng, nếu bạn chỉ mới đọc để biết về sơ đồ tư duy thôi thì chưa đủ. Hãy thực hành sơ đồ tư duy ngay từ hôm nay và trải nghiệm nó. Thời gian không còn nhiều cho việc ôn thi. Tập trung sức lực và sử dụng sơ đồ tư duy để có một kỳ thi thật tuyệt vời các bạn nhé!

Bạn đang đọc bài viết đầu tiên trong chương trình “Đồng hành cùng mùa thi UEB” - nơi chia sẻ những bí quyết để ôn thi hiệu quả. Bài viết tiếp theo với chủ đề “Những điều cần tránh khi ôn thi” sẽ được đăng tải vào ngày 15/12/2014. Đón đọc tại website và fanpage của Nhà trường.


Đinh Hồ Nho Thông (K57- Khoa KTCT)