Ngày 12/11/2014, nhằm trao đổi và tham khảo ý kiến giữa các nhà nghiên cứu và giảng viên trực tiếp giảng dạy về các vấn đề liên quan đến chương trình cử nhân ngành Kinh tế phát triển (KTPT), chuyên sâu kinh tế môi trường, Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo “Hoàn thiện các môn học chương trình cử nhân ngành Kinh tế phát triển, chuyên sâu kinh tế môi trường”.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Niels Vestergaard - Trưởng nhóm nghiên cứu Kinh tế tài nguyên và môi trường, Đại học Nam Đan Mạch, Đan Mạch và các giảng viên, cộng tác viên của Khoa KTPT, Trường ĐHKT cùng các chuyên gia đại diện các viện, trung tâm nghiên cứu...
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa KTPT đã phát biểu khai mạc, giới thiệu khái quát về Khoa KTPT, các chương trình học và hai lựa chọn chuyên sâu hiện nay của sinh viên hệ cử nhân của Khoa. Đồng thời, TS. Nguyễn Quốc Việt bày tỏ hy vọng sẽ nhận được nhiều chia sẻ, các ý kiến đóng góp về phương pháp giảng dạy cũng như khung chương trình, hệ thống môn học trong chuyên sâu kinh tế môi trường.
Trong phần trình bày tham luận, GS.TS. Niels Vestergaard đã giới thiệu về Khoa Kinh tế Môi trường & Kinh doanh và nhóm nghiên cứu Quản lý kinh tế tài nguyên môi trường (MERE) mà ông đang là Trưởng nhóm. Nhóm nghiên cứu Quản lý và Kinh tế tài nguyên môi trường, Đại học Nam Đan Mạch là nhóm nghiên cứu quốc tế mạnh bao gồm các giáo sư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đức và Đan Mạch. Nhóm nghiên cứu này đã có nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí hàng đầu về kinh tế tài nguyên môi trường như Ecological Economics, Land Economics, Environmental and Resource Economics và nhận được nhiều sự tài trợ từ các quỹ nghiên cứu của Liên minh Châu Âu (EU) và Đan Mạch. Nhóm đã thực hiện các nghiên cứu xoay quanh 5 chủ đề chính: lý thuyết về quy định quản lý; ô nhiễm môi trường và sự khan hiếm nguồn tài nguyên; mô hình tích hợp, phân tích và quản lý rủi ro; quản lý hệ sinh thái... Giáo sư Niels cũng giới thiệu về chương trình đào tạo Kinh tế tài nguyên và môi trường tại Đan Mạch và cho biết thêm hiện tại Đan Mạch không có nhiều chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Kinh tế tài nguyên môi trường, mà chỉ có một số chương trình cử nhân liên quan như: quản lý môi trường và nguồn tài nguyên nước, tài nguyên sinh học và quy hoạch môi trường. Ngoài ra, ông còn giới thiệu chi tiết về chương trình đào tạo của một số chương trình cử nhân và thạc sĩ ở Trường Đại học Nam Đan Mạch và Copenhagen.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Viết Thành, Khoa KTPT đã trình bày tham luận về “Các kinh nghiệm Quốc tế về chương trình đào tạo kinh tế tài nguyên và môi trường”. Bằng việc phân tích và so sánh giữa các chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Kinh tế tài nguyên môi trường tại Trường Đại học Queensland (Úc) và Đại học Rhode Island (Hoa Kỳ); TS. Nguyễn Viết Thành cho biết có hai nhóm chương trình: chương trình cử nhân kinh tế chuyên ngành Tài nguyên môi trường và chương trình cử nhân Kinh tế tài nguyên môi trường; các môn học trong chương trình đào tạo đó được thiết kế linh hoạt dựa vào thế mạnh của các trường đào tạo. Chương trình đào tạo cung cấp kiến thức để sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc được ở cả các khối cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Tuy vậy, chuyên ngành Kinh tế tài nguyên môi trường của Đại học Queensland dựa nhiều trên nền tảng kinh tế học sẽ phù hợp hơn cả với chương trình đào tạo tại Khoa Kinh tế Phát triển - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN.
Để người tham dự có thể hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo cử nhân KTPT, chuyên sâu kinh tế môi trường, ThS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Tài nguyên Môi trường đã giới thiệu cụ thể và chi tiết hơn về cấu trúc và nội dung các môn học trong chương trình. Từ sự phân tích của mình, ThS. Hà cũng cho thấy có sự chồng chéo giữa các môn học; do vậy cần có những điều chỉnh cho phù hợp.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt cảm ơn GS. Niels, các chuyên gia, các khách mời và giảng viên đã tới tham dự hội thảo và nhấn mạnh: Hội thảo lần này, với ý nghĩa như một tọa đàm chuyên môn đã trở thành nơi để các chuyên gia và giảng viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và cách bố trí các môn học trong chương trình. TS Nguyễn Quốc Việt cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía các chuyên gia, giảng viên để Khoa KTPT có thể tổ chức được nhiều hội thảo có giá trị chuyên môn cao cũng như có nhiều dự án hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.