Sinh viên Trường Đại học Kinh tế thuyết trình trước các giáo sư nước ngoài trong phiên buổi sáng
Ngay sau lễ khai mạc GPAC 2014, tất cả các giáo sư, giảng viên và sinh viên tới từ 8 trường đại học đã được chia thành 6 nhóm khác nhau để trình bày tham luận về 6 chủ đề: Kinh tế vĩ mô, Tài chính quốc tế, Đầu tư và thương mại quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế lao động phổ thông và Kinh tế môi trường.
Mỗi hội đồng có 4 giám khảo là các giáo sư, giảng viên cùng 5 nhóm sinh viên tới từ các trường đại học khác nhau tham gia báo cáo. Với thời gian được đưa ra khá thách thức, mỗi nhóm chỉ có tối đa 12 phút để thuyết trình bài nghiên cứu của mình và 8 phút trả lời phản biện từ phía ban giám khảo. Tuy vậy, hầu hết các nhóm sinh viên kiểm soát khá tốt phần thời gian cho phép của bài thuyết trình và có phần phản biện thuyết phục với Ban giám khảo.
Sau gần 2 giờ làm việc, các hội đồng đã lựa chọn những bài thuyết trình xuất sắc nhất và công bố trong sự hồi hộp của các nhóm sinh viên tham gia. Kết quả chung cuộc, các nhóm sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã giành được 2 giải Nhất, 3 giải Nhì và 1 giải Ba. Đây là lần đầu tiên sinh viên Việt Nam tham dự Diễn đàn Sinh viên Châu Á có số lượng giải và thành tích cao như vậy.
Các nhóm được đánh giá tốt trình bày nghiên cứu trong phiên buổi chiều
Ngoài ra, những bài thuyết trình đạt giải Nhất, Nhì, Ba của mỗi hội đồng cũng đã có cơ hội thể hiện nghiên cứu của mình với toàn bộ giáo sư, giảng viên và sinh viên trong khuôn khổ hội thảo tập trung tại phòng hội thảo quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN buổi chiều cùng ngày.
Chia sẻ cảm nhận của mình, sinh viên Nguyễn Thị Linh Chi (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) cho biết, bạn hài lòng với những mục tiêu nhóm đặt ra trước buổi thuyết trình. Chi cho rằng đề tài của sinh viên các trường đại học khác khá thú vị và mang lại cho mình nhiều góc nhìn mới về những chủ đề tưởng chừng rất quen thuộc. Chi cũng rất vui khi nhận được những nhận xét từ phía các giám khảo, điều này giúp cho nghiên cứu của Chi có thể tiếp tục hoàn thiện hơn.
Phần trình bày của sinh viên Đại học Meio (Nhật Bản)
Yu Da, nam sinh viên tới từ Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan) tỏ ra rất thích thú với đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên tới từ Nhật Bản và Việt Nam. Lý do được Yu Da đưa ra là hầu hết các đề tài mà sinh viên Đài Loan thực hiện là định lượng, gắn liền với những con số; nhưng trong hội thảo hôm nay khi được lắng nghe đề tài không đề cập tới những con số và dùng phương pháp định tính, bạn thấy thực sự thú vị. Yu Da cũng chia sẻ thêm rằng, bạn đã học hỏi được cách thuyết trình đơn giản để người nghe có thể dễ dàng hiểu vấn đề từ sinh viên các trường đại học khác.
Giáo sư Shape I Takemori của Đại học Keio (Nhật Bản) - người đã từng 7 lần tham dự Diễn đàn Sinh viên Châu Á đánh giá chất lượng sinh viên và chất lượng đề tài năm nay nhìn chung tốt hơn so với các năm trước. Giáo sư đánh giá cao khả năng quản lý thời gian và lựa chọn nội dung trình bày của các nhóm sinh viên tham để nêu bật được những khái niệm và vấn đề quan trọng trong bài nghiên cứu của mình dù thời gian thuyết trình hạn chế. Giáo sư cho rằng chất lượng sinh viên của các trường đại học tham gia GPAC ngày càng ít cách biệt, bởi đối với khối ngành kinh tế, kiến thức, phương pháp và công cụ nghiên cứu được các trường đào tạo tương tự như nhau. Chính vì vậy, các sinh viên các trường hoàn toàn có thể cạnh tranh và học hỏi lẫn nhau khi tham gia diễn đàn này.
Giáo sư các nước chăm chú theo dõi phần trình bày của sinh viên
Đại diện cho Ban tổ chức Diễn đàn Sinh viên Châu Á 2014, TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh, GPAC 2014 là cơ hội giúp các sinh viên của Trường nâng cao năng lực và cọ sát tầm quốc tế. Ông cho rằng, giảng viên chỉ là những người hỗ trợ, còn sinh viên cần chủ động tìm tòi và đổi mới, như vậy sẽ hướng tới sự phát triển bền vững trong quản trị đại học. Ông cũng hy vọng qua GPAC 2014, sinh viên của Trường không chỉ học hỏi được những góc nhìn và kiến thức mới từ sinh viên các nước tham dự mà còn tích cực giao lưu văn hóa, tăng cường tình hữu nghị giữa sinh viên các nước tham dự.
Theo lịch trình của GPAC 2014, các nhóm sinh viên sẽ cùng làm việc theo nhóm để giải đáp một câu hỏi của Ban tổ chức và tham gia tranh tài trong ngày 27/8.
__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN: